Chờ...

Bà bầu ăn chôm chôm có tốt không?

(VOH) – Chôm chôm chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Vậy bà bầu ăn chôm có tốt không và cần lưu ý điều gì để cơ thể không phải chịu những tác động xấu.

Trong chế độ ăn uống của phụ nữ mang thai cần được bổ sung nhiều trái cây và rau xanh. Khi nhắc đến những loại trái cây tốt cho bà bầu, nhiều người sẽ nghĩ ngay các đến táo, đu đủ, chuối, xoài.... tuy nhiên, vẫn còn một “ứng cử viên” ít ai để ý chính là trái chôm chôm.

1. Bà bầu có ăn được chôm chôm không?

Một số ý kiến cho rằng, phụ nữ mang thai không nên ăn chôm chôm vì có thể gây nóng trong người, từ đó ảnh hưởng đến thai nhi, hoặc phụ nữ mang thai 3 tháng đầu ăn chôm chôm dễ bị sảy thai. Tuy nhiên, thực tế đây là một lời đồn vô căn cứ, bởi cho đến hiện tại không có bằng chứng khoa học nào chứng minh được điều này.

ba-bau-an-chom-chom-co-tot-khong-voh-0
Chôm chôm là loại trái cây giàu dinh dưỡng (Nguồn: Internet)

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bà bầu ăn chôm chôm trong thai kỳ là an toàn nếu ăn với số lượng ít. Loại trái cây này có thể mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho bà bầu cũng như sự phát triển của thai nhi.

2. Bà bầu ăn chôm chôm nhận được lợi ích gì?

Chôm chôm chứa nhiều dưỡng chất quan trọng như vitamin A, vitamin C, vitamin B5, cùng các khoáng chất như canxi, magie, photpho, kali, chất xơ, sắt... Chính vì thế, khi bà bầu ăn chôm chôm đúng cách trong giới hạn cho phép sẽ nhận được các lợi ích sức khỏe sau đây:

2.1 Giảm nghén

Trong khoảng 3 tháng đầu thai kỳ, bạn có thể sẽ thường xuyên gặp phải các tình trạng buồn nôn, đôi khi chóng mặt. Tuy nhiên, nếu bà bầu ăn chôm thì tình trạng này có thể được cải thiện hiệu quả, bởi các vitamin trong quả chôm chôm có thể giúp bạn giảm tình trạng nghén, mệt mỏi.

2.2 Cung cấp sắt cho cơ thể

Chôm chôm là một nguồn cung cấp sắt tuyệt vời. Do đó, bà bầu thường xuyên ăn chôm chôm sẽ giúp giữ mức hemoglobin trong tầm kiểm soát, các tình trạng mệt mỏi khi mang thai cũng sẽ giảm nhẹ đi rất nhiều.

2.3 Tốt cho hệ tiêu hóa

Thành phần chất xơ trong quả chôm chôm cũng rất cao, vì thế bà bầu ăn chôm chôm ở mức vừa phải sẽ giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa diễn ra suôn sẻ, ngăn ngừa được tình trạng bị táo bón hoặc tiêu chảy khi mang thai.

Xem thêm: Giải pháp giúp mẹ vượt qua chứng táo bón khi mang thai nhẹ nhàng

2.4 Củng cố hệ miễn dịch

Chôm chôm chứa nhiều vitamin C, đây là một chất chống oxy hóa tự nhiên có thể giúp cải thiện khả năng miễn dịch, để chống lại các loại bệnh thông thường như cảm lạnh, bệnh cúm....

2.5 Kiểm soát huyết áp và cholesterol

ba-bau-an-chom-chom-co-tot-khong-voh-1
Bà bầu ăn chôm chôm với lượng vừa đủ giảm thiểu tình trạng phù nề chân tay (Nguồn: Internet)

Ăn chôm chôm cũng là một trong những cách giúp làm tăng khả năng lưu thông máu, điều chỉnh huyết áp ở mức ổn định. Hơn thế, bà bầu ăn chôm chôm còn giúp giảm thiểu tình trạng phù nề chân tay thường gặp trong thai kỳ.

