Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Tết Hàn thực cúng gì? Văn khấn Tết Hàn thực chuẩn nhất

VOH - Vào Tết Hàn thực, người Việt sẽ dâng lên bàn thờ tổ tiên bánh trôi, bánh chay, thể hiện khát vọng về những điều tốt đẹp, viên mãn trong cuộc sống.

Tết Hàn thực là một ngày lễ quan trọng trong văn hóa của người Việt, được tổ chức vào mùng 3/3 Âm lịch hằng năm. Đây là dịp để mỗi người dân hướng về nguồn cội, tôn vinh những giá trị truyền thống và ghi nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước. Đồng thời cầu mong những điều an lành, tốt đẹp sẽ đến trong thời gian tới. Trong bài viết sau, hãy cùng VOH tìm hiểu về ngày lễ đặc biệt này nhé!

Tết Hàn thực năm 2024 vào ngày nào?

Theo lịch vạn niên, năm nay, Tết Hàn thực rơi vào Thứ Năm, ngày 11/4/2024 Dương lịch. 

Vào dịp này, các gia đình thường chuẩn bị bánh trôi, bánh chay để cúng đất trời, tổ tiên.

voh-tet-han-thuc-1
Tết Hàn thực năm 2024 là ngày nào? - Ảnh: Canva

Nguồn gốc Tết Hàn thực

Theo nghĩa chữ Hán, "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "Tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh. Phong tục cổ truyền này có nguồn gốc từ Trung Quốc theo một câu chuyện ly kỳ được truyền tụng nhiều đời.

Chuyện kể rằng, vào đời Xuân Thu (770 - 221), vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong sống cảnh nay trú nước Tề, mai ở nước Sở.

Lúc ấy, có một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo phò vua đã giúp đỡ nhiều mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong, hỏi ra mới biết đem lòng cảm kích vô cùng.

Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong vòng mười chín năm trời, cùng nhau nếm mật nằm gai, khổ luyện thành tài. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi vương, trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công khi tòng vong, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi.

Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình theo vua phò vua là chuyện nên làm, ông cho rằng những việc đó đâu có gì đáng nói.

Vì thế, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm Tử Thôi. Nhưng vì là người không tham danh vọng, Tử Thôi nhất quyết không quay về lĩnh thưởng, Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng nhằm thúc ép Tử Thôi quay về. Không ngờ Tử Thôi quyết chí, hai mẹ con cùng chịu chết cháy trong rừng. Hôm ấy là ngày 3/3 Âm lịch.

Nhà vua hối hận cho lập miếu thờ. Hàng năm, cứ đến 3/3 Âm lịch dân bị cấm dùng lửa nấu ăn, ngay cả việc làm cỗ cúng cũng phải làm từ hôm trước, đây được coi là ngày Tết Hàn thực.

Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc, song Tết Hàn thực của người Việt đã có những thay đổi để phù hợp với văn hóa, phong tục của dân tộc ta. 

Xem thêm:
Tổng hợp tất cả các ngày lễ trong năm
Tổng hợp những lời chúc 30/4 và 1/5 ý nghĩa nhất

Nguồn gốc và ý nghĩa của Ngày Quốc tế Lao động 1/5

Tết Hàn thực có ý nghĩa gì?

Khác với Tết Hàn thực Trung Quốc là để tưởng nhớ Giới Tử Thôi, Tết Hàn thực Việt Nam lại mang ý nghĩa dân tộc sâu sắc, được lưu giữ mãi trong quá trình dựng nước và giữ nước. 

Tết Hàn thực cúng gì? Văn khấn Tết Hàn thực chuẩn nhất 2
Ở Việt Nam, ngày tết Hàn thực còn gọi là tết Bánh trôi bánh chay - Ảnh: VietNamNet

Theo đó, cứ vào mùng 3/3 Âm lịch hằng năm, các gia đình sẽ cùng nhau làm bánh trôi, bánh chay để dâng lên bàn thờ gia tiên và không kiêng đốt lửa. Ở một số khu vực, người dân còn làm bánh trôi, bánh chay để cúng thần hoàng. 

Những món ăn chuẩn bị trong dịp này đều được cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu một lòng hướng về tổ tiên, nguồn cội.

Đặc biệt, trong dịp Tết Hàn thực, người đi xa quê sẽ đoàn tụ cùng gia đình, đi tảo mộ người đã khuất và sum họp bên mâm cơm gia đình.

