Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Văn khấn gia tiên ngày rằm, mùng 1 và các dịp quan trọng

VOH - Tổng hợp tất tần tật các bài văn khấn gia tiên cho lễ, Tết, ngày rằm, mùng 1… giúp con cháu biểu đạt lòng biết ơn và thành kính với tổ tiên đã khuất. 

Thờ cúng tổ tiên là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Không chỉ có ngày lễ, Tết, giỗ chạp, hiếu hỷ… mà mỗi khi có việc hệ trọng, các gia đình đều làm lễ cúng, báo cáo cho gia tiên. Để bị chu đáo cho những dịp này, VOH Thường thức sẽ giúp bạn tổng hợp các mẫu văn khấn gia tiên đầy đủ nhất.

Bài văn khấn gia tiên ngày rằm, mùng 1 hàng tháng 

Ngày mùng 1 Âm lịch (Sóc) và ngày rằm (Vọng) hàng tháng người Việt sẽ làm lễ cúng gia tiên, gia thần để tưởng nhớ thần linh, tổ tiên, bày tỏ lòng thành và cầu mong bình an, may mắn. 

Sau đây, VOH sẽ cung cấp cho bạn một số bài văn khấn xin gia tiên phù hộ được nhiều người tin tưởng lựa chọn. Đặc biệt là các bài khấn dành cho rằm tháng 7 - ngày có hai lễ lớn là Xá tội vong nhân và Vu Lan báo hiếu cha mẹ.

Văn khấn gia tiên ngày rằm tháng 7

Bài 1

Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư vị Phật, Chư Phật mười phương.

Con kính lạy tổ tiên nội ngoại và chư vị hương linh

Tín chủ (chúng) con là:......

Ngụ tại......

Hôm nay là ngày rằm tháng 7 năm......

Nhân gặp tiết Vu Lan vào dịp Trung Nguyên, chúng con nhớ đến tổ tiên ông bà cha mẹ đã sinh thành ra chúng con gây dựng cơ nghiệp, xây đắp nền nhân, khiến nay chúng con được hưởng âm đức.

Chúng con cảm nghĩ ơn đức cù lao khôn báo, cảm công trời biển khó đền nên tín chủ con sửa sang lễ vật, hương hoa, trà quả, kim ngân, vàng bạc, thắp nén tâm hương, thành tâm kính lên các cụ Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá Thúc, Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội và tất cả hương hồn trong nội tộc, ngoại tộc của họ.......

Cúi xin các vị thương xót cháu con, linh thiêng hiện về, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho con cháu mạnh khỏe bình an, lộc tài vượng tiến, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long, hướng về chính giáo.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì. 

Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)

(Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin)

van-khan-gia-tien-ram-thang-7-voh
Rằm tháng 7 cũng là lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân - Ảnh minh họa: Internet

Bài 2

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy).

Con xin chân thành kính lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. Con xin chân thành kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con xin chân thành kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo Quân cùng chư vị Tôn Thần. 

Con xin chân thành kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển Tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ Khảo, Tổ Tỷ).

Gia chủ (chúng) con tên là…… hiện đang ngụ tại……

Hôm nay là ngày rằm tháng 7 năm……, gia chủ (chúng) con nhờ ơn Trời Đất, cù lao tiên tổ, chư vị Tôn thần, chân thành sắm lễ, hoa trà, hương, quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.

Chúng con kính mời Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại vương, ngài Bản gia Táo quân, ngài Bản xứ Thần linh, Thổ địa, Tài thần, Ngũ phương, Long mạch.

Cúi xin các vị giáng lâm trước án, chứng giám cho lòng thành của chúng con, thụ hưởng lễ vật.

Gia chủ con xin chân thành kính mời các cụ Tổ tỷ, Tổ khảo và chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ…, cúi xin thương xót con cháu, linh thiêng hiện về, chứng giám cho lòng thành, thụ hưởng lễ vật.

Gia chủ (chúng) con xin kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ đang ngụ tại nhà này, đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng phù hộ cho gia chủ chúng con luôn luôn được mạnh khỏe, mọi sự bình an, làm ăn thuận lợi, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin các vị phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy).

Các bài khấn gia tiên ngày mùng 1, ngày rằm

Bài 1

Nam mô A Di Đà Phật!  (3 lần, 3 lạy)

Con xin kính lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương. Con xin kính lạy các ngài Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị Tôn thần.

