Từ lâu, quả gấc được xem là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cũng như nguyên liệu làm đẹp cho phụ nữ. Bên cạnh đó, phần màng đỏ phía bên ngoài của quả gấc còn có thể chiết xuất thành dầu gấc – một loại dầu ăn cực tốt cho trẻ nhỏ - nhất là trong giai đoạn ăn dặm.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều các sản phẩm dầu gấc, tuy nhiên nếu muốn đảm bảo an toàn và nguyên chất mẹ có thể tự làm dầu gấc cho bé ăn dặm tại nhà.
1. Học cách làm dầu gấc cho bé ăn dặm tại nhà
Để đảm bảo hương vị thơm ngon và giữ trọn vẹn dinh dưỡng khi nấu dầu gấc cho bé ăn dặm, ngay từ khi chọn gấc mẹ nên chọn những loại gấc chín đỏ tươi, có gai đều, căng mọng. Không chọn những quả gấc màu vàng chưa chín, trái vàng cam hoặc còn xanh, gai không đều sẽ khiến chất lượng dầu bị ảnh hưởng.
Mẹ có thể tham khảo áp dụng 1 trong 3 cách làm dầu gấc cho bé dưới đây:
1.1 Làm dầu gấc từ nồi cơm điện
Nguyên liệu
- Gấc chín: 1 quả
- Dầu dừa hoặc dầu ô-liu: 2 - 3 thìa cà phê
- Nồi cơm điện
- Máy xay sinh tố
Cách làm dầu gấc từ nồi cơm điện
- Đầu tiên, mẹ bổ đôi quả gấc, lấy hết phần thịt đỏ mang đi phơi khô trong khoảng 2 – 3 tiếng, khi thấy thịt gấc se lại là được.
- Cho gấc vào máy xay sinh tố xay thật nhuyễn (việc này sẽ giúp rút ngắn thời gian nấu gấc)
- Sau đó, cho dầu vào nồi cơm điện, đổ gấc được xay vào nồi nấu khoảng 20 phút, dùng đũa đảo đều.
- Đun cho đến khi cả hỗn hợp keo lại, nhìn thấy dầu đã tan hết ra là được.
- Chờ đến lúc dầu nguội, mẹ lọc lại lần nữa cho hết cặn ở dầu là có thể dùng được.
1.2 Làm dầu gấc bằng lò vi sóng
Nguyên liệu
- Gấc chín: 1 quả
- Dầu dừa hoặc dầu ô-liu: 2 - 3 thìa cà phê
- Máy xay sinh tố
- Lò vi sóng
Cách làm dầu gấc bằng lò vi sóng
- Bổ đôi quả gấc, lấy phần hạt gấc bao gồm cả màng thịt. Sau đó tách phần màng ra khỏi hạt cho vào lò vi sóng ở công suất thấp, sấy trong thời gian dài cho khô (Trở mặt gấc cho đều để tránh bị cháy).
- Sau khi sấy khô thì giã vụn hoặc cắt nhỏ.
- Cho dầu vào nồi đun nóng vừa phải. Tiếp theo, cho phần thịt màng gấc vào đun khoảng 10 – 15 phút, nhiệt độ vừa phải để dầu gấc được chiết xuất ra.
- Sau đó để nguội, lọc cặn và cho vào lọ dùng dần.
Xem thêm: Gợi ý cách làm một số món ăn dặm cho bé, giúp mẹ đa dạng bữa ăn của trẻ
1.3 Làm dầu gấc không cần dầu ăn
Nguyên liệu
- Gấc chín: 1 quả
- Rượu gạo: 500ml
Cách làm dầu gấc không cần dầu ăn
- Bổ đôi quả gấc để tách lấy phần thịt gấc, bóc cả lớp màng bao bọc bên ngoài phần hạt.
- Trút rượu vào hỗn hợp và trộn thật đều. Sau đó bật lửa nhỏ (khoảng 70 - 80 độ C), đun sôi để rượu bay hơi và thịt gấc chuyển sang màu nâu sẫm thì tắt bếp.
- Dùng rây lọc lấy dầu gấc và bỏ phần bã.
2. Hướng dẫn cách bảo quản dầu gấc
Dầu gấc sau khi chế biến xong cần bảo quản trong lọ thủy tinh và cất trữ ở ngăn mát tủ lạnh. Nếu thực hiện làm dầu gấc cho bé đúng quy trình, bảo quản khoa học thì dầu gấc để được từ khoảng 20 - 30 ngày.