Tết Hàn thực cúng gì?

Mâm cúng Tết Hàn thực 3/3 Âm lịch không cần phải “mâm cao cỗ đầy”, mà quan trọng nhất là ở tấm lòng thành. Thông thường, vào ngày này, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị các lễ vật sau.

Bánh trôi, bánh chay

Bánh trôi, bánh chay là hai món bánh truyền thống không thể thiếu trong mâm cúng Tết Hàn thực của người Việt. 

Tết Hàn thực cúng gì? Văn khấn Tết Hàn thực chuẩn nhất 3
Bánh trôi truyền thống có màu trắng từ bột gạo nếp - Ảnh: Báo Phụ Nữ Việt Nam

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh, số lượng bánh trôi, bánh chay trong mâm cúng nên là 5 hoặc 3 bát bánh trôi, 3 hoặc 5 bát bánh chay. Bánh trôi được làm từ bột nếp nhào nặn với nước, trong nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên, “ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh” thì vớt ra. Sau đó đem bánh đã luộc ngâm trong nước lã đun sôi để nguội cho săn lại rồi vớt ra bày vào đĩa. Đĩa bánh trôi được rắc thêm hạt vừng trắng rang thơm. 

Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, không nhân hoặc nhân đậu xanh, đặt lên đĩa nhỏ, đổ nước đường lên trên. Bày lên đĩa, để nguội, thắp hương.

Tết Hàn thực cúng gì? Văn khấn Tết Hàn thực chuẩn nhất 4
Bánh trôi nhiều màu biến tấu cho Tết Hàn Thực - Ảnh: Báo Phụ Nữ Việt Nam
Tết Hàn thực cúng gì? Văn khấn Tết Hàn thực chuẩn nhất 5
Hiện nay, Tết Hàn thực được dâng cúng cả bánh trôi nhiều màu, ngũ sắc (5 màu cơ bản theo thuyết Ngũ hành) - Ảnh: Báo Phụ Nữ Việt Nam
Tết Hàn thực cúng gì? Văn khấn Tết Hàn thực chuẩn nhất 6
Bánh trôi nước biến tấu tạo hình hoa sen và lá sen - Ảnh: Báo Phụ Nữ Việt Nam

Ngày nay, nhiều người nặn bánh trôi, bánh chay ngũ sắc để dâng lên ông bà tổ tiên. Tuy nhiên, trong mâm cúng Tết Hàn thực không thể thiếu đĩa bánh trôi, bánh chay màu trắng nguyên bản. Bởi hình dáng tròn đầy và màu trắng của bánh thể hiện khát vọng về những điều tốt, viên mãn, tinh khiết trong cuộc sống.

Hương, hoa tươi, trầu cau

Ngoài bánh trôi, bánh chay, hương, hoa tươi, trầu cau là phần không thể thiếu trong mâm cúng Tết Hàn thực. 

Theo đó, gia chủ nên chọn những loại hoa thật tươi, thông thường nên chọn hoa cúc để thể hiện sự trang nghiêm và mang ý nghĩa cầu tài lộc, may mắn. Tùy điều kiện gia đình, gia chủ có thể chọn thêm các loại hoa khác như hoa huệ trắng, hoa đồng tiền,... Bên cạnh đó, thêm đĩa bày ba hoặc năm lá trầu và cau theo số lẻ. 

Lưu ý, gia chủ nên kiêng dâng cúng lên bàn thờ hoa ly, hoa sứ, hoa vạn thọ, ngụ ý tránh mang đến vận xui cho gia đình.

Tết Hàn thực cúng gì? Văn khấn Tết Hàn thực chuẩn nhất 7

Tết Hàn thực cúng gì? Văn khấn Tết Hàn thực chuẩn nhất 8

Tết Hàn thực cúng gì? Văn khấn Tết Hàn thực chuẩn nhất 9

Tết Hàn thực cúng gì? Văn khấn Tết Hàn thực chuẩn nhất 10
Mâm lễ Tết Hàn thực còn được kết hợp với nhau gồm bánh trôi bánh chay, hoa quả trông rất đẹp mắt - Ảnh: Báo Phụ Nữ Việt Nam

Mâm ngũ quả

Gia chủ thường chọn ngũ quả (không phải bày mâm ngũ quả) để dâng cúng tổ tiên nhằm thể hiện tấm lòng của mình. Các quả có đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng… đại diện cho ngũ hành, đồng thời mong ước những điều tốt đẹp trong ngày Tết Hàn thực. Chẳng hạn, thanh long có màu hồng với cuống lá xanh mướt, hướng lên trên, phật thủ tươi căng, xòe như bàn tay, nho từng chùm lúc lỉu đại diện cho sự sung túc… 

Lưu ý, kiêng chưng các loại hoa quả có gai, vị đắng, ngụ ý tránh mang đến tai ương, đau khổ, cuộc sống chịu nhiều cay đắng, khó khăn.