Con xin kính lạy ngài Bản xứ Thổ địa, Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

Con xin kính lạy tổ tiên, hiển tỷ, hiển khảo, chư vị hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng tổ tỷ, tổ khảo)

Gia chủ (chúng) con tên là…… đang ngụ tại……

Hôm nay là ngày…… (mùng 1/ngày rằm) tháng…… năm……, gia chủ chúng con nhờ ơn đức trời đất, chư vị Tôn thần, cù lao tiên tổ, thành tâm sắm lễ, hương, trà, hoa quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.

Chúng con kính mời các ngài Bản cảnh Thành hoàng, bản xứ Thần linh Thổ địa, Tài thần, Bản gia Táo quân, Chư vị Đại vương, Ngũ phương, Long mạch. Cúi xin các vị giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.

Chúng con xin kính mời các vị tổ khảo, tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại dòng họ…, cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ tại đất này,  đồng lai hâm hưởng, đồng lâm án tiền, phù hộ cho gia đình chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự an yên, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận, làm ăn phát tài.

Chúng con lễ bạc thành tâm, dâng trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy).

BOTTOM-BANNER-DOISONG

Bài 2 

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương.

Kính lạy ngài Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, Ngũ Phương Ngũ Thổ, Phúc đức chính Thần.

Con kính lạy các ngài Thần linh cai quản trong xứ này.

Các cụ Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc bá đệ huynh và các hương linh nội, ngoại trong họ.

Hôm nay là ngày...... (mùng 1/ngày rằm) tháng...... năm......

Tín chủ con là ...... Ngụ tại...... cùng toàn gia quyến thành tâm sửa biện hương hoa, lễ vật, trà quả bày lên trước án.

Chúng con thành tâm kính mời:

Các vị Tôn thần cai quản trong xứ này

Hương hồn Gia tiên nội, ngoại

Cúi xin các Ngài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.

Phù trì tín chủ chúng con:

Toàn gia an lạc, mọi việc hanh thông

Người người được chữ bình an,

Tám tiết vinh khang thịnh vượng,

Lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang

Sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Cẩn cáo!

(Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam, nhà xuất bản Hồng Đức)

van-khan-gia-tien-mung-1-voh
Ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng, người Việt đều thắp hương tưởng nhớ, bày tỏ tấm lòng thành với tổ tiên - Ảnh minh họa: Internet

Bài 3

Nam Mô A di đà Phật! (3 lần)

Con tấu lạy chín phương trời mười phương Phật Chư Phật mười phương.

Con tấu lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ.

Con tấu lạy Thần Linh Đất nước, Thổ thần bản cảnh, Quan đương niên đương cảnh, Thành Hoàng bản thổ, Táo Quân thần chủ, Chúa đất long mạch, Thần tài, Tiền chủ, Hậu chủ, Táo phủ thần quân, Tả Long hữu hổ tiếp dẫn phúc đức tại gia tại số nhà……

Con tấu lạy Chư vị Liệt Tổ Liệt Tông ngũ đại đồng đường dòng họ......

Con tấu lạy Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Cô Di Tỷ Muội, Thúc Bá Đại Huynh, Chầu Bà Tổ Cô, Cô Bé tại gia, Cậu Bé tại gia, các Chân Linh thần tử Hữu danh vô thực, Hữu thực vô danh dòng họ……

Hôm nay là ngày…… (mùng 1/ngày rằm) tháng…… năm……

Phu thê (chưa lập gia đình thì dùng gia chung hoặc chúng con) hai họ con thành tâm có nén nhang bát nước…… Dâng kính Phật Thánh, các Quan, Chư vị Tổ Tông chứng minh công đức, chứng tâm nhận lễ, phù hộ độ trì……Xin các ngài phù hộ cho gia chung chúng con được nấp bóng cửa nhà Ngài,…… phù hộ độ trì cho chúng con được đắc kỳ tài được sai kỳ lộc, phu thê hòa thuận, gia chung bình an, lộc tài vượng tiến.

Nam Mô A di đà Phật! (3 lần)

Văn khấn gia tiên ngày giỗ

Ngày giỗ (tính theo Âm lịch, được tổ chức hàng hằng năm) là dịp để chúng ta tưởng nhớ người đã khuất, nhắc nhở con cháu và gắn kết tình cảm trong gia đình, dòng họ. Trong lễ cúng giỗ, ngoài việc chuẩn bị mâm cúng thật tươm tất, chúng ta cần lưu ý đến bài văn khấn ngày giỗ

Nam Mô A di đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Con kính lạy Đức Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần Quân.

Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.

Con kính lạy Tổ Tiên nội ngoại họ……

Tín chủ con là…… Ngụ tại……

Hôm nay là ngày…… tháng …… năm……

Chính ngày giỗ của……

Thiết nghĩ…… Vắng xa trần thế, không thấy âm dung.

Năm qua tháng lại ngày húy lâm. Ơn võng cực xem bằng trời biển, nghĩa sinh thành không lúc nào quên. Càng nhớ công ơn gây cơ tạo nghiệp bao nhiêu, càng cảm thâm tình, không bề dãi tỏ.

Nhân ngày chính giỗ, chúng con và toàn gia con cháu, nhất tâm sắm sửa lễ vật kính dâng, đốt nén tâm hương giãi tỏ tấc thành.

Thành khẩn kính mời……

Mất ngày…… tháng…… năm……

Mộ phần táng tại……

Cúi xin linh thiêng giáng về linh sàng, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, độ cho con cháu an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng.

Con lại xin kính mời các vị Tổ Tiên nội ngoại, Tổ Khảo, Tổ Tỷ, Bá Thúc, Huynh Đệ, Cô Di, Tỷ Muội và toàn thể các Hương linh gia tiên đồng lai hâm hưởng.

Tín chủ con lại xin kính mời ngài Thần Linh, Thổ Địa, Thổ Công, Táo Quân và chư vị Linh thần đồng lai giám cách thượng hưởng.

Tín chủ lại mời vong linh các vị Tiền chủ, Hậu chủ nhà này, đất này cùng tới hâm hưởng.

Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam Mô A di đà Phật! (3 lần)

Mẫu văn khấn báo cáo gia tiên khi ăn hỏi, cưới xin

Kết hôn là một trong những việc trọng đại của đời người cũng như gia đình hai bên. Vì vậy, trong lễ ăn hỏi, lễ cưới, nhà trai và nhà gái đều phải làm lễ báo cáo với gia thần, tổ tiên. Dưới đây là mẫu bài văn khấn dành cho dịp quan trọng này, bạn có thể tham khảo.

van-khan-gia-tien-cuoi-hoi-voh
Kết hôn là việc quan trọng, cần làm lễ báo cáo với gia tiên - Ảnh minh họa: Internet

Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)

Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ ngài Bản xứ Thổ Địa, ngài Bản gia Táo Quân cùng chư vị Tôn thần.

Con kính lạy tổ tiên họ…. chư vị Hương linh.

Tín chủ (chúng) con là......

Ngụ tại......

Hôm nay là ngày......tháng......năm......

Tín chủ chúng con có con trai/con gái kết duyên cùng......

Con của ông bà......

Ngụ tại......

Nay thủ tục hôn lễ đã thành. Xin kính dâng lễ vật, dâng lên trước án.

Kính lạy trước linh tọa Ngũ tự Gia thần chư vị Tôn linh, trước linh bài liệt vị Gia tiên, trước Phúc Tổ Di Lai, ông Tơ bà Nguyệt. Xin kính cẩn khẩn cầu:

Sinh trai có vợ - (nếu là nhà trai) hoặc Sinh gái có chồng (nếu là nhà gái)

Lễ mọn kính dâng

Duyên lành gặp gỡ

Giai lão trăm năm

Vững bền hai họ

Nghi thất nghi gia

Có con có của

Cầm sắt giao hòa

Trông nhờ phúc Tổ.

Giãi tấm lòng thành, xin được phù hộ độ trì.

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Cẩn cáo!

(Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Hồng Đức)

Bài văn khấn lễ cúng tiễn ông bà, tổ tiên

Lễ cúng tiễn ông bà tổ tiên (lễ Tạ năm mới) thường được thực hiện từ mùng 3 đến mùng 7 Tết.  Vào ngày này, bên cạnh việc chuẩn bị mâm cơm cúng sao cho tươm tất, các gia đình nhớ chuẩn bị bài văn khấn gia tiên cho chu đáo.

Sau đây là một số gợi ý của VOH.

Bài 1

Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. 

Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần 

Con kính lạy Ngài Đương niên, ngài Bản cảnh Thành hoàng, các ngài Thổ địa, Táo quân, Long Mạch, Tôn thần. 

