Tự giác nói không…khó lắm

(VOH) - Hôm qua, 2-7, Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc công bố Báo cáo “Chỉ số Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh năm 2012: Đo lường từ trải nghiệm của người dân”. Báo cáo nêu rõ: có gần 80% người dân không biết được quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương mình; hơn 44% người dân cho biết họ phải đưa hối lộ để vào làm ở khối hành chính nhà nước; 42% người dân phải đưa hối lộ khi đi khám chữa bệnh, 32% đưa hối lộ khi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…Ngoài ra, 83% người dân được hỏi không biết Ban Thanh tra Nhân dân, Giám sát cộng đồng ở xã, phường có tồn tại hay không? Đọc những dòng tin này , ý anh là sao hả anh Hai?

Đơn giản thôi! Không biết qui hoạch đất đai, không biết Ban Thanh tra Nhân dân là do dân mình thấy không nhất thiết phải biết. Quan tâm làm gì khi qui hoạch đất đai đã có chính quyền các cấp họp hành, bàn thảo, tính toán nát óc, chi li đâu vào đó hết rồi. Liệu có quá lời hay không khi dùng tới cụm từ “hối lộ”? Cán bộ giúp mình có việc làm tốt, khám chữa bệnh nhanh, thuận tiện giấy tờ sổ hồng, sổ đỏ thì mình biết ơn, bồi dưỡng là hợp lẽ đời chứ có gì to tát lắm đâu? “bánh ít đi, bánh qui lại” mà!

Trời đất! Gần phân nửa số người được hỏi đã thừa nhận phải “đút lót” vậy mà Hai Sài Gòn lại bảo không to tát! lẽ nào Hai sài Gòn quên cách đây khoảng 2 năm, khi tiếp xúc cử tri TP HCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói: "Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này”.

Quên làm sao được! Sở dĩ Hai tui nói gàn như vậy chẳng qua muốn nhắc Chú Tư và nhiều người lưu ý: Hối lộ tràn lan cũng có một phần lỗi từ phía người dân. Chính vì muốn được việc, muốn nhanh chóng, thuận tiện hơn người khác nên có không ít dân mình tung chiêu “đồng tiền đi trước, đồng tiên khôn”. Làm riết nó trở thành chuyện đời thường, chuyện tất yếu trong cuộc sống! Hồi xưa, chỉ khi nào có người “đòi” mới có người “đưa” còn bây giờ hiện tượng “đưa” không đợi “đòi” đã trở thành phổ biến. Vậy nên, ngoài việc phê phán, vạch mặt chỉ tên và mong đợi pháp luật trừng trị những kẻ ăn hối lộ thì mặt khác mỗi chúng ta cũng phải nhủ lòng “không tiếp tay cho tệ nạn hối lộ”. Hỏi thật! có khi nào chú tư tự nguyện lót tay cho Y tá, Bác sĩ với dụng ý được chăm sóc đúng trách nhiệm đối với người thân nằm bệnh viện?
Ừ thì cũng có dăm ba lần! Nhưng đó là chuyện nhỏ thôi mà.

Đừng quên! Năm bảy trăm chuyện nhỏ mà gộp lại nó “gõ” cũng “đứt bóng” luôn chứ chẳng phải chuyện giỡn chơi! Điều nguy hại là chuyện nhỏ lặp đi lặp lại sẽ trở thành thói quen. Một khi thành thói quen theo kiểu “có tiền, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ bằng không” thì nó sẽ làm cho suy nghĩ của chúng ta bị chai sạn, sơ cứng. Lúc đó, nó khiến chúng ta không coi hành vi hối lộ là tệ nạn, là phạm pháp. Theo hai tui: muốn giải quyết vấn nạn lớn này đôi khi chỉ cần thực hiện vài việc nhỏ. Đó là nâng cao ý thức “nói không với tiêu cực” trong từng người, từng gia đình. Đó có phải chuyện to tát như xây kim tự tháp hay đắp vạn lý trường thành. Đúng không?

Tưởng nhỏ nhưng thực tế không nhỏ chút nào đâu anh hai ơi!. Vận động dăm ba người nâng cao ý thức “tự giác nói không…” là chuyện nhỏ, chứ vận động đại bộ phận dân mình thì không hề nhỏ. Thử nghĩ coi, chỉ mỗi việc xếp hàng nộp đơn xin cho con học mẫu giáo, lớp một công lập mà người ta còn chen lấn, đạp ngã cổng rào. Có người còn trải bạt ngủ đêm ngay trước cổng trường để giữ chỗ. Cung ít, cầu nhiều hẳn không ít người nghĩ đến đút lót cho tiện việc. Nâng cao ý thức tự giác của người dân rõ ràng là một cuộc vận động lớn hẳn hoi. Sở dĩ hành vi mang tính vô tâm, vô tình, thậm chí vô cảm đầy rẫy trong xã hội bây giờ phần lớn bắt nguồn từ từ thái độ thiếu ý thức cả. Đừng băn khoăn bởi không khó lý giải vì sao có tới 83 % người được hỏi không biết Ban Thanh tra Nhân dân xã. Vấn đề chính là ở chỗ “ý thức” và “thiếu ý thức” mà thôi!.

Nếu ai cũng cũng ý thức như cách nói, cách hiểu của Tư Cổ Cò thì còn nói làm gì. Vấn đề là làm sao để dân mình ý thức tự giác nói không với tiêu cực và quan tâm hơn nữa đến cuộc sống quanh ta. Xem ra khó lắm! chẳng phải dễ đâu!