Tháp Poshanư hay còn gọi là tháp Chàm Po Sah Inư (tháp Chăm Phố Hài), đây là một cụm di tích tháp Chăm còn sót lại gần như nguyên vẹn của vương quốc Chăm Pa, nay thuộc thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Nơi đây là một địa danh du lịch nổi tiếng với những kiến trúc nghệ thuật độc đáo, thu hút được rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Hãy cùng khám phá những điều thú vị về địa danh này nhé!
Tháp Chàm Po Sah Inư (Nguồn: Internet)
Tổng quan về tháp chàm Poshanư (tháp Po Sah Inư)
Vào cuối thế kỉ VIII đầu thế kỉ IX, dân tộc Chăm đã xây dựng nhóm đền tháp này với mục đích là thờ thần Shiva (phiên âm Hán Việt: Thấp Bà hay Cập Chiêu). Thần Shiva là một trong tam thần Trimurti của Ấn Độ giáo. Vị thần này được ghi chép trong các câu chuyện thần thoại Ấn Độ và rất được nhân dân sùng bái. Ba vị thần Trimurti gồm: Brahma - thần sáng tạo, Vishnu - thần bảo hộ và Shiva - thần hủy diệt.
Thế kỉ XV, người Chăm cho xây dựng thêm một số đền thờ với kiến trúc đơn giản để thờ công chúa Po Sah Inư, con gái của vị vua Para Chanh. Tương truyền công chúa Po Sah Inư là một người xinh đẹp, tài đức và chung thủy nên rất được người dân Chăm Pa yêu quý. Bà cũng chính là người đã truyền đạt lại cho nhân dân cách trồng lúa nước, dệt vải thổ cẩm, trồng trọt, chăn nuôi… Sau bà khi mất, người dân nơi đây đã xây một ngôi đền thờ để tưởng nhớ đến đức hạnh cũng như tài năng của bà và đặt tên đền là Po Sha Inư.
Từ năm 1990 đến 2000, nhóm di tích đền tháp này được chính quyền tỉnh Bình Thuận trùng tu, xây dựng lại. Đến ngày 3/8/1991 thì được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Tháp Chàm được xây dựng để thờ thần Shiva và tưởng nhớ công chúa Po Sah Inư (Nguồn: Internet)
Tháp chàm Poshanư ở đâu?
Tháp Poshanư nằm trên đồi Bà Nài, thuộc di tích Lầu Ông Hoàng ngày xưa. Tọa lạc tại phường Phú Hài, cách trung tâm thành phố Phan Thiết 7km về hướng Đông - Bắc.
Giá vé tham quan tháp Poshanư: 10.000/khách/lượt
Cổng vào tháp (Nguồn: Internet)
Hướng dẫn đường đi đến tháp Poshanư
Đi từ TP. Hồ Chí Minh đến tháp Poshanư bạn có thể đi bằng xe máy hoặc xe khách. Vì đoạn đường khá xa, nên nếu không phải là một “phượt thủ” thì bạn nên chọn di chuyển bằng xe khách sẽ an toàn hơn. Thời gian đi dự kiến khoảng 4 giờ với quãng đường dài 199 km, theo tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây/ĐCT01 và QL1A. Xem hướng dẫn tại đây.
Địa điểm du lịch gần tháp Poshanư
Đến với Phan Thiết bạn có thể tham quan một số địa điểm du lịch nổi tiếng khác gần tháp Poshanư như: Trường Dục Thanh, tắm nước ngọt tại KDL Hòn Rơm, chơi thuyền thúng - cano qua Hải Đăng, Vạn Thủy Tú, lâu đài Rượu vang, cáp treo tại núi Cà Tú,... Giá vé dao động từ 10.000 đến 200.000/người/lượt.
