Tết Thanh Minh 2024 là ngày nào? Mâm cúng Tết Thanh Minh

VOH - Tết Thanh Minh là ngày lễ truyền thống của người Việt Nam, nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng hiếu kính đến người thân đã khuất.

Tết Thanh Minh có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Vào ngày này, dù ai ở đâu, làm gì cũng đều cố gắng thu xếp để quay về ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình, cùng người thân đi tảo mộ, chuẩn bị mâm cúng dâng lên ông bà tổ tiên, nhằm tỏ lòng hiếu kính, giữ trọn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.

Tìm hiểu về Tết Thanh Minh

Trong tác phẩm Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du có viết:

“Thanh Minh trong tiết tháng Ba

Lễ là tảo mộ, hội là Đạp Thanh…”

Hai câu thơ này khiến nhiều người lầm tưởng rằng, Tết Thanh minh được tính dựa theo lịch Âm, cụ thể là tháng 3 Âm lịch. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, người ta xác định các tiết khí theo lịch Dương. Và Thanh minh là tiết khí thứ 5 trong 24 tiết khí trong năm.

Tết Thanh Minh là gì?

Các tiết khí được sử dụng trong công tác lập lịch của các nền văn minh phương Đông cổ đại như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Trong đó, Thanh Minh là tiết khí thứ 5 trong "nhị thập tứ khí", sau các tiết Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân.

Tết Thanh minh 2023 là ngày nào? Mâm cúng và văn khấn Tết Thanh minh 1
Tảo mộ là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam - Ảnh: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam

Theo nghĩa đen, “thanh” là khí trong, “minh” là sáng sủa. Thanh Minh có nghĩa là trời mát mẻ, quang đãng. Người xưa chọn ngày đầu tiên của tiết Thanh Minh để làm ngày Tết Thanh Minh. 

Vào dịp này, con cháu thường đi thăm viếng, tảo mộ ông bà, tổ tiên, người thân đã khuất để tỏ lòng thành kính và biết ơn. Ngoài ra, những gia đình muốn sửa sang, xây dựng lại mộ phần cũng thường đợi đến ngày này mới động thổ. 

Cách tính ngày Thanh Minh

Tiết Thanh minh kéo dài khoảng 15 - 16 ngày, bắt đầu từ ngày 4 hoặc 5/4 Dương lịch đến hết ngày 20 hoặc 21/4 Dương lịch. Ngày Thanh Minh đến sau ngày Lập Xuân 60 - 61 ngày. 

Tết Thanh Minh năm 2024 là ngày nào?

Năm nay, tiết Thanh Minh bắt đầu từ ngày 4/4 đến hết ngày 19/4 Dương lịch. Bước sang ngày 20/4 Dương lịch là ngày đầu tiên của tiết Cốc vũ.

Như vậy, vào năm Giáp Thìn 2024, Tết Thanh Minh rơi vào Thứ Năm, ngày mùng 4/4 Dương lịch, nhằm ngày 26/02 Âm lịch.

Nguồn gốc Tết Thanh Minh

Tương truyền, Tết Thanh Minh có nguồn gốc từ lễ tế mộ thời cổ đại của đế vương Trung Hoa. Về sau, dân gian mô phỏng theo. Vào dịp này, người dân tổ chức thăm mộ phần của tổ tiên, quét dọn, lau chùi sạch sẽ, lâu dần trở thành một phong tục. 

Ngày nay, Tết Thanh Minh có sự giao thoa, hòa trộn của các lễ Tết khác. Đây là ngày để các thế hệ con cháu cảm nhận tình cảm gia đình, thể hiện lòng biết ơn và lòng tôn kính đối với ông bà tổ tiên.

Về sau, tín ngưỡng này đã lan rộng đến nhiều nước trong khu vực Đông Á như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản... Và ở mỗi quốc gia, ngày Tết Thanh Minh được tổ chức và kỷ niệm theo cách riêng.

voh-tet-thanh-minh-1
Nguồn gốc Tết Thanh Minh - Ảnh: Internet

Tết Thanh Minh có ý nghĩa gì?

