Bà bầu ăn củ cải đỏ được không và có gây ảnh hưởng gì tới thai nhi?

(VOH) – Cùng với cà rốt, củ dền hay củ cải trắng, củ cải đỏ cũng có thể được tìm mua dễ dàng, giá thành không quá cao. Thế nhưng liệu bà bầu ăn củ cải đỏ được không và có ảnh hưởng gì tới thai kỳ?

Vốn thuộc cùng họ với củ cải trắng song kích thước và hình dáng của củ cải đỏ khá khác biệt, phần lớn có hình cầu nhỏ. Điều đặc biệt khi nhắc đến củ cải đỏ chính là có thể được tận dụng làm nguyên liệu của khá nhiều món ăn hấp dẫn, bổ dưỡng.

Do vậy, cần tìm hiểu kĩ càng những tác động của loại củ này tới sức khỏe mẹ bầu, tránh trường hợp các mẹ kiêng khem quá mức và bỏ lỡ nguồn chất dinh dưỡng cũng như cơ hội thưởng thức những món ăn thơm ngon.  

1. Bà bầu ăn củ cải đỏ được không?

Có thể nói dù có kích thước “khiêm tốn” nhưng hàm lượng dưỡng chất trong củ cải đỏ vô cùng dồi dào, đem đến các hoạt chất thiết yếu cho cơ thể như kali, axit folic, photpho, vitamin K hay vitamin B6. Chính vì thế, các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá củ cải đỏ thuộc nhóm thực phẩm khá lành mạnh mà bà bầu hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng trong thai kì. 

ba-bau-an-cu-cai-do-duoc-khong-va-co-gay-anh-huong-gi-toi-thai-nhi-voh-0
Củ cải đỏ là thực phẩm an toàn mẹ bầu có thể bổ sung trong thai kì (Nguồn: Internet)

2. Lợi ích sức khỏe khi bà bầu ăn củ cải đỏ

Bà bầu có thể ăn củ cải đỏ khi dưỡng thai để hấp thu thêm các chất dinh dưỡng quan trọng, từ đó chủ động cải thiện một số vấn đề sức khỏe sau: 

2.1 Tốt cho hệ tiêu hóa

Bổ sung củ cải đỏ trong khẩu phần ăn sẽ giúp mẹ bầu tiếp nạp thêm lượng chất xơ cần thiết cho hoạt động của hệ tiêu hóa. Hoạt chất này góp phần thúc đẩy quá trình lên men của vi khuẩn tại ruột già, tăng tích nước làm mềm phân, khắc phục hiệu quả chứng táo bón ở giai đoạn mang thai

Xem thêm: Top thực phẩm giàu chất xơ dành cho bà bầu có thể bạn chưa biết

2.2 Duy trì huyết áp ổn định

Dựa trên phân tích dinh dưỡng, hàm lượng khoáng chất kali được tìm thấy trong củ cải đỏ tương đối lớn, theo đó trung bình 100g phần ăn được của loại củ này có chứa khoảng 135mg kali. Kali được xem như một trong những thành tố quan trọng giúp cân bằng nồng độ chất lỏng, hỗ trợ loại bỏ lượng muối natri dư thừa và đảm bảo không tăng huyết áp trong thai kì

2.3 Phòng chống viêm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu là một trong những bệnh lý thường gặp ở phụ nữ mang thai, phần lớn do tử cung phát triển lớn chèn ép lên niệu quản, nước tiểu ứ đọng lại và tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.

Chính vì vậy, bên cạnh duy trì uống đủ nước và không nhịn tiểu, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích mẹ bầu ăn thêm củ cải đỏ để tăng cường các chất kháng viêm như catechin hay pyrogallol cho cơ thể, ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. 

Xem thêm: 5 dấu hiệu nhận biết sớm bệnh viêm đường tiết niệu khi mang thai, tránh nguy cơ sinh non, sảy thai

2.4 Kiểm soát đường huyết

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong củ cải đỏ có chứa hai hoạt chất glucosinolate và isothiocyanate với khả năng kiểm soát nồng độ đường huyết, kích thích sản sinh adiponectin chống lại tình trạng kháng insulin. Vì thế để phòng tránh bệnh lý tiểu đường thai kì, mẹ bầu nên tham khảo thêm củ cải đỏ vào thực đơn hàng ngày. 

2.5 Ngăn ngừa dị tật bẩm sinh

Những nhóm chất kháng viêm do củ cải đỏ cung cấp không chỉ bảo vệ mẹ khỏi các chứng viêm nhiễm nghiêm trọng mà còn có đặc tính cân bằng nồng độ gốc tự do, ngăn chặn tổn thương ở tế bào DNA – nguyên nhân chính khiến thai nhi mắc dị tật bẩm sinh

ba-bau-an-cu-cai-do-duoc-khong-va-co-gay-anh-huong-gi-toi-thai-nhi-voh-1
Các hoạt chất có trong củ cải đỏ sẽ ngăn chặn những tổn thương tế bào do gốc tự do gây ra, bảo vệ trẻ không mắc các khuyết tật, dị tật bẩm sinh (Nguồn: Internet)

3. Bà bầu ăn củ cải đỏ cần lưu ý điều gì?

Củ cải đỏ đem đến khá nhiều dưỡng chất giúp tăng cường sức khỏe của mẹ bầu, hỗ trợ sự phát triển khỏe mạnh và toàn diện của thai nhi. Tuy nhiên để tận dụng tối đa những lợi ích tuyệt vời này, mẹ phải đảm bảo sử dụng củ cải đỏ hợp lý và đúng cách. 

  • Hạn chế lạm dụng ăn quá nhiều củ cải đỏ, dẫn đến tích tụ lượng kali vượt mức an toàn. Mỗi bữa dùng khoảng 150 – 200g củ cải đường là hợp lý. 
  • Tốt nhất nên ngâm rửa sạch củ cải đỏ với nước muối loãng và gọt sạch vỏ trước khi đem chế biến. 
  • Khi có bất cứ dấu hiệu dị ứng ngứa ngáy nào thì cần tạm ngưng ăn củ cải đỏ. 

Như vậy, củ cải đỏ tròn tròn, bé xinh với lớp vỏ đỏ hồng đẹp mắt là loại củ giàu dinh dưỡng và an toàn với sức khỏe phụ nữ mang thai nên mẹ bầu không còn phải lo lắng khi chọn mua nữa nhé.

Bình luận