Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 11»2»Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Vội ...

Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Vội vàng - Xuân Diệu

Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Vội vàng là một mùa xuân đầy sức sống với cảnh sắc xuân, tình xuân rực rỡ, tươi mới mà bất kì người đọc nào cũng phải đắm chìm trong mùa xuân ấy.

Xem thêm

Vội vàng là bài thơ tràn đầy sắc xuân, tình xuân của thi sĩ Xuân Diệu. Với ông, thiên nhiên độ mùa xuân tràn đầy nhựa sống trong độ xuân thì, cỏ cây rạng ngời, không gian ngập tràn ánh sáng, mùi hương. Quanh quanh là gió mây, bướm ong cứ mãi tình tứ, lả lơi. Tạo ra bức tranh thiên nhiên đặc sắc. Chúng ta cùng đi sâu vào phân tích bức tranh thiên nhiên đầy sắc xuân đó nhé: 


“Đây là lòng tôi đương thời sôi nổi, đây là hồn tôi vừa lúc vang ngân, và đây là tuổi xuân của tôi, và đây là sự sống của tôi nữa tôi đem tặng cho người mấy bài thơ đây”. “Vội vàng” chính là tuyên ngôn về lẽ sống của Xuân Diệu được hiển thị qua đôi mắt nhìn thiên nhiên đắm say, cuồng nhiệt.

Thi sĩ Xuân Diệu – sôi nổi, chân thành và tha thiết với đời 

Cách đây hơn 100 năm, vào ngày 02.02.1916, chàng thi sĩ họ Ngô đã chào đời tại vạn Gò Bồi, làng Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Kết tinh từ mối lương duyên giữa ông đồ Nghệ văn vẻ giỏi giang Ngô Xuân Thọ với cô hàng nước mắm Gò Bồi Nguyễn Thị Hiệp, Xuân Diệu đã thừa hưởng những tố chất của cha mẹ, tâm hồn được vun đắp bởi hương đất tình người Tuy Phước suốt 11 năm đầu tiên của cuộc đời cùng với việc học chữ Nho, chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp với cha. 

Sau này, dù đã ở độ tuổi trung niên, Xuân Diệu vẫn rất hồn nhiên và tự hào khi kể về mối tình của đấng sinh thành:

“Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong.
Ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ
Vượt đèo Ngang, kiếm nơi cần chữ.
Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong.
Hai phía đèo Ngang: một mối tơ hồng.
...
Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong.
Ông đồ nho lấy cô làm nước mắm.”
...                         
(Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong – Xuân Diệu)

Chính cái hương đất, tình người nơi quê cha Hà Tĩnh và quê mẹ Bình Đình đã vun đắp tâm hồn thi sĩ, tạo nên một Xuân Diệu sôi nổi, chân thành và rất mực tha thiết với đời - cái điều mà có lẽ nếu chỉ nhìn Xuân Diệu, ít ai nhận ra. Bởi lẽ, ánh mắt, nụ cười và cả mái tóc nhà thơ nữa cũng chất chứa một nỗi buồn khó tả!

Nếu “chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm” thì chàng Xuân Diệu thuở ấy có lẽ cũng rất đa sầu, đa cảm. Có điều, chàng đã bằng tất cả chân tình tha thiết của một trái tim nồng nàn thổi vào cõi nhân gian này một luồng gió mới của tình yêu. Thơ của chàng cất lên điệp khúc hòa cùng làn gió: “Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non”.

Đôi mắt xanh non ấy khiến ta bỗng yêu đời tha thiết…Bởi đôi mắt xanh non ấy đã nhìn vào cỏ hoa, nhìn vào cõi đời này. Và biến cõi trần gian này thành thiên đường; khiến vạn vật quanh ta rạng ngời xuân sắc, xuân tình.

Cảm nhận bức tranh thiên nhiên sắc xuân, tình xuân rực rỡ, tươi mới trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu 

Tập “Thơ thơ” ra đời năm 1938 với Trăng, Huyền diệu, Yêu, Đây mùa thu tới, Vội vàng, …là tiếng lòng của chàng trai trẻ như chính Xuân Diệu đã viết trong “ Lời đưa duyên”: “Đây là lòng tôi đương thời sôi nổi, đây là hồn tôi vừa lúc vang ngân, và đây là tuổi xuân của tôi, và đây là sự sống của tôi nữa tôi đem tặng cho người mấy bài thơ đây”. Trong đó, “Vội vàng” chính là tuyên ngôn về lẽ sống của Xuân Diệu được hiển thị qua đôi mắt nhìn thiên nhiên đắm say, cuồng nhiệt.

ve-dep-mua-xuan-day-suc-song-trong-bai-tho-voi-vang-xuan-dieu-voh-0
“Vội vàng” chính là tuyên ngôn về lẽ sống của Xuân Diệu được hiển thị qua đôi mắt nhìn thiên nhiên đắm say,
cuồng nhiệt
“Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian” (Thế Lữ).  Ở đó, ta bắt gặp những hình ảnh thật bình dị, quen thuộc: là hoa, là lá, là ong bướm, chim muông, ánh sáng,...Thế nhưng, tất cả đi vào hồn thơ Xuân Diệu bỗng bừng lên một sức sống diệu kì:  

Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,

Nhà thơ như dắt ta lạc vào một khu vườn xuân tươi tắn, rực rỡ để rồi say sưa giới thiệu với du khách cái thiên đường của trần gian. Này là cánh đồng nội xanh rì với cỏ cây hoa lá non tơ, từng đàn bướm ong dập dìu nô đùa trên những luống hoa. Này là khúc hát mời gọi yêu đương của chim muông hòa cùng ánh sáng chói chang, rạng ngời của mùa xuân. Tất cả như đồng loạt bừng thức, phô bày một nhựa sống dạt dào. Cái “xanh rì” của đồng nội như tôn lên vẻ thắm tươi của rừng hoa, cái “phơ phất” khiến cho cành tơ trở nên mềm mại, mượt mà, nhẹ nhàng khi hòa cùng làn gió.

