Chữ nghĩa

(VOH) - Theo dõi thông tin từ diễn đàn Quốc hội, nhóm U60 của Hai Sài Gòn bàn tán nhiều chuyện. Thuận với dự luật cũng có - phản ứng cũng có.

Chẳng hạn khi Quốc hội thảo luận dự luật An toàn thực phẩm- một dự luật cần kíp để điều chỉnh toàn xã hội, nói như kiểu Ba Thợ Hồ thì tình trạng  mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang diễn ra mọi lúc mọi nơi mà không có cơ quan nào chịu trách nhiệm. Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn kỳ họp lần trước: “Từ trang trại đến bàn ăn phải qua 5 bộ- Bộ Y tế chỉ quản từ bếp ăn lên miệng người tiêu dùng: Nghe đã chưa!. Nhiều đại biểu đã ví von việc 5 Bộ chịu trách nhiệm bằng câu “Nhiều sải nhưng không ai đóng cửa chùa” quả không sai- Hai Sàigòn thông tin cho các bạn mình là lần nầy- thay vì 5 Bộ quản lý an toàn thực phẩm- Để “cải cách hành chánh” Quốc hội rút bớt chỉ còn 3 Bộ thôi- đó là Y tế- Nông nghiệp phát triển Nông thôn (NNPTNT) và Công thương- Trong đó trách nhiệm cụ thể của từng Bộ được qui định cụ thể.

Xem ra kỳ nầy ông Y tế được tín nhiệm giao cho quyền hành rất lớn- ngay từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ngay từ khâu sơ chế; chế biến, bảo quản vận chuyển… tức là nhiệm vụ của ông Y tế là từ A đến Y - chứ không chỉ từ “bếp ăn lên miệng người tiêu dùng nữa”. Còn ông Nông nghiệp phát triển Nông thôn thì lo an toàn thực phẩm đối với sản xuất ban đầu - quản lý an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản và muối. Còn ông công thương thì lo về chợ, siêu thị… nói chung là khâu tiêu thụ.

Ảnh minh họa: Phụ nữ mới

Tư hưu trí đặt vấn đề là phân chia như vậy nhưng liệu đủ số lượng cán bộ và trình độ chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện luật nầy không? Tôi nói thật tui nghi ngờ tính khả thi của luật nầy lắm vì để luật nầy được thực hiện nghiêm túc và xử lý nghiêm minh, phải cần ít nhứt là 3.000 đến 5.000 cán bộ, lấy đâu ra con số nầy, kinh phí đâu để đội quân nầy có thể làm được việc. Thứ hai tui nghe các ông bà đại biểu phản ứng từ ngữ của dự luật này nhiều lắm, chẳng hạn đại biểu Nguyễn Lân Dũng cho rằng an toàn thực phẩm có nhiều chuyện lo mãi vẫn chưa được đó là rau an toàn. Ông không đồng ý khái niệm rau an toàn với rau sạch vì đã là rau thì phải sạch - phải an toàn. Rồi ông dẫn chứng thêm, gần đây Đài truyền hình Hà Nội có gameshow “đuổi hình bắt chữ” đưa ra dĩa cơm, rồi ném vào đó một nắm bụi và hỏi đó là cơm gì? Đáp án là cơm bụi. Rồi ông đặt vấn đề: Tại sao người ta đưa ra hình ảnh phản cảm như vậy, cơm ăn với bụi và gọi là cơm bụi. Cơm bụi là đặc sản của nước ta là cơm bán ngoài đường. Thế giới không có nước nào bán cơm ngoài đường cả. Từ đó ông đề nghị từ bỏ chử “cơm bụi” trong luật an toàn thực phẩm. Nghe Tư hưu trí kể chuyện  cơm bụi anh em trong bàn cười ngất. Nhưng ngẫm nghĩ quả là đúng như vậy thật. An toàn thực phẩm hay không do người sản xuất ra sản phẩm đó - chứ bản thân sản phẩm đó nó đâu có tự phong tự quảng cáo là rau an toàn, rau sạch đâu. Cái đó do miệng đời đặt cho nó - có phải vậy không - thưa bà con?

Hai Sài Gòn