Dịp Tết Nguyên Đán, những cuộc tụ tập ăn uống nối tiếp nhau, các bữa ăn đều tươm tất và thịnh soạn, điều này đã khiến lượng muối ăn vào của mọi người sẽ tăng lên rất nhiều trong thời điểm này!
Theo chuyên gia dinh dưỡng, lượng natri tiêu thụ hàng ngày của người lớn không được vượt quá 2.400 mg (tương đương với 6 gram muối ăn).
Tuy nhiên, lượng natri tiêu thụ thực tế thường vượt quá tiêu chuẩn, nếu mọi người đều thử một miếng nhỏ ở hầu hết mọi món ăn ngày tết, lượng muối nạp vào không hề ít.
Lại Huệ Phương, chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, ăn quá nhiều muối có liên quan chặt chẽ đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hàm lượng muối cao có mặt trong hầu hết món ngon ngày Tết, nó không chỉ đe dọa những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính mà còn khiến sức khỏe tim mạch của mọi người gặp nguy hiểm.
Món ngon ngày Tết chứa rất nhiều muối
Các món ngon ngày Tết thường không thể thiếu muối để làm tăng hương vị của chúng. Gia vị làm từ “muối” là linh hồn tạo nên hương vị cho các món ăn ngày Tết nhưng nó cũng trở thành “sát thủ” vô hình đối với sức khỏe.
Chuyên gia Lại Huệ Phương cho biết, lượng muối trong các món ăn ngày Tết thông thường như thịt heo om, các món lẩu, bắp cải muối, thịt kho, chân giò muối, giò heo ngâm mắm, bắp bò ngâm mắm, dưa món, dưa giá… cao tới 3 đến 5 gram trong mỗi món ăn, gần như đạt đến “giới hạn trên” của lượng muối tiêu thụ hàng ngày đối với người lớn.
Ngoài ra, các món ăn vặt ngày Tết truyền thống như hạt dưa, kẹo trái cây, mực xé sợi cũng là những thực phẩm chứa nhiều muối natri, ăn mỗi miếng cơ thể đều nạp vào một lượng natri nhất định mà mọi người không hề nhận ra.
Chuyên gia Lại Huệ Phương cho rằng, việc vô tình nạp vào quá nhiều natri sẽ khiến huyết áp tăng nhanh, đặc biệt đối với những bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường hoặc bệnh thận, những người này có nguy cơ cao hơn. Ngoài ra, natri quá mức cũng có thể gây co mạch, tăng tải cho tim và dễ gây ra các bệnh cấp tính như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Chuyên gia Lại Huệ Phương khuyến cáo mọi người nên chú ý chăm sóc tốt sức khỏe hàng ngày và ăn một chế độ ăn uống lành mạnh suốt đời. Nếu mọi người có quan tâm kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng sức khỏe của bản thân thường xuyên hơn thì đó sẽ là cách hữu hiệu để ngăn ngừa các bệnh nặng nghiêm trọng.
Giữ gìn sức khỏe trong ngày Tết
Để ăn Tết vui vẻ và khỏe mạnh, chuyên gia dinh dưỡng Lại Huệ Phương chia sẻ chế độ ăn uống ngày Tết “ít muối, nhiều hương vị”, mọi người hãy cùng với VOH tham khảo sau đây nhe!
1. Tự làm các loại gia vị tốt cho sức khỏe: sử dụng nước cốt chanh, các loại gia vị tự nhiên như hành lá, gừng, hành tây, rau mùi… để tăng thêm hương vị cho món ăn và hạn chế dùng muối.
2. Chọn nguyên liệu chứa ít muối natri: cố gắng chọn các nguyên liệu tươi sống và tránh càng nhiều càng tốt các thực phẩm chế biến sẵn, chẳng hạn như các sản phẩm muối chua, xúc xích, thịt xông khói, thịt nguội, thịt muối…
3. Phương pháp nấu ăn: sử dụng các phương pháp nấu ăn “lành mạnh” ví dụ như hấp, luộc… đồng thời nên tránh chiên xào dầu mỡ, nướng muối, sốt mặn …
4. Tránh nước sốt có hàm lượng natri cao: tránh dùng nước lèo hoặc nước sốt có nhiều chất béo và muối.
5. Kiểm soát khẩu phần ăn: chỉ nên ăn no 80%, trong đó có bao gồm cá và thịt, cũng như năm loại trái cây và rau quả.
6. Uống nhiều nước đun sôi: uống 2.000 ml (2 lít) nước mỗi ngày một cách có ý thức, điều này rất hữu ích cho việc chuyển hóa các natri dư thừa.
Chuyên gia Lại Huệ Phương cho biết, cách lý tưởng nhất để giữ sức khỏe trong dịp Tết là mọi người nên ăn theo chế độ ăn “ít muối”. Điều đó không chỉ tốt cho chính bản thân mình mà vui vẻ khỏe mạnh, không bệnh tật, không đau đớn là điều hạnh phúc lớn lao đối với gia đình trong ngày Tết.