Tuy không phải là cái Tết lớn, nhưng Tết Thanh Minh lại gắn liền với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta. Đó là đạo đức, là bổn phận của con cháu tưởng nhớ đến công lao của những người đi trước. Đây chính là ngày giỗ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp phần nào công ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên. 

Bên cạnh đó, trong quá trình đi tảo mộ, mọi người còn quét dọn những mồ mả vô chủ, không có người thân tới chăm nom. Điều này thể hiện sự nhân văn, đạo lý tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau của người Việt. 

Mâm cúng Tết Thanh Minh 2024 ngoài mộ và tại nhà

Ngoài tảo mộ Tết Thanh Minh thì tục cúng hay chuẩn bị mâm cúng cũng được người Việt coi trọng. Tùy theo phong tục của từng địa phương và hoàn cảnh của mỗi gia đình mà mâm cúng sẽ có sự khác biệt. Thông thường, mâm cúng Tết Thanh Minh sẽ gồm:

  • Mâm cỗ mặn với đủ: canh măng nấu mọc, xôi gấc, giò, chả cuốn, gà luộc.
  • Mâm cỗ chay thường gồm: xôi chè, oản chuối, chả chay khoai môn, nem chay, bánh trái, chai nước, gạo muối, bỏng, bơ… mang ý nghĩa tín ngưỡng, tưởng nhớ người đã khuất, cầu cho người đã khuất sớm được siêu thoát.
  • Hoa tươi (cúc vàng, cúc trắng, loa kèn, cẩm chướng).
  • Tiền vàng.

Lễ cúng Thanh Minh ngoài mộ

Lễ cúng tiết Thanh Minh ngoài mộ cần chuẩn bị những phần lễ sau:

  • Giấy ngũ sắc, nhang, đèn, giấy tiền, vàng bạc, quần áo giấy…
  • Các loại bánh và quả tươi.
  • Trầu cau, rượu.
  • Nước sạch.
  • Một số món ăn tùy theo điều kiện mỗi nhà nhưng nên là đồ chay.
  • Một bộ tam sinh: Bộ tam sinh dùng để tế trong các đại lễ ngày xưa là ba con vật: bò, heo, dê. Tuy nhiên, hiện nay tùy theo phong tục tập quán của địa phương và hoàn cảnh gia đình mà có thể chuẩn bị lễ này hay không.

Những đồ lễ phải sắp gọn gàng trên đĩa và bày trên mặt đất với chiếu, hay tấm lót tại nơi bằng phẳng trước khi thực hiện nghi lễ. Hoa quả, tiền vàng được đặt chung, nhưng lễ mặn phải đặt riêng. Sau đó, thắp nhang, đèn, chỉ nên cắm 1 hoặc 3 nén (kiêng kỵ cắm 2 nén) và vái 3 lần để tỏ lòng thành với quan Thổ Công Thổ Địa rồi mới mời gia tiên trở về và bắt đầu đọc bài khấn vái cho tiết Thanh Minh.

Đợi hương tàn, mọi người tiến hành ra khu lăng mộ của gia đình thắp hương và xin phép ông bà cho mình được dọn dẹp rồi tiến hành nghi thức cúng Tết Thanh Minh ngoài mộ. Khi tuần hương được 2/3, mọi người có thể tạ lễ, hóa vàng, xin lộc rồi trở về nhà làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà.

Lưu ý:

Lễ cúng sẽ chia làm 2 mâm lễ nhỏ:

  • Một mâm dâng thỉnh Thổ thần toàn khu vực nghĩa trang.
  • Một mâm dâng cúng riêng cho phần mộ người thân đã khuất. Khi thỉnh lễ, gia chủ sẽ dâng hương nơi bàn thờ Thổ thần toàn khu vực nghĩa trang trước, sau đó mới đến phần cúng cho phần mộ người thân.
Tết Thanh minh 2023 là ngày nào? Mâm cúng và văn khấn Tết Thanh minh 5
Mâm cúng Tết Thanh Minh 2022 cần có những vật phẩm gì? - Ảnh: Báo Kinh tế đô thị

Cúng Tết Thanh Minh tại nhà

Trước tiên, gia chủ nên dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, lau sạch bụi trên bàn thờ gia tiên

Phần lễ vật cúng tại nhà không cần quá cầu kỳ. Bạn có thể làm mâm cúng Tết Thanh Minh với đầy đủ các món mặn và một số lễ vật khác như hoa quả, hoa tươi, trầu cau, vàng mã… Các gia đình Phật tử chuẩn bị mâm cúng chay. 

