Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tết Hàn Thực có phải là Tết Thanh Minh không?

VOH - Nhiều người cho rằng, Tết Thanh Minh và Tết Hàn Thực giống nhau, nhưng số khác lại khẳng định là không. Vậy Tết Hàn Thực có phải là Tết Thanh Minh không?

   Cả Tết Hàn Thực và Tết Thanh Minh đều có nguồn gốc từ văn hóa  Trung Hoa cổ đại và mang ý nghĩa hướng về cội nguồn. Vậy Tết Hàn Thực có phải là Tết Thanh Minh không? Hãy cùng VOH đi tìm câu trả lời trong bài viết sau!

Tìm hiểu về Tết Thanh Minh và Tết Hàn Thực 

Trước khi trả lời câu hỏi "Tết Thanh Minh có phải là Tết Hàn Thực không?", chúng ta cần tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa cũng như hoạt động của hai lễ Tết này. 

Tết Thanh Minh là gì?

Một năm có 24 tiết khí và Thanh Minh là tiết khí thứ 5, sau các tiết Lập Xuân, Vũ Thủy, Kinh Trập, Xuân Phân. Tiết Thanh Minh không có ngày Âm lịch cố định mà được xác định bằng Dương lịch. Theo đó, tiết khí này kéo dài khoảng 15 - 16 ngày, bắt đầu từ ngày 4 hoặc 5/4 đến hết ngày 20 hoặc 21 tháng 4 Dương lịch.

voh-tet-han-thuc-co-phai-la-tet-thanh-minh-khong-1
Tết Thanh Minh có nguồn gốc từ Trung Hoa cổ đại - Ảnh: Internet

Ngày đầu tiên của Tiết Thanh Minh được chọn làm Tết Thanh Minh, bắt nguồn từ lễ tế mộ thời cổ đại của đế vương Trung Hoa. Về sau, dân gian mô phỏng theo. Ông bà ta xưa chọn ngày này để đi tảo mộ. Bởi lúc này, thời tiết chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cối phát triển trùm lên mộ dễ khiến ngôi mộ bị sụt lở. Vì vậy cần phải cắt cỏ, đắp đất lên mộ để người quá cố được yên nghỉ. Vào Tết Thanh Minh, con cháu trong gia đình hoặc dòng tộc sẽ cùng nhau quây quần, tụ họp để tưởng nhớ ông bà tổ tiên, người thân đã khuất. 

Ngoài ra, do tiết trời dịu mát, vạn vật sinh sôi, nảy nở, thích hợp để đi dạo chơi, ngắm cảnh, dã ngoại nên trong Tiết Thanh Minh còn diễn ra lễ hội Đạp Thanh. Đại thi hào Nguyễn Du vì thế mà có câu thơ được trích trong tác phẩm Truyện Kiều như sau:

Thanh Minh trong tiết Tháng Ba

Lễ là tảo mộ, hội là Đạp Thanh.

Tết Hàn Thực là gì?

Tết Hàn Thực diễn ra cố định vào mùng 3/3 Âm lịch hằng năm và xuất phát từ điển tích Trung Hoa. Cụ thể:

Đời Xuân Thu (770 - 221), vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong, sống cảnh nay trú nước Tề, mai ở nước Sở.

Lúc ấy, có một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo phò vua đã giúp đỡ nhiều mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi của mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong, hỏi ra mới biết, từ đó đem lòng cảm kích vô cùng.

Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong vòng mười chín năm trời, cùng nhau nếm mật nằm gai, khổ luyện thành tài. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi vương, trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công khi tòng vong, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi.

Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình theo vua phò vua là chuyện nên làm, ông cho rằng những việc đó đâu có gì đáng nói.

Vì thế, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm Tử Thôi. Nhưng vì là người không tham danh vọng, Tử Thôi nhất quyết không quay về lĩnh thưởng, Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng nhằm thúc ép Tử Thôi quay về. Không ngờ, Tử Thôi quyết chí, hai mẹ con cùng ôm một gốc cây, chịu chết cháy trong rừng. Hôm ấy là ngày 3/3 Âm lịch.

Nhà vua vô cùng đau lòng, ân hận vì đã dùng hình thức cường bạo để đối xử với hiền nhân nên sai người chặt gốc cây cháy dở mà Giới Tử Thôi đã ôm khi tuẫn tiết về đẽo thành đôi guốc. Hàng ngày luôn tâm sự với đôi guốc và thường kêu “túc hạ, túc hạ”. Đồng thời cho lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải để tang 3 ngày (quốc tang) và trong 3 ngày đó phải kiêng đốt lửa (kỵ lửa), chỉ ăn đồ nguội nấu sẵn từ hôm trước để tưởng niệm Giới Tử Thôi. Cũng từ đó, mùng 3/3 Âm lịch được coi là Tết Hàn Thực.

voh-tet-han-thuc-co-phai-la-tet-thanh-minh-khong-2
Tết Hàn thực là phong tục cổ truyền của người dân được tổ chức vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm - Ảnh: Internet

Theo nghĩa chữ Hán, "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn, nên Tết Hàn Thực có nghĩa là Tết ăn đồ lạnh. Theo phong tục xưa của Trung Quốc, vào ngày này, mọi người không được dùng lửa nấu ăn, mà chỉ có thể ăn đồ nguội, ngay cả việc làm cỗ cúng cũng phải chuẩn bị từ hôm trước. 

Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại, nhưng Tết Hàn Thực của người Việt có ý nghĩa tưởng nhớ công ơn của cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất. Bên cạnh trầu cau, mâm hoa quả nhiều màu sắc (thường từ 5 - 7 màu), đèn, chén nước trong, hương, hoa..., trong mâm cúng dâng lên bàn thờ gia tiên, Thần Phật còn có bánh trôi, bánh chay, thể hiện khát vọng về những điều tốt đẹp, viên mãn trong cuộc sống. Vì vậy, người Việt Nam thường gọi Tết 3/3 là Tết bánh trôi bánh chay. 

banner-bottom-thuongthuc

Tết Hàn Thực có phải là Tết Thanh Minh không?

Đây là thắc mắc chung của rất nhiều người. Thực chất Tết Thanh Minh và Tết Hàn Thực là hai dịp lễ tách biệt.

Như đã chia sẻ ở trên, Tết Hàn Thực chỉ có một ngày cố định là mùng 3/3 Âm lịch. Sau này có thêm ngày Tết Thanh Minh nằm trong Tiết Thanh Minh và được xác định bằng Dương lịch. 

Vì lịch Âm và lịch Dương chệch nhau khoảng 1 tháng nên nhiều khi hai dịp lễ này diễn ra cùng lúc. Điều này khiến nhiều người hiểu lầm Tết Hàn Thực và Tết Thanh Minh là một nhưng không phải. 

Vào Tết Thanh Minh, con cháu đi tảo mộ để tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên, người thân đã khuất. Ngoài ra, nhiều gia đình muốn sửa sang, tu bổ mộ phần thường đợi đến ngày này mới động thổ. 

Còn vào Tết Hàn Thực, con cháu sẽ dâng lên bàn thờ gia tiên bánh trôi, bánh chay và nguyện cầu những điều tốt đẹp, an lành trong cuộc sống.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc: "Tết Hàn Thực có phải là Tết Thanh Minh không?". Hai ngày lễ Tết này từ lâu đã trở thành nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam, thể hiện tấm lòng hiếu kính thơm thảo của các thế hệ sau luôn nhớ về cội nguồn. 

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Thường thức.

Bình luận