1. Đặc tính của mùi tàu
Rau mùi tàu còn có tên gọi khác là ngò gai, thường mọc ở những nơi ẩm ướt. Đây là loại cây thân thảo, có thân mọc đứng, phân nhánh ở ngọn, lá mọc sát đất, có phiến mỏng, thuôn, mép có răng cưa như gai.
Rau mùi tàu có nhiều protid, glucid, chất xơ, canxi, photpho, sắt, vitamin B1 và vitamin C. Để làm thuốc, người ta dùng toàn cây rau mùi tàu tươi hoặc phơi khô dùng dần.
Mùi tàu (ngò gai) có nhiều công dụng chữa bệnh (Nguồn: Internet)
Theo Y học cổ truyền, rau mùi tàu có vị cay hơi đắng, thơm, tính ấm, có tác dụng khai vị, giúp ăn ngon cơm, dễ tiêu hóa thức ăn, giải nhiệt, ngủ ngon.
Thông thường, rau mùi tàu được dùng làm bài thuốc chữa sổ mũi, đau tức ngực, chữa rối loạn tiêu hóa, viêm ruột, tiêu chảy,…Ngoài ra, mùi tàu còn là dược liệu chữa bệnh sỏi thận khá hiệu quả.
2. Mùi tàu chữa sỏi thận
Theo lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), mùi tàu là một vị thuốc lợi tiểu và điều kinh rất tốt. Để chữa sỏi thận bằng mùi tàu, người ta chủ yếu sử dụng lá và rễ vì bộ phận này chứa nhiều apiozit có tác dụng lợi tiểu mạnh, giúp người bệnh sỏi thận nhanh chóng loại bỏ sỏi qua đường tiểu.
Theo lương y Minh, để chữa sỏi thận bằng rau mùi tàu hiệu quả bạn nên sử dụng rễ và lá phối hợp với kim tiền thảo, râu mã đề, bạch vĩ, bột hoạt thạch, cây chó đẻ, hải kim sa. Đem các vị thuốc này sắc nước uống mỗi ngày.
Bài thuốc này rất lợi tiểu, giúp bào mòn sỏi thận nhanh, do đó có thể sử dụng mùi tàu như một vị thuốc để chữa sỏi thận.
Lưu ý: Hiệu quả của bài thuốc rau mùi tàu trị sỏi thận phụ thuộc vào sự thích ứng của mỗi người. Do đó, nếu trị sỏi thận bằng cách này không khỏi thì bạn đừng lo lắng mà hãy đi khám và tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cách trị sỏi thận phù hợp và hiệu quả hơn.
Nên sử dụng mùi tàu có cả rễ để chữa sỏi thận hiệu quả (Nguồn: Internet)
3. Một số lưu ý cho người bị sỏi thận
3.1 Ăn ít thịt động vật
Người bị sỏi thận không nên ăn quá nhiều thịt vì nó sẽ khiến bệnh phát triển nhanh hơn. Thay vì ăn thịt đỏ thì người bệnh nên ăn thịt trắng, đồng thời giảm lượng protein trong bữa ăn hàng ngày.
3.2 Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều oxalate
Oxalate có nhiều trong các loại đậu, bột cám, socola, cà phê và trà đặc,…Chúng sẽ khiến bệnh sỏi thận ngày càng nặng thêm, gây đau đớn cho người bệnh.
Bên cạnh đó, người bệnh sỏi thận nên hạn chế ăn rau bina, rau muống vì chúng tạo nhiều oxalate.
3.3 Hạn chế muối và mỡ
Người bệnh sỏi thận nên ăn nhạt và ăn ít dầu mỡ. Đặc biệt nên tránh xa các thực phẩm như cá khô, thịt khô, tôm khô, lạp xưởng, các loại mắm, lòng heo, lòng bò,…
Đặc biệt, khi bị sỏi thận bạn nên uống nhiều nước để tránh cặn sỏi đọng lại. Đồng thời, khi muốn đi tiểu thì không nên nhịn vì điều này ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị sỏi thận.