Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Xuân phân 2024 là ngày nào, có điều gì đặc biệt?

VOH - Xuân phân là thời điểm đánh dấu sự thay đổi trong thời tiết và tự nhiên diễn ra trên khắp Trái đất. Vậy Xuân phân 2024 rơi vào ngày nào và chúng ta sắp chào đón điều gì?

Theo lịch vạn niên, Xuân phân là tiết khí thứ 4 trong 24 tiết khí. Vào lúc này, thời tiết trở nên ấm áp, không khí ẩm, vạn vật sinh trưởng, thích hợp để tổ chức các lễ hội hoặc sự kiện quan trọng. Sau đây, hãy cùng VOH khám phá những điều đặc biệt về tiết khí này nhé!

Tìm hiểu về tiết Xuân phân

Khi tiết Xuân phân bắt đầu điểm cũng là lúc vạn vật trong tự nhiên phát triển mạnh mẽ. 

Tiết khí Xuân phân là gì?

Giải nghĩa theo tiếng Hán - Việt, "Xuân" chỉ mùa Xuân, trong 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông; "phân" là chính giữa. Như vậy, tiết Xuân phân được hiểu đơn giản là thời điểm chính giữa của mùa Xuân, theo quan điểm Phương Đông.

Tuy nhiên, theo khoa học Phương Tây, Xuân phân là ngày bắt đầu mùa Xuân ở Bắc Bán cầu (bao gồm cả nước ta) và mùa Thu ở Nam Bán Cầu. 

voh-xuan-phan-1
Xuân phân, Thu phân, Hạ chí và Đông chí là 4 mốc thời gian cơ bản - Ảnh: VACA

Xuân phân diễn ra vào thời điểm nào?

Tính theo Dương lịch, tiết khí trên bắt đầu từ ngày 20 hoặc 21/3 sau tiết Kinh Trập, kết thúc vào ngày 3 hoặc 4/4 trước tiết Thanh minh. Vào thời điểm này, Mặt Trời ở vị trí gần xích đạo nhất.

Mặc dù Xuân phân không phải là một ngày, nhưng chúng ta vẫn thường gọi ngày có điểm đó là ngày Xuân phân. 

Ý nghĩa của Xuân phân trong phong thủy

Trong 24 tiết khí, Xuân phân là một trong những tiết khí cực kỳ tốt. Người xưa khi xác định mùa Xuân sẽ lấy mốc từ Lập Xuân tới Lập Hạ, và Xuân phân là điểm giữa khoảng thời gian đó, lúc khí Xuân cực thịnh. 

Tiết khí này cũng là lúc thời tiết thuận hòa, vạn vật tươi tốt, ngày đêm dài bằng nhau nên còn tượng trưng cho âm dương cân bằng.

Vì vậy, trong phong thủy, tiết Xuân phân được cho là mang lại may mắn và an lành. Các thầy tử vi cũng thường khuyên nên tổ chức đại sự như đám cưới, đám hỏi... vào khoảng thời gian này. 

Ngoài ra, theo quan niệm dân gian, Xuân phân là lúc muông thú ghép đôi và sinh sản. Nếu cặp vợ chồng nào hạ sinh con cái vào thời gian này là điều tốt lành. Em bé sẽ thông minh, có vận khí tốt, cuộc đời suôn sẻ. 

Xuân phân 2024 là ngày nào?

Năm nay, điểm Xuân phân ở nước ta rơi vào 10h06', Thứ Tư, ngày 20/3 và kéo dài đến hết ngày 3/3, nhường chỗ cho tiết Thanh Minh (ngày 4/4).

Do có sự chênh lệch về múi giờ nên thời điểm này ở mỗi quốc gia sẽ khác nhau. Ví dụ, nhiều nơi ở Mỹ, điểm Xuân phân 2024 là vào ngày 19/3. 

voh-xuan-phan-2
Ảnh: Canva

Đặc điểm của tiết Xuân phân

Theo Nông lịch Trung Quốc cổ đại, một năm có 24 tiết khí, tương đương với 24 thời điểm đất trời có sự biến chuyển. Do đó, tiết Xuân phân cũng sở hữu những đặc điểm về địa lý, khí hậu, thời tiết riêng biệt. 

