Trung Quốc xả nước thủy điện cứu sông Mekong

(VOH) - Trong lúc hạn mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long vô cùng gay gắt, sẽ tăng dòng chảy của sông Lan Thương để giúp các nước thuộc lưu vực sông Mekong đối phó với khô hạn.

Trong lúc nhâm nhi trà “quạu” bàn luận tình hình thời sự, Ba thợ hồ nói, hạn mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long năm nay gay gắt, thách thức hơn năm 2016 vậy mà nhờ chủ động phòng chống nên thiệt hại vụ đông xuân chưa tới 20% so với năm 2016, nguồn nước sinh hoạt cho bà con cũng không căng thẳng như năm 2016.

Tư hưu trí “tài lanh tài lẹt” cho đó là nhờ Nghị quyết 120 của Chính phủ đối phó với biến đổi khí hậu dự báo trước, kế đến là các ngành các cấp ở Đồng bằng Sông Cửu Long đều hè nhau tìm mọi giải pháp chống hạn, mặn xâm nhập nên mới có kết quả.

Hai Sài Gòn cho rằng thông tin mấy anh đưa ra chưa hấp dẫn. Thông tin nầy mới “đã ngứa” nè. Không chờ anh em “dí” Hai Sài Gòn nói liền “Mới đây, tại Vientiane, Lào, Hội nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ 5 đã diễn ra với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.

Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh làm Trưởng đoàn. Phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, mưa ít là lý do chính gây khô hạn. Trung Quốc sẽ tăng dòng chảy của sông Lan Thương (đoạn sông Mekong tại Trung Quốc) để giúp các nước thuộc lưu vực sông Mekong đối phó với khô hạn, nâng cao hợp tác nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn nước hợp lý và bền vững. Trung Quốc cũng sẽ cân nhắc việc chia sẻ thông tin thủy văn để hỗ trợ thêm trong tương lai”.

Anh em nghe thông tin nầy vỗ tay rần rần. Vì ai cũng biết nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn là nước từ thượng nguồn sông Mekong về ít, không đủ sức đẩy mặn từ biển xâm nhập sau nội đồng.

Tư hưu trí cho là hạn hán trong năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp và nghề khai thác thủy sản ở Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Việt Nam. Nguyên nhân tại sao? Giới quan sát cho rằng, 11 con đập của Trung Quốc tại thượng nguồn sông Mekong cũng như biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính.

Hai Sài Gòn dẫn chứng, “Theo Reuters việc xây đập sẽ gây thiệt hại nặng nề cho các hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, buộc các quốc gia trong lưu vực phải nhập khẩu thêm lương thực từ Trung Quốc để bù đắp sự thiếu hụt dài hạn. Ngoài ra, tình hình hạn hán trong nhiều năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp và thủy sản của Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Việt Nam. Một số chuyên gia cũng đã cáo buộc các con đập của Trung Quốc tại thượng nguồn sông Mekong cùng với sự biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.”

Tư hưu trí cho là 5 nước hạ lưu sông Mekong ghi nhận hành động đẹp đẽ, mà Bộ trưởng Ngọai giao Vương Nghị của Trung Quốc khi tuyên bố “cứu hạn” cho các nước Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Hai Sài Gòn đồng ý với Tư hưu trí, nhưng anh cảnh báo bao giờ thấy nước về Đồng bằng Sông Cửu Long mới biết. Bởi PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, nước xả từ đập này sẽ không tới được Đồng bằng sông Cửu Long.

Hạn, xâm nhập mặn năm 2016, Trung Quốc từng xả đập với lưu lượng 2.100m3/giây mà nước còn không tới được Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam, trong khi lần này chỉ xả 850m3/giây thì sẽ không tới được, chưa nói tới việc các nước thượng nguồn khác như Thái Lan, Lào cũng lấy nước.

Hiện nay, mùa khô đã đi gần hết. Xả đầu mùa thì khác. Đó là chưa nói tới bây giờ Trung Quốc xả đập, nếu nước tới được Đồng bằng Sông Cửu Long cũng phải mất 3 tuần sau, lúc đó thì lúa đang thiếu nước ở đây cũng chết hết rồi.

Chưa hết, Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên cán bộ Văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ cũng cho rằng, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cũng sẽ không "thụ hưởng" được nguồn nước từ Trung Quốc. Vì trước đây có thời điểm mặn xâm nhập sâu vài chục cây số ở Đồng bằng Sông Cửu Long thì dòng chảy đo được ở trạm Châu Đốc và Tân Châu còn hơn 1.200m3/giây, trong khi Trung Quốc xả với lưu lượng 850m3/giây mà cách hàng ngàn cây số mới tới Đồng bằng Sông Cửu Long, việc có nước ở Đồng bằng Sông Cửu Long từ việc xả này là không thể.

Ông Vinh cũng cho biết, qua nhiều năm theo dõi có ghi nhận hiện tượng Trung Quốc xả đập thủy điện (có năm nhiều, có năm ít) sau tết Nguyên đán hằng năm (khoảng tháng 2 dương lịch). Nhưng ông vẫn chưa rõ lý do “lòng hào hiệp” xả nước này từ nước láng giềng.

Tư hưu trí cho là chúng ta ghi nhận nghĩa cử thiện chí của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, còn kết quả thế nào thì “hãy đợi đấy”.

Trung Quốc tuyên bố sẽ xả nước đập thủy điện cứu sông Mekong - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết mưa ít là lý do chính gây khô hạn và Trung Quốc cũng đang chịu thiệt hại từ điều này.

Hoàn thiện chính sách về di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án: “Rà soát và hoàn thiện các chính sách về di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện”.