Một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng là điều cần thiết để có được một thai kỳ khỏe mạnh. Vì thế, mẹ bầu cần kết hợp nhiều loại thực phẩm trong tất cả các nhóm thực phẩm, bao gồm cả rau củ. Tuy nhiên, một số rau củ có thể không an toàn để tiêu thụ trong thai kỳ, một trong số đó là củ khoai mì.
1. Bà bầu ăn khoai mì được không?
Khoai mì là loại lương thực được tiêu thụ rộng rãi ở nước ta, cung cấp tinh bột và một số chất dinh dưỡng quan trọng có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, loại củ này cũng tiềm ẩn rủi ro nếu ăn không đúng cách, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Do đó, bà bầu tốt nhất KHÔNG NÊN ăn khoai mì trong giai đoạn thai kỳ.
Trong thành phần của khoai mì có chứa một lượng axit cyanhydric (viết tắt là HCN), đây là một loại chất có thể gây ngộ độc dù chỉ dùng với một lượng tương đối ít.
Mặc dù, phải đến một lượng nhất định thì chất HCN mới có thể ngộ độc, tuy nhiên, sức đề kháng, hệ miễn dịch của mẹ bầu yếu hơn người bình thường, vì thế, khả năng nhiễm độc sẽ cao hơn.
Lượng HCN trong khoai mì cao hay thấp sẽ thùy thuộc vào giống khoai. Thông thường, giống khoai cao sản sẽ có hàm lượng HCN cao hơn so với các giống khoai mì ngọt. Theo nghiên cứu, hàm lượng HCN khoảng 20mg có thể gây ngộ độc và trên 50mg có thể dẫn đến tử vong.
Khi vào cơ thể chất HCN sẽ hấp thu rất nhanh qua đường tiêu hóa, niêm mạc và hô hấp. 60% HCN sẽ gắn vào các protein và máu để lan truyền đi khắp cơ thể.
HCN gắn chặt vào nhân Fe2+ của enzyme cytochrome oxidase (một loại enzyme giúp cơ thể sử dụng oxy để tạo năng lượng) khiến cơ thể không hô hấp được dù vẫn nhận đủ dưỡng khí, từ đó dẫn đến ngộ độc. Vì thế bà bầu hãy hạn chế hoặc không nên ăn khoai mì.
2. Những triệu chứng ngộ độc khoai mì
Các triệu chứng khi bị ngộ độc khoai mì thường thấy là:
- Buồn nôn, ói mửa, mặt xanh tái
- Đi ngoài
- Chân tay rũ rượi, mệt mỏi
- Chóng mặt, ù tai, đau đầu
- Tăng huyết áp, tim đập nhanh
- Trường hợp nặng sẽ bị rối loạn ý thức, hôn mê, ngừng thở, tụt huyết áp, co giật. Nếu mẹ bầu ăn khoai mì có chứa HCN quá cao (nồng độ HCN >3mg/l) có thể dẫn đến tử vong.
3. Cách xử lý khi bà bầu ăn khoai mì bị ngộ độc
Một số mẹ bầu có thể sẽ gặp phải trường hợp ngộ độc khi ăn khoai mì. Do đó hãy nhớ kỹ cách xử lý dưới đây:
- Đầu tiên cần nhanh chóng tìm cách giúp mẹ bầu nôn hết lượng khoai ra ngoài, nôn càng sớm càng tốt. Tiếp theo, cho mẹ bầu uống dung dịch đường (glucose 30 – 50%) rồi lập tức đưa mẹ bầu đến cơ sở y tế gần nhất.
- Nếu mẹ bầu có biểu hiện đi ngoài, thì đây cũng là cách để độc tố theo phân ra khỏi cơ thể. Sau đó, cho mẹ bầu uống nước đường rồi đưa đến bệnh viện.
- Nếu mẹ bầu xuất hiện các triệu chứng ngộ độc nặng, cần cấp tốc đưa mẹ bầu đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
4. Bà bầu ăn khoai mì thế nào để đảm bảo an toàn?
Mặc dù khoai mì có chứa độc tố, nhưng độc tố này lại rất dễ bay hơi và tan trong nước. Do đó, chỉ cần biết cách loại bỏ độc tố, ăn trong chừng mực thì khoai mì vẫn là loại thực phẩm an toàn và bổ dưỡng.
Trước khi luộc khoai mì, bạn nên lột sạch vỏ, cắt bỏ phần đầu và đuôi vì đó là những nơi có chứa nhiều độc tố nhất. Sau đó, đem khoai mì ngâm trong nước sạch khoảng 1 tiếng rồi rửa lại với nước nhiều lần.
Khi luộc, cần mở nắp để độc tố tan theo nước và bay hơi đi. Khi luộc kỹ, khoai mì sẽ an toàn hơn. Mẹ bầu cũng không nên để khoai mì quá lâu mới sử dụng vì sẽ làm tăng lượng độc tố có trong khoai.
Xem thêm: 'Phát cuồng' với 6 món ngon từ khoai mì, ai cũng làm được dễ dàng!
5. Các lưu ý cần nhớ khi bà bầu ăn khoai mì
Để đảm bảo an toàn, tốt cho sức khỏe thì khi bà bầu ăn khoai mì cần nắm rõ một số lưu ý sau đây:
- Không ăn khoai mì cao sản (khoai mì đắng) vì giống này có hàm lượng HCN cao.
- Khoai mì mới nhổ lên phải chế biến ngay, tránh để lâu. Khoai mì nổi đốm xanh thì tuyệt đối không được ăn.
- Khoai mì đã được cắt lát và phơi khô có thể giúp giảm rất nhiều độc tố.
- Không nên ăn khoai nướng, bởi độc tố trong nó hầu như vẫn tồn lại, không thoát được ra ngoài.
- Lúc đói không nên ăn khoai mì sẽ khiến nguy cơ ngộ độc lớn hơn.
- Ăn khoai mì với đường hoặc mật ong có tác dụng trung hòa độc tố.
Khoai mì dù là loại lương thực thông dụng dễ ăn, nhưng lại không có lợi cho bà bầu. Cho nên, thay vì sử dụng khoai mì mẹ bầu hãy lựa chọn những loại rau củ quả có lợi cho thai kỳ của mình. Nếu muốn ăn khoai mì, hãy chế biến đúng cách và ăn trong giới hạn cho phép để không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.