4.4 Ly nước sạch

Theo quan niệm dân gian, ly nước sạch tượng trưng cho sự tinh khiết, cho chân tâm thành kính của gia chủ. Kể cả không phải ngày lễ thì ly nước sạch trên bàn thờ vẫn nên được thay thường xuyên. 

Ngoài ra, trong Tết Hàn thực, mọi người nên kiêng chuyển chỗ ở. Bởi theo dân gian, vong linh người đã khuất thường theo sát gia đình. Do đó, nếu chuyển nhà vào ngày này sẽ khiến nhà cửa bị xáo trộn, không tốt lành.

Xem thêm:
Câu thành ngữ ‘Có thờ có thiêng có kiêng có lành’ có còn đúng vào ngày nay?
Gợi ý cách cúng Tết Đoan Ngọ chuẩn phong tục Việt và những điều cần lưu ý
Cúng thất là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa của nghi lễ cúng thất

Ý nghĩa bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn thực

Bánh trôi, bánh chay cũng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, gắn liền với đời sống văn hóa và tâm linh của người Việt.

Theo đó, bánh trôi, bánh chay thể hiện cho nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc ta. Cả hai thứ bánh này đều được làm từ bột gạo nếp thơm, thành quả lao động vất vả mới có được để dâng lên ông bà, tổ tiên. 

Theo quan niệm dân gian, bánh trôi thường có nhân đường cắt hình vuông, bên ngoài bột vỏ nặn tròn. Dương sinh âm cũng như câu “mẹ tròn con vuông”. Bánh chay nhân đậu xanh màu vàng thể hiện âm, vỏ bánh cũng tròn màu trắng để thể hiện tính dương và đó là tính chất của âm dương giao hòa. 

Tết Hàn thực cúng gì? Văn khấn Tết Hàn thực chuẩn nhất 11
Ý nghĩa bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn thực - Ảnh: Báo Phụ Nữ Việt Nam

Tục cúng bánh trôi, bánh chay của người Việt còn gợi nhắc đến “bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ”. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển. Vì vậy, Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những đã khuất.

Ngoài ra, theo các chuyên gia văn hoá, khi bước sang tháng 3 Âm lịch, thời tiết bắt đầu nóng lên, chuẩn bị bước sang mùa hè. Người Việt xưa đã sáng tạo ra món bánh trôi, bánh chay là những món ăn nguội, mang tính mát. Món ăn này vị ngọt thanh, rất phù hợp cho những ngày nóng nực. Đồng thời cầu mong cho thời tiết thuận lợi hài hòa, cũng như mùa hè không quá nóng bức.

Văn khấn Tết Hàn thực theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam

Dưới đây là bài cúng Tết Hàn thực theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB Văn hóa Thông tin).

Con lạy chín phương trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương. Con kính lạy Hoàng thiên hậu thổ, chư vị tôn thần. Con kính lạy ngài bản cảnh thành hoàng, ngài bản xứ thổ địa, ngài bản gia táo quân cùng chư vị tôn thần.

Con kính lạy cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại.

Tín chủ chúng con là… Ngụ tại…

Hôm nay là ngày… (đọc ngày theo Âm lịch) gặp tiết Hàn thực, tín chủ chúng con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị tôn thần, nhớ đức cù lao tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài bản cảnh thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh thổ địa, ngài bản gia táo quân, ngũ phương, long mạch, tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ tổ khảo, tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ… (họ của gia chủ) cúi xin thương xót cho con cháu giáng về chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai âm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận, trên bảo dưới nghe.

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).

Tết Hàn thực không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là nét đẹp tinh thần của người Việt trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc. Đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, đoàn viên và gắn kết tình yêu thương

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Thường thức.

Bình luận