Tiêu điểm: Nhân Humanity

Người mắc bệnh gout nên ăn uống như thế nào?

VOH- Chọn chế độ ăn “purin thấp” để không còn bị bệnh gout tấn công.

Làm thế nào để bệnh nhân gout có thể thưởng thức những món ăn ngon trong cuộc sống, đồng thời tránh được nguy cơ axit uric cao, gây ra những cơn đau gout là vấn đề quan trọng trong việc kiểm soát chế độ ăn uống của họ.

Chuyên gia dinh dưỡng đưa ra những lời khuyên thực tế về chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt, hướng dẫn mọi người cách dễ dàng kiểm soát sức khỏe của mình và tránh xa những phiền toái do bệnh gout mang đến.

mac-benh-gout
Bệnh nhân gout thường được khuyên tránh xa những thực phẩm làm tăng axit uric từ nguồn ngoại sinh như thịt đỏ, nội tạng, hải sản, và các loại thực phẩm có chứa nhiều purin - Ảnh: TVBS

Tránh xa thực phẩm có chứa nhiều purin

Tiết Hiểu Tinh, chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) khuyên những bệnh nhân gout nên tránh ăn các thực phẩm có chứa nhiều purin, chẳng hạn như nội tạng, thịt đỏ, một số loại hải sản, nước lẩu hoặc canh súp… Ngoài ra, một số thực phẩm khác làm tăng axit uric nội sinh chẳng hạn như rượu, bia, đồ ngọt, trái cây chứa nhiều fructose, nước ngọt có gas và cà phê…

Đồng thời, chuyên gia thường khuyên họ nên chọn các loại thực phẩm có hàm lượng purin thấp như trứng, đậu hũ, tàu hũ ky và các nguồn protein khác, cũng nhưhầu hết các loại rau và thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, hạt diêm mạch (quinoa), yến mạch…

Ngoài ra, khi ăn lẩu nên tránh uống quá nhiều nước lẩu, vì nước lẩu chứa nhiều purin, làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout. Chuyên gia Tiết Hiểu Tinh khuyên nên giảm tiêu thụ các loại thịt đã qua chế biến như thịt viên, xúc xích, thịt xông khói… và nên chọn những loại thực phẩm có hàm lượng purin thấp ví dụ như ức gà hoặc thịt heo nạc…

Uống nhiều nước lẩu sôi liên tục trong thời gian dài có chứa hàm lượng natri cao sẽ làm tăng gánh nặng cho thận và ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa axit uric. Vì vậy, người bị gout cũng nên tránh uống quá nhiều nước lẩu khi ăn lẩu.

Kiểm soát đồ uống có đường và rượu bia rất quan trọng

Rượu bia ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa axit uric, đặc biệt là bia,  đồ uống có đường và có cồn dễ gây ra các cơn đau gout cấp tính và nên tránh những loại đồ uống này.

Chuyên gia Tiết Hiểu Tinh khuyến cáo rằng, nên uống 2.000-3.000 ml nước mỗi ngày có thể giúp bài tiết axit uric và giảm nguy cơ lắng đọng tinh thể axit uric trong cơ thể.

Đồng thời, mọi người cũng nên tránh uống các đồ uống có hàm lượng fructose cao như nước ép trái cây và nước ngọt, vì fructose sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất axit uric.

Điều chỉnh thói quen sinh hoạt có thể giúp kiểm soát bệnh gout

Ngoài việc kiểm soát chế độ ăn uống, việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt cũng là chìa khóa quan trọng để kiểm soát bệnh gout.

Chuyên gia Tiết Hiểu Tinh cho rằng, thừa cân sẽ làm tăng quá trình tổng hợp axit uric. Nên giảm không quá 0,5 đến 1 kg mỗi tuần thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục đều đặn.

30 phút tập thể dục với cường độ vừa phải đến thấp mỗi ngày như đi bộ nhanh, bơi lội… có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa axit uric, nhưng nên tránh tập thể dục quá sức để tránh tích tụ axit lactic và ức chế bài tiết axit uric.

Ngoài ra, việc ngủ đủ giấc và thư giãn cũng rất quan trọng. Mọi người nên ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày và duy trì thời gian biểu đều đặn.

Thực phẩm nào tốt cho bệnh nhân gout?

Chuyên gia Tiết Hiều Tinh đưa ra một số lời khuyên thực tế về ăn uống dành cho bệnh nhân gout, trong đó có gợi ý món canh gà tàu hũ củ sen. Các nguyên liệu của món canh súp này bao gồm ức gà bỏ da, đậu hũ, củ sen, cà rốt, gừng lát… Món này có dinh dưỡng cân bằng và hàm lượng purin thấp.

Khi kết hợp các món lẩu, mọi người hãy ưu tiên chọn nhiều rau, đậu hũ, nấm kim châm, bí đỏ và các nguyên liệu ăn lẩu có hàm lượng purin thấp khác.

Đối với thịt gà và thịt heo nạc, mỗi phần ăn nên ăn khoảng bằng lòng bàn tay và hãy nhớ ăn theo thứ tự ăn rau trước rồi mới đến ăn thịt.

Khi dự tiệc, bệnh nhân gout cũng có thể chọn những món ăn “thanh đạm” như cá hấp, rau củ luộc, ăn ít cơm, kiểm soát tửu lượng rượu, nếu có thể thì thay đồ uống có đường bằng nước đun sôi hoặc trà không đường.

Chuyên gia Tiết Hiểu Tinh nhấn mạnh rằng, việc kiểm soát bệnh gout đòi hỏi phải điều chỉnh thói quen sinh hoạt lâu dài. Việc giảm các thực phẩm chứa nhiều chất purin, tăng lượng nước uống, cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi có thể làm giảm đáng kể nguy cơ bị bệnh gout tấn công.

Thông qua những biện pháp phòng ngừa trong chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt thiết thực này, bệnh nhân bị gout có thể vừa thưởng thức được những món ăn ngon trong cuộc sống, vừa dễ dàng kiểm soát sức khỏe của mình và tránh xa những phiền toái do bệnh gout mang đến.

Bình luận