Nét đẹp kiến trúc tháp chàm Poshanư
Tháp Poshanư là sự kết tinh những tinh hoa kiến trúc, văn hóa bậc nhất của dân tộc Chăm Pa trong thời kỳ hưng thịnh. Nhóm tháp này được thiết kế theo lối kiến trúc Hòa Lai, là một trong những phong cách xây dựng cổ của người Chăm. Tháp được xây bằng gạch đỏ, lối vào cửa được xây theo hình vòng cung, tháp nhỏ dần khi lên cao và bên ngoài có các cột hoa văn đặc biệt thể hiện nét tinh tế trong văn hóa Chăm.
Kiến trúc bên ngoài tháp (Nguồn: Internet)
Bia bên ngoài tháp (Nguồn: Internet)
Gạch xây dựng tháp (Nguồn: Internet)
Quần thể di tích được xây dựng cách đây 1200 năm hiện chỉ còn 3 tòa tháp: tháp chính, tháp vừa và tháp nhỏ.
Tháp chính cao 15m được chia thành ba tầng, có một cửa chính hướng về phía đông – đây là hướng cư ngụ của các vị thần linh theo truyền thuyết Chăm Pa. Tháp này còn được thiết kế thêm ba cửa giả ở các hướng Tây, Nam, Bắc. Cửa Tây được chạm khắc trang trí bằng những hoa văn và hình tượng khá lạ mắt với lối kiến trúc có tính đối xứng đồng dạng.
Trong tháp chính vẫn còn bệ thờ Linga - Yoni (Dương vật và Âm vật) bằng đá xanh đen còn giữ nguyên vẹn. Nhiều thớt đá được khắc với biểu tượng về sự sinh sôi, nảy nở của dân tộc Chăm. Tín ngưỡng thờ Linga và Yoni có nguồn gốc từ Ấn Độ (hay còn gọi là tín ngưỡng phồn thực tại Việt Nam).
Tháp nhỏ nhất trong khu di tích với chiều cao khiêm tốn chỉ khoảng 4m, nằm ngay cạnh tháp chính, có một cửa duy nhất hướng về phía Đông và bên trong thờ thần Lửa. Theo thời gian những họa tiết trang trí trên ngọn tháp này chỉ còn lại những đường nét gốc khá đơn giản.
Tháp vừa nằm khá xa tháp chính, tháp này thờ Thần Bò Nandin – một vật cưỡi của vị thần nổi tiếng linh thiêng Shiva. Với chiều cao khoảng 12m, tháp được thiết kế tương tự như tháp chính, nhưng các họa tiết trang trí đơn giản hơn.
Theo nhiều tài liệu, ngoài ba tháp chính thì nơi đây còn một tháp khác to lớn hơn rất nhiều, tuy nhiên theo thời gian thì tháp này đã bị chôn vùi dưới lòng đất đá khoảng hơn 300 năm.
Gạch để xây tháp có từ thế kỷ thứ IX nhưng vẫn còn rất tốt (Nguồn: Internet)
Lễ hội tháp Chàm
Bia đá ghi thông tin tháp (Nguồn: Internet)
Vào tháng Giêng âm lịch hằng năm, nơi đây thường tổ chức các lễ hội như Rija Nưgar hay Poh Mbăng Yang ngay dưới chân tháp Poshanư, người dân địa phương sẽ tụ tập tới đây để cầu mưa hoặc cầu nguyện những điều tốt lành cho bản thân và gia đình.
Du khách khi đến tham quan cũng có thể cùng tham gia lễ hội với người dân bản địa để trải nghiệm những nét văn hóa mới cũng như cầu chúc sự an lành.
Hàng năm nơi đây có các lễ hội cầu mưa gió (Nguồn: Internet)
Tháp Chàm Poshanư không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Chăm mà còn góp phần làm giàu thêm cho kho tàng văn hóa lịch sử Việt Nam. Nếu có cơ hội đến với Bình Thuận thì bạn đừng quên ghé thăm địa danh nổi tiếng này nhé!