Thế mới nói, thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu thắm thiết một chữ Tình. Và đó cũng chính là cái thần thái trong cách nhìn tạo vật của một nhà thơ vốn “say đắm với tình yêu và hăng hái với mùa xuân, thả mình bơi trong ánh nắng, rung động với bướm chim, chất đầy trong tim mây trời thanh sắc”’.

Thi sĩ mở hồn mình đón nhận vẻ đẹp của vạn vật không chỉ ở thời khắc non tơ nhất, rạng ngời nhất mà còn phải là lúc tình tứ nhất và quyến rũ nhất. Đó là thời khắc vạn vật giao hòa trong men say của ái tình. Ong bướm phải đang trong “tuần tháng mật” của hạnh phúc tràn đầy, yến anh phải đang cất lên khúc nhạc tình yêu mê say, và cái ánh nắng của buổi sớm mùa xuân cũng tình tứ không cưỡng nỗi khi chạm vào ánh mắt thiếu nữ khiến nàng khẽ “chớp hàng mi”,...

ve-dep-mua-xuan-day-suc-song-trong-bai-tho-voi-vang-xuan-dieu-voh-1
Mùa xuân - thời khắc vạn vật giao hòa

Cách nhìn đời qua lăng kính của tình yêu kết hợp với mĩ cảm của một nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh) đã chắp cánh cho Xuân Diệu viết nên những vần thơ đậm chất men say của ái tình, tạo nên một câu thơ tuyệt diệu về mùa xuân: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Một chữ “ngon” chuyển đổi cảm giác thần tình, một cách so sánh vừa lạ vừa táo bạo! Nhà thơ đem một khái niệm vốn trừu tượng thuộc về thời gian (tháng giêng) so sánh với một hình ảnh vốn cụ thể và rất gợi cảm trong tình yêu (cặp môi gần). Tháng giêng - tháng của mùa xuân - bỗng trở nên tình tứ và quyến rũ lạ thường qua lối liên tưởng đậm chất Xuân Diệu. Cái trạng thái ngây ngất trước vẻ đẹp của mùa xuân cũng tựa như cái ngất ngây, lâng lâng, say đắm trong nụ hôn tình yêu! Đây là câu thơ hay nhất, mới nhất cho thấy xúc cảm dạt dào và tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống thiết tha của nhà thơ.

Với Xuân Diệu, trần gian này không chỉ thắm sắc mà còn đượm tình; thi sĩ không nuôi giấc mộng lên tiên nên“đã đốt cảnh bồng lai và xua ai nấy về hạ giới” (Hoài Thanh – Hoài Chân, 1998). Hướng về trần thế, nhà thơ đã thể hiện niềm say mê cuộc sống có khi tha thiết nồng nàn, có lúc mạnh mẽ đến tột cùng, không những đón nhận nó mà còn muốn hòa tan nó theo hơi thở của mình:

Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

Cũng bởi thiên nhiên tràn đầy nhựa sống trong độ xuân thì. Cũng bởi cỏ cây rạng ngời, không gian ngập tràn ánh sáng, mùi hương. Cũng bởi gió mây, bướm ong cứ mãi tình tứ, lả lơi. Và cũng bởi mùa xuân ngon lành và quyến rũ như trái chín ửng hồng khiến nhà thơ say mê đến độ không kìm được cảm xúc mà thốt lên: “ Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!” 

Mùa xuân đã ban phát niềm vui cho tất cả, và Xuân Diệu-nhà thơ của tình yêu ấy-yêu đến say mê, cuồng nhiệt đã giao cảm với đất trời để thấy mình trong đó.

Nói như Thế Lữ (trong Lời giới thiệu cho tập Thơ thơ): “Nhà thi sĩ ấy là một chàng trai trẻ hiền hậu và say mê, tóc như mây vương trên đài trán thơ ngây, mắt như bao luyến mọi người, và miệng cười mở rộng như một tấm lòng sẵn sàng ân ái. Chàng đi trên đường thơ, hái những bông hoa gặp dưới bước chân, những hương sắc nảy ra bởi ánh sáng của lòng chàng. Thơ thơ là cụm đầu mùa chàng tặng cho nhân gian.” Và “Vội vàng” đã đem đến cho độc giả yêu thơ một tặng phẩm rất ngọt ngào và lãng mạn của mùa xuân.

Trên đây là những cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu. Hy vọng qua bài viết này, các em học sinh có thể cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp mùa xuân, bức tranh thiên nhiên sắc tình và cảm nhận rõ nét hơn tình yêu cuộc sống thiết tha của Xuân Diệu. 

Giáo viên biên soạn: Cô Nguyễn Minh Thư

Đơn vị: Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến       

Tác giả: VOH

Bài 60: Soạn bài Nghĩa của câu (tiếp theo)
Bài 62: Soạn bài Thao tác lập luận bác bỏ