Phụ nữ Việt Nam dưới cái nhìn của ông Tây

(VOH) - Tư hưu trí hỏi Ba Thợ hồ: “Sao, hôm nay ông tặng cho bà Ba nhà ông quà gì vậy?”. Liền nghe trả lời thế nầy “Hôm nay mồng 8 tháng 3 - Tui giặt dùm bà cái áo của tui” và cái mĩm cười rất ư là độc đáo.
 

Tức mình, Tư hưu trí lên lớp: Anh có biết trên thế giới nầy không có lãnh tụ anh minh nào, không có vĩ nhân nào là không do phụ nữ sinh ra hay không? Suy nghĩ, tư duy của ông về người phụ nữ - người đầu ấp tay gối, người mẹ của các con ông phong kiến bỏ xừ “Tui giặt dùm bà cái áo của tui”- nghe không lọt lỗ nhĩ - Ba thợ hồ “nổ” lại: “Anh có tôn trọng mấy bà ấy cách mấy - mấy bà ấy có làm  tới “bà trời” đi  nữa thì cũng là người đàn bà - là vợ - là mẹ, người phụ nữ không biết nấu cơm, giặt giũ, không biết chăm sóc con cái thì không là người phụ nữ. Ông bà ta đã dạy rồi, phụ nữ là phải tứ đức tam tòng, là công dung ngôn hạnh, là xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Bày đặt bình với đẳng làm cho mấy bả lừng... phèn lên yêu sách lắm điều mệt xác.

Nghe lý luận của Ba Thợ Hồ đầy màu sắc phong kiến, vũ phu nên Hai Sài Gòn tham gia ý kiến: Anh nghĩ bình đẳng giới quá đơn giản. Công việc nấu cơm giặt giũ, chăm sóc con cái là thiên chức của người phụ nữ, đàn ông làm việc đó nếu có chỉ là phụ giúp vợ con thôi - chứ không gọi là bình đẳng. Mà bình đẳng hiểu một cách nôm na là được sự đồng cảm và chia sẻ bằng lời động viên, bằng sự quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện  trong công việc và cuộc sống của người đàn ông đối với người phụ nữ nói chung, chứ không chỉ giới hạn giữa vợ và chồng. Có một  ông Tây bị  “Việt hóa” tên là Joe Ruelle mở miệng ra là khen phụ nữ VN tuyệt vời nhất hành tinh. Ông nói chữ VN từ đảm đang là từ khó dịch sang tiếng Anh vì nó vừa có chất phong kiến vừa có chất giải phóng. Nếu đảm đang có nghĩa là một người phụ nữ thu vén việc nhà giỏi giang, tươm tất, bên cạnh  công việc của cơ quan, doanh nghiệp. Tại sao bà vợ phải nấu ăn ngon, dọn dẹp giỏi trong khi ông chồng ngồi uống bia bàn chuyện vớ vẩn - khen 1 người phụ nữ đảm đang như thế là khen một hệ thống bất bình đẳng. Nếu cái nhìn rộng hơn “đảm đang” có thể dịch là  “không có gì là không làm được” biết  cân nhắc thực tế và tình cảm- dịch như thế trở thành một câu khen hiện đại, xứng đáng được nhiều người phụ nữ VN chấp nhận, ông Tây nầy có cái nhận xét vui vui thế nầy: Tôi có thời gian làm việc ở 1 Đài truyền hình ở Việt Nam, sếp của tôi là người phụ nữ. Trước đây, tôi dạy tiếng Anh ở Đại học, sinh viên toàn nữ, từ đó suy ra có tới 80% người VN biết nói tiếng Anh là phụ nữ, khi đi nộp thuế - tôi cũng gặp toàn phụ nữ. Đôi khi tôi suy nghĩ nếu tất cả đàn ông Việt Nam bỗng quyết định không đi làm nữa - kinh tế VN vẫn chạy ngon lành, chỉ có điều hơi khó tìm xe ôm.

Đối với ông, phụ nữ VN rất phong phú. Theo ông đây là tiêu chuẩn lạ, rồi ông thí dụ luôn: khen em rất đẹp hoặc em rất đảm đang là câu khen bình thường, nhưng chưa ai khen câu "em rất phong phú". Ý ông Joe Ruelle nói đến sự khác biệt tính cách phụ nữ ở 3 miền - nét duyên dáng của phụ nữ VN rất phong phú - ít có quốc gia nào chỉ cần đi vài trăm cây số là  gặp phụ nữ khác hẳn luôn. Là đàn ông có thể bạn không hạp với phụ nữ Hà Nội, không loại trừ khả năng bạn hạp với phụ nữ Huế, không Huế thì Sài Gòn - không Sài Gòn thì Hải Phòng. Riêng cá nhân ông ta thì ông rất hạp với phụ nữ Hải Phòng. Đó phụ nữ VN phong phú là như thế. Rồi Hai Sài Gòn kết luận: Người nước ngoài còn nhìn phụ nữ VN mình như thế - chứ có ai có cái nhìn hẹp hòi phong kiến như Ba Thợ hồ đâu. Nên sửa sai khắc phục đi ông. Ba Thợ hồ cũng thấy sự quá lố của mình nên nói Hai Sài Gòn và Tư hưu trí - chiều nay tui mua bông hồng về tặng bả - tặng con gái tui./.

Hai Sài Gòn