“Khổ quá” mùa hè!

(VOH) - Vừa thấy mặt anh Tư Hưu Trí, Hai Sài gòn hết hồn vì mới một tuần lễ không gặp mà anh Tư “xuống sắc” dễ sợ. Hai Sài Gòn biết là anh đang có chuyện gì phải lo lắng dữ… lắm.

“Có chuyện gì mà anh phờ phạc vậy anh Tư?”, Hai tui hỏi ngay khi anh Tư chưa kịp ngồi xuống. Anh Tư bèn “vô đề”: “Số là 2 đứa cháu ngoại, một đứa năm nay vô lớp 6 còn một đứa thì vào lớp 1. Ba má hai cháu làm viên chức nhà nước thu nhập trung bình. Vậy mà một lúc 2 đứa cùng vào trường một lúc… hỏi chịu sao nổi?".

Một đứa vào cấp một, một đứa vào cấp 2 thì tốt quá chứ gì phải lo anh Tư?

Anh Tư bật luôn: bộ anh Hai quên rồi hả, cứ vào hè là nhiều cha mẹ sốt vó lo cho mấy đứa nhỏ vì chọn trường, chọn lớp.

Đến đây thì Hai tui hiểu ra liền. Con anh Tư  vốn là viên chức nhà nước, biết anh Tư từng có thâm niên quen biết các trường học trong quận bèn nhờ ông ngoại tìm đường đưa 2 cháu vào trường điểm. Hai tui nghe “nỗi niềm” của anh Tư mà ngao ngán cho cái sự học triền miên ngày nay.

Các trường phải chấm dứt các hoạt động học thêm, dạy thêm vào hè này. Ảnh minh họa: baodatviet

Mấy chục năm trước, Hai tui nhớ, mỗi năm đến hè là học sinh vui nhất. Được nghỉ hè 3 tháng đúng nghĩa, được vui chơi, nghỉ ngơi về thăm nội ngoại… Còn nay thì nghỉ hè có khi phải “nhồi” nhiều hơn như: học chữ, học ngoại ngữ, học bơi, học vẽ, học võ, học đàn… đủ thứ học. Như anh Tư làm ông ngoại mà hè phải đưa đón cháu còn nhiều hơn ngày thường.

Chưa hết, với mấy cháu cuối cấp thì cha mẹ còn phải chạy trường: phải vào trường điểm, trường chuyên, trường giỏi… Bao nhiêu hệ lụy kéo theo cái vụ quà cáp, lo lót...

Môi trường sư phạm mà cứ bị đồng tiền làm vẫn đục thì làm sao đào tạo được những con người có đạo đức? Nói “thẳng như đường thẳng” phụ huynh cứ dùng tiền mua chỗ học cho con thì khó mà có “ tôn sư trọng đạo”.

Anh Tư ngồi nghe Hai tui nói bèn góp vô: Đâu phải cứ học trường giỏi thì đứa trẻ nghiễm nhiên thành học sinh giỏi đâu anh Hai! Giỏi hay không là do chính bản thân đứa trẻ. Do tư chất của đứa trẻ, do tính chuyên cần, ham học, chịu khó rèn luyện thì mới cho ra học sinh giỏi. Còn thầy, cô dạy chỉ là hỗ trợ, hướng dẫn thêm.

Hai tui đồng ý 100% với anh Tư. Nếu chỉ biết bắt ép con em mình phải học nhiều, học đủ thứ, trường chuyên, trường điểm mà vượt quá khả năng của đứa trẻ thì lợi bất cập hại.

Hai tui thấy phải xóa bỏ trường chuyên, trường điểm thì mới có thể cải cách được giáo dục. Điều quan trọng trong xã hội ngày nay đó là cần  đào tạo ra con người có đạo đức trước đã. Như Hai tui nhớ khi xưa đi học thì câu đầu tiên thầy cô dạy đó là câu “Tiên học lễ, hậu  học văn”.

Chỉ đào tạo ra học sinh giỏi mà lại thiếu đạo đức thì lại càng nguy hiểm cho xã hội.

Anh Tư nói nghe đâu Nhà nước cũng có chủ trương tiến tới xóa bỏ trường chuyên, trường điểm đó anh Hai, nhưng chắc đến khi thực hiện được cũng phải mất vài năm nữa.

Mới đây, Hai tui cũng đọc được cái tin trên báo, UBND TP vừa ra thông báo, hè năm nay các trường phải chấm dứt các hoạt động học thêm, dạy thêm. Các trường tuyển sinh đầu cấp phải nhận đủ 100% số học sinh cư trú trên địa bàn, chấm dứt tình trạng chạy trường, chạy lớp.

Nghe Hai tui báo cái tin nầy, anh Tư  mừng rơn. Anh nói chắc chiều về nhà phải phân tích cho mấy đứa con anh Tư nghe và khuyên tụi nó không cần phải chạy trường cho mấy đứa cháu nữa.

Cứ cho mấy đứa  đi học  đúng tuyến, đỡ phải mất tiền, thêm lo. Mình là phụ huynh chịu khó dạy dỗ, kèm cặp con cháu học thành người, là con hiếu thảo trong gia đình, là người tốt cho xã hội, đó là mình làm tròn bổn phận phụ huynh rồi phải không anh Hai?

Nghe anh Tư nói, Hai tui nhất trí hai tay với anh Tư cái vụ nầy nghen.