Đặc điểm địa lý

Quỹ đạo của Trái đất vốn dĩ không thẳng đứng mà nghiêng một góc ~23,5 độ so với mặt phẳng hoàng đạo. Vì vậy mà có nơi tiếp nhận ánh sáng Mặt Trời nhiều hơn một số nơi khác ở bán cầu còn lại. 

Tuy nhiên, vào hai ngày Xuân phân (đánh dấu tiết Xuân phân) và ngày Thu phân (đánh dấu tiết Thu phân), Trái Đất sẽ hướng thẳng về Mặt Trời nên ngày và đêm dài bằng nhau. Vì Trái Đất không ngừng chuyển động nên sự cân bằng này cũng nhanh chóng bị phá vỡ. 

Trong ngày có điểm Xuân phân, Mặt Trời sẽ nằm thẳng đứng trên đỉnh đầu vào giữa trưa. Đồng thời, chúng ta sẽ được chứng kiến hoàng hôn nhanh nhất của năm (được tính dựa theo khoảng thời gian để Mặt Trời lặn hoàn toàn xuống dưới đường chân trời).

Dễ dàng nhận thấy Mặt Trời mọc sớm hơn, lặn muộn hơn. Đường đi của Mặt Trời trên bầu trời trong một ngày sẽ dần dịch về hướng Bắc.  

Còn có một hiện tượng nữa là vào ngày có Xuân phân, Mặt Trời mọc chính xác ở hướng Đông và lặn chính xác ở hướng Tây. Đây không phải là điều hiển nhiên, bởi vào những ngày bình thường trong năm, Mặt Trời sẽ mọc và lặn có phần lệch đi chứ không chính xác ở hướng Đông và hướng Tây. 

Đặc điểm khí hậu, thời tiết

Hình thái thời tiết trong Xuân phân sẽ có sự chuyển biến rõ rệt. Khí hậu dần trở nên ấm áp thay thế cho cái lạnh tê tái của mùa Đông. Trời nắng, gió mát, cái nóng oi bức của mùa Hè đang đến gần với bán cầu Bắc. 

Ngoài ra, những trận mưa cũng xuất hiện khiến độ ẩm tăng cao, lâu dần hình thành thời tiết nồm ẩm, gây bất tiện cho sinh hoạt hằng ngày. 

banner-bottom-thuongthuc

Tiết Xuân phân nên làm gì?

Tiết Xuân phân đánh dấu thời điểm bước vào nắng Xuân ấm áp, thời tiết chuyển giao, vạn vật sinh sôi nảy nở. Đây là thời điểm lý tưởng để bắt đầu các công việc sau.

Cưới xin

Thời điểm Xuân phân là lúc độ dài ngày và đêm có sự tương xứng, âm dương cân bằng. Vì vậy thích hợp để tiến hành các công việc trọng đại như cưới hỏi.

Tập luyện thể dục thể thao

Xuân phân cũng là lúc xuất hiện nồm ẩm khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tai mũi họng. Do đó, hãy tích cực vận động, tập luyện thể dục thể thao, ăn uống hợp lý để giữ cơ thể luôn khỏe mạnh nhé!

Bắt đầu vụ mùa

Bước vào tiết Xuân phân, nhiệt độ không khí tăng lên và ổn định, xua tan giá lạnh. Cây cối, muông thú vì thế mà đều tốt tươi và sinh sản.

Người xưa có câu “Xuân phân mạch thức dậy, một khắc giá ngàn vàng”, ngụ ý đây là thời điểm tốt nhất để gieo trồng và chuẩn bị mùa vụ.

Tiết Xuân phân trên thế giới diễn ra như thế nào?

Ngày Xuân phân tại Việt Nam không có nhiều hoạt động đặc biệt, nhưng trên thế giới, đây lại là thời điểm thích hợp để tổ chức các lễ hội lớn.