Con kính lạy các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, nội ngoại Tiên linh. 

Chúng con là……Ngụ tại……

Hôm nay là ngày mùng... tháng Giêng năm…… 

Chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa nước quả, phẩm vật trà tửu, dâng lên trước án, kính cẩn thưa trình: 

Tiệc xuân đã mãn, Nguyên Đán đã qua, nay xin thiêu hóa kim ngân, lễ tạ Tôn thần, rước tiễn Tiên linh trở về âm giới. 

Kính xin phù hộ độ trì cho con cháu được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng. 

Chúng con lễ bạc tâm thành, nhất tâm kính lễ, cúi xin phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

(Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin)

bai-khan-cung-tien-to-tien
Từ mùng 3 đến mùng 7 Tết, các gia đình sẽ làm mâm cơm cúng tiễn tổ tiên, ông bà về với âm cảnh - Ảnh minh họa: @nhahangbeca 

Bài 2

Nam Mô Ngọc Hoàng Đại Đế Đại Thiên Tôn 

Nam Mô Diêu Trì Kim Mẫu Đại Từ Tôn 

Nam mô Chư vị Phật. Chư vị Bồ Tát 

Nam Mô Địa Mẫu Nương Nương 

Ngài Đương Niên Thái Tuế. 

Chư vị Gia Thần 

Cửu Huyền Thất Tổ 

Chư vị Gia Tiên Nội Ngoại Hai Bên 

Hôm nay ngày mùng… tháng Giêng năm……, đã hết ba ngày Tết. 

Chúng con xin làm lễ chân thành kính đưa Cửu Huyền Thất Tổ, các vị Gia Tiên 

về an nghỉ nơi miền Tiên Cảnh. Mong các chư vị phù hộ cho gia đình con (khấn vái, thỉnh cầu tùy theo gia chủ) 

Kính xin Ông Bà chứng giám. 

(Theo Phong tục Cổ truyền Việt Nam, Hoàng Chương)

Những điều cần lưu ý khi cúng gia tiên

Thờ cúng tổ tiên không chỉ là nét đẹp văn hóa có từ hàng ngàn đời nay mà còn trở thành nếp nhà, phong tục, chuẩn mực đạo đức của người Việt. Vì vậy, chúng ta nên lưu ý một số điều sau:

Đặt bàn thờ tổ tiên tại nơi cao ráo, sạch sẽ, trang trọng nhất trong nhà. Thông thường, không gian thờ cúng của người Việt thường đặt tại gian giữa với nhà 1 tầng và tầng trên cùng đối với nhà nhiều tầng.

  • Trước khi thắp hương, cần tắm gội sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề, thể hiện sự nghiêm cẩn, thành tâm, tôn trọng với  tổ tiên.
  • Thắp hương theo số lẻ 1, 3, 5, 7, 9… nén hương, kiêng dùng số chẵn. Vì số lẻ thể hiện tính dương, số chẵn thể hiện tính âm. Người sống (dương) thắp hương tưởng nhớ người đã khuất (âm) thì dùng số lẻ.
  • Dùng bàn tay phẩy nhẹ hoặc vẩy hương lên xuống nhẹ nhàng để dập lửa, không dùng miệng để thổi.
  • Nếu thắp 3 nén hương thì sau khi cắm nén thứ nhất (gọi là nén tâm) thì cắm nén thứ hai bên tay trái (tức bên phải từ trong nhà nhìn ra) rồi cắm tiếp nén thứ ba bên tay phải.
  • Khi thắp hương chú ý cắm hương thẳng, tránh bị nghiêng khiến các đốm lửa giữa các nén hương không đều, hương bị tắt.
  • Khi thắp hương, cần phải có lời cầu khấn.

Người Việt trọng lễ nghĩa, coi trọng chữ hiếu và luôn có ý thức hướng về cội nguồn, tổ tiên. Việc cúng gia tiên vào mùng 1, ngày rằm, lễ Tết, giỗ chạp, hiếu hỷ hay những dịp quan trọng như kết hôn, làm nhà, lập nghiệp… chính là cách để thế hệ sau thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn thế hệ đi trước.

Hy vọng, tuyển tập văn khấn gia tiên ở trên có thể góp phần gìn giữ và phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” này.

Đừng quên theo dõi VOH Thường thức để cập nhật thêm nhiều kiến thức hữu ích, thú vị trong cuộc sống!

Bình luận