2.6 Tốt cho xương

Chôm chôm là một nguồn dồi dào canxi, photpho, magie, kẽm.... những dưỡng chất này có thể giúp tăng cường sức khỏe cho xương, đồng thời còn cung cấp thêm canxi để thai nhi phát triển.

2.7 Làm đẹp tóc

Bà bầu ăn chôm chôm có thể giúp làm giảm tình trạng xuất hiện gàu trên da đầu, thậm chí là các vấn đề liên quan đến da đầu khác khi mang thai. Quả chôm chôm còn có tác dụng giúp chân tóc chắc khỏe hơn trong thai kỳ.

2.8 Giảm rạn da

Ở những tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu có thể sẽ gặp phải tình trạng bị rạn da. Tuy nhiên, hàm lượng vitamin E trong quả chôm chôm có thể giúp mẹ cải thiện tình trạng này. Ngoài ra, chôm chôm cũng hỗ trợ rất tốt trong việc ngăn ngừa lão hóa sớm, ngứa da hoặc xỉn màu da khi mang thai.

Xem thêm: Mách mẹ những cách cải thiện tình trạng rạn da khi mang thai an toàn

3. Bà bầu ăn chôm chôm nhiều có tốt không?

Như đã nói, chôm chôm nếu được bà bầu tiêu thụ ở mức vừa phải và đúng cách sẽ không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bà bầu ăn nhiều chôm chôm thì lại không có lợi, thậm chí còn có thể dẫn đến một vài vấn đề sức khỏe sau:

3.1 Tăng chỉ số đường huyết

Chôm chôm chín chứa lượng đường khá cao, vì thế những mẹ bầu đang có đường huyết không ổn định thì nên hạn chế ăn chôm chôm, bởi nó có thể làm tăng chỉ số đường huyết trong cơ thể.

3.2 Tăng cholesterol

Hàm lượng đường trong quả chôm chôm có thể chuyển hóa thành rượu và làm tăng chỉ số cholesterol trong máu của mẹ bầu.

4. Bà bầu ăn chôm chôm bao nhiêu là đủ?

Tùy vào từng cơ địa, sức khỏe của mỗi mẹ bầu mà số lượng sử dụng cũng khác nhau. Thông thường, bác sĩ thường khuyến cáo phụ nữ mang thai chỉ nên ăn khoảng 200 – 300gr chôm chôm mỗi ngày là hợp lý.

ba-bau-an-chom-chom-co-tot-khong-voh-2
Mỗi ngày bà bầu chỉ nên ăn từ 200-300gr chôm chôm mỗi ngày là hợp lý (Nguồn: Internet)

Thời điểm ăn tốt nhất là sau bữa ăn chính khoảng 1 tiếng, bởi đây là thời điểm cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt nhất. Ngoài ra, bà bầu không nên ăn chôm chôm vào buổi tối hay lúc sắp đi ngủ vì lượng đường trong loại trái cây này sẽ không tốt cho cơ thể mẹ bầu.

5. Những lưu ý cần nhớ khi bà bầu ăn chôm chôm

Quả chôm chôm đối với phụ nữ mang thai có thể có lợi và cũng có thể không, bởi nó tùy thuộc vào cách ăn uống của mẹ bầu. Do đó, để có thể hưởng được những lợi ích từ trái cây này, mẹ bầu cần lưu ý:

  • Tránh ăn chôm chôm chín quá mức.
  • Hạn chế ăn chôm chôm nếu bạn đang bị bệnh tiểu đường
  • Không ăn quá nhiều.
  • Không dùng miệng để lột vỏ chôm chôm.

Như vậy, dưới góc nhìn khoa học, chôm chôm là loại trái cây có lợi cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, để nhận được các lợi ích này mẹ bầu cần ăn chôm chôm hợp lý và đúng cách.