Ngày lễ Xuân phân (Shunbun no hi) ở Nhật Bản

Đây là ngày lễ quốc dân chính thống tại "xứ sở Mặt Trời mọc", ra đời vào năm 1948, với ý nghĩa "kính trọng thiên nhiên, ưu ái sinh mệnh". Đây cũng là thời điểm báo hiệu mùa Xuân về và những ngày nắng ấm tăng dần.

Vì thời điểm Xuân phân sẽ có sự chênh lệch theo mỗi năm từ khoảng ngày 20 - 21/3. Cứ đến ngày 1/2 hàng năm, hội nghị nội các sẽ dựa theo bảng lịch "Rekisho-nenpyo (暦象年表)" do đài thiên văn quốc gia lập nên và quyết định ngày lễ Xuân phân thích hợp.

Vào ngày lễ này, người dân thường hay đi viếng mộ tổ tiên và thưởng thức món bánh nếp Botamochi với mong muốn xua đuổi tà khí. 

voh-xuan-phan-3
Lễ Xuân phân mang ý nghĩa mừng xuân về và cảm tạ thiên nhiên - Ảnh: Fun - Japan

Tết Nowruz tại Trung Đông và Nam Á

Nowruz là dịp lễ tết đánh dấu ngày đầu tiên của mùa Xuân và cùng là ngày đầu tiên trong năm mới tính theo lịch của người Ba Tư cổ. Đây là ngày lễ chính thức tại nhiều quốc gia như Iran, Iraq, Afghanistan, Albania, Azerbaijan, Gruzia, Kosovo, Kyrgyzstan, Mông Cổ, Uzbekistan,...

Dịp tết cổ truyền này thường diễn ra trong 13 ngày. Mặc dù có sự khác biệt ở mỗi quốc gia, song vẫn tồn tại một số truyền thống chung như: chuẩn bị lửa và nước mang tính biểu tượng trước Tết; thực hiện các điệu múa nghi lễ liên quan đến việc nhảy qua lửa và suối; đến viếng thăm mộ người đã khuất trước Tết...

Năm 2009, UNESCO công nhận Nowruz nằm trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 2010 tuyên bố: Ngày 21/3 là Ngày Quốc tế Nowruz.

Lễ Phục sinh

Ở các quốc gia theo Cơ đốc giáo, lễ Phục sinh được tổ chức vào ngày Chủ Nhật đầu tiên sau khi trăng tròn kể từ ngày Xuân phân. Cũng vì thế mà đây được coi như lễ hội mùa Xuân, mừng đất trời chuyển mùa, khơi dậy hy vọng của các giáo dân về một tương lai tươi sáng.

Vào lễ Phục sinh, các tín đồ thường đến nhà thờ để cầu nguyện và cảm tạ Chúa; quây quần bên người thân, bạn bè; tham gia diễu hành; trang trí trứng Phục sinh; làm bánh... 

Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3

Tháng 6/2012, Liên hợp quốc tuyên bố chọn ngày 20/3 hằng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Bởi đây là thời điểm diễn ra Xuân phân, khi Mặt Trời nằm ngang đường xích đạo, có độ dài ngày và đêm bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Điều này cũng tượng trưng cho sự cân bằng âm dương, ánh sáng và bóng tối, ước mơ và hiện thực.

Ngày Trái Đất 22/4

Ngày Trái Đất (Earth Day) là ngày hành động toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ giá trị của môi trường tự nhiên, đồng thời ngăn chặn các thảm họa do biến đổi khí hậu và tàn phá môi trường. 

Năm 2009, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tuyên bố ngày 22/4 là Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất (International Mother Earth Day).

Xuân phân là thời điểm đánh dấu sự chuyển giao giữa khí lạnh và khí ấm. Do đó, người có hệ miễn dịch yếu, người già, trẻ em cần lưu ý phòng chống các bệnh theo mùa. Đồng thời tăng cường tập luyện thể thao, bổ sung thức ăn dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe. 

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Thường thức.

Bình luận