Một số gia đình không nấu cỗ cúng sẽ chuẩn bị mâm lễ ngọt có: hoa quả, bánh kẹo, trà tàu, thuốc lá… để tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân tổ tiên.

Khi bày lễ vật cúng lên bàn thờ, gia chủ phải mặc quần áo chỉnh tề, sạch sẽ, tạo không khí trang nghiêm để tỏ lòng tôn kính, sau đó lên hương, vái lạy tổ tiên và đọc văn khấn Tết Thanh Minh tại nhà. Khi một tuần hương cháy hết thì gia đình có thể hóa vàng và xin thụ hưởng lộc.

banner-bottom-thuongthuc

Một số phong tục ngày Thanh Minh

Ngoài Tết Thanh Minh, trong tiết Thanh Minh còn diễn ra một số hoạt động chính vẫn được gìn giữ, duy trì và phát huy đến tận ngày nay.

Tảo mộ

Bước vào tiết Thanh Minh, thời tiết chuyển sang ấm dần, cây cỏ phát triển, bao trùm lên mộ, có khả năng làm sạt lở. Đồng thời, đây cũng là điều kiện thuận lợi để chuột, rắn đào hang, làm tổ hay thu hút trâu bò đến quấy phá, xâm phạm tới nơi yên nghỉ của người đã khuất. 

Do đó, theo tục lệ của người Việt, vào Tết Thanh Minh, các thành viên trong gia đình sẽ mang theo cuốc, xẻng ra nghĩa trang loại bỏ cỏ mọc, đắp thêm đất lên mộ cho đầy đặn. 

Người dân đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau tảo mộ nhằm tỏ lòng thành kính, tôn trọng, biết ơn ông bà tổ tiên. Đồng thời cầu mong cho mọi điều lành sẽ đến với gia đình

Tết Thanh minh 2023 là ngày nào? Mâm cúng và văn khấn Tết Thanh minh 4
Người dân tảo mộ và thực hiện lễ cúng Tết Thanh Minh ngoài mộ - Ảnh: Báo Dân Sinh

Hội Đạp Thanh

Trong hai câu thơ nổi tiếng trên của Nguyễn Du có nhắc đến Hội Đạp thanh. Tiết Thanh Minh bắt đầu bớt lạnh, cây cối phát triển, nhiều loài hoa nở rộ, là thời điểm thích hợp để đi dã ngoại, ngắm cảnh.

Trước đây, nam nữ thanh niên nhân dịp này đi du xuân, nên mới có tên gọi là Hội Đạp thanh (tức giẫm lên cỏ). Ngày nay, một số vùng ở Trung Quốc vẫn còn duy trì lễ hội này. 

Trồng cây

Như đã nói ở trên, khí hậu trong những ngày tiết Thanh minh phù hợp để vạn vật sinh sôi nảy nở. Vì vậy mà từ xưa đến nay, người ta vẫn duy trì thói quen trồng cây vào thời điểm diễn ra tiết khí này. 

Tết Thanh Minh đã trở thành ngày lễ quan trọng, đi sâu vào tiềm thức của biết bao người Việt Nam. Đây không chỉ là dịp để tỏ lòng thành kính, mà còn mang đến những giây phút gắn kết, những kỷ niệm đẹp cùng người thân. Hãy cùng nhau trân trọng những giá trị truyền thống, giữ gìn tình cảm gia đình, để mỗi ngày đều tràn đầy niềm hạnh phúc và yêu thương. 

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Sống đẹp.