Tuy nhiên, lời khuyên là mẹ nên nấu một lượng vừa đủ, hạn chế tích trữ quá lâu vì lượng vi dưỡng chất trong dầu gấc rất dễ bị hao hụt.
3. Tác dụng của dầu gấc với trẻ em
Trong dầu gấc chứa nhiều vitamin A, E và các loại axit béo, những dưỡng chất đặc biệt cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Một số công dụng tốt từ dầu gấc là:
3.1 Bảo vệ đôi mắt sáng khỏe
Được chiết xuất trực tiếp từ phần thịt gấc cùng lớp màng hạt, nên dầu gấc có chứa lượng lớn vitamin A, thậm chí còn cao hơn nhiều lớn so với cà chua hay cà rốt. Nhóm vitamin này sẽ trực tiếp tham gia hình thành sắc tố ở võng mạc, thúc đẩy tầm nhìn xa của trẻ.
3.2 Cải thiện tình trạng chàm sữa
Tình trạng chàm sữa xuất hiện khá phổ biến ở giai đoạn trẻ 3 tháng tuổi tới 24 tháng tuổi, con sẽ cảm thấy ngứa ngáy, làn da sưng đỏ và đôi khi có nổi mụn nước. Điều này là bởi hàng rào da của trẻ tương đối mỏng, dễ hư tổn - tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm da. Lúc này, hấp thu thêm lượng vitamin E từ dầu gấc là cách giúp mẹ chủ động bảo vệ làn da mềm mỏng của bé, góp phần tăng sinh collagen dưới da, giữ da hồng hào và mịn màng.
3.3 Hoàn thiện chức năng não bộ
Bên cạnh việc các nhóm vitamin thiết yếu, dầu gấc còn được biết đến như một nguồn omega-3 (đặc biệt rất giàu DHA) và omega-6 phong phú. Những dưỡng chất này không chỉ giúp bé lớn nhanh mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển trí não của trẻ, tăng khả năng tiếp nhận và ghi nhớ thông tin tốt hơn.
3.4 Tăng cường sức đề kháng
Nhiều nghiên cứu dinh dưỡng nhận thấy rằng gấc hay dầu gấc cung cấp cho cơ thể bé khá nhiều nhóm chất chống oxy hóa quan trọng, điển hình như lycopen hay beta - carotene. Các nhóm chất này đều có tính kháng viêm, kháng khuẩn vô cùng mạnh, củng cố hệ miễn dịch của trẻ và đảm bảo hình thành lớp "rào chắn" ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh.
Xem thêm: Tuyệt chiêu giúp bé tăng sức đề kháng tại nhà, mẹ không biết quá phí!
4. Sử dụng dầu gấc cho bé ăn dặm như thế nào đúng cách?
Mẹ có thể bổ sung dầu gấc cho bé từ 6 tháng tuổi trở lên - khi con bắt đầu tập làm quen với phương pháp ăn dặm,. Theo đó, khi nấu cháo hoặc bột ăn dặm xong, mẹ cho thêm 1 muỗng nhỏ dầu gấc vào và khuấy đều rồi cho bé thưởng thức.
Song cũng cần lưu ý rằng, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bé, mẹ nên ghi nhớ thực hiện một số khuyến cáo an toàn sau:
- Dầu gấc cho bé ăn dặm chỉ nên sử dụng từ 3 – 4 lần/tuần, với dung tích là 5ml (một muỗng nhỏ). Lạm dụng dầu gấc cho trẻ ăn dặm sẽ dễ khiến trẻ bị thừa vitamin A gây ra các triệu chứng buồn nôn, chóng mặt, đau đầu... Tình trạng kéo dài sẽ dẫn đến các vấn đề về gan, mất kiểm soát hệ thần kinh trung ương.
- Không dùng dầu gấc chung với các thực phẩm giàu vitamin A khác như bí đỏ, cà rốt..., nhằm tránh tình trạng trẻ bị dư thừa vitamin A.
- Hạn chế dùng dầu gấc để chiên hoặc rán thức ăn, vì ở nhiệt độ cao sẽ làm beta carotene có trong dầu gấc bị phá hủy.
Thực tế, cách làm dầu gấc cho bé ăn dặm không hề khó khăn. Mẹ chỉ cần chọn loại được loại gấc chín đều màu, thực hiện đúng quy trình làm dầu gấc là đã có thể tạo ra được loại dầu gấc thơm ngon, đủ dưỡng chất để giúp bé phát triển khỏe mạnh rồi đúng không nào!