Review Ác Linh Trong Xác Mẹ: nặng tôn giáo, lấy cảm hứng từ phim kinh điển

VOH - Ác Linh Trong Xác Mẹ là hồi chuông cảnh báo những vấn nạn mê tín dị đoan trong xã hội.

Hadrah Daeng Ratu là một trong những đạo diễn Indonesia thường xuyên làm phim kinh dị. Sau bộ phim Sijjin (2023), Hadrah hợp tác với Rapi Films để thực hiện Ác Linh Trong Xác Mẹ (Menjelang Ajal) - bộ phim được cho là dựa trên một câu chuyện có thật.

review-ac-linh-trong-xac-me20240711-102043-06
Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật

Quỷ ám vì mê tín dị đoan

Ác Linh Trong Xác Mẹ kể về Sekar (Shareefa Daanish). Sau khi chồng mất, cô mở một quán ăn nhỏ để trang trải cuộc sống và nuôi con. Để việc kinh doanh được thuận lợi, Sekar tìm đến một thầy mo và lập khế ước với quỷ.

review-ac-linh-trong-xac-me20240711-134401-01
Sekar nhờ bà thầy mo làm lễ cầu may mắn

Một ngày nọ, thầy mo đột ngột qua đời khiến con quỷ ký khế ước với Sekar mất đi lễ vật thờ cúng và tìm đến Sekar. Vì thế, Sekar phải đối mặt với hàng loạt những hiện tượng quái dị.

Điển hình là việc thức ăn trong nhà hàng của cô liên tục bị hỏng. Thậm chí, nơi cô kinh doanh còn bốc mùi hôi nồng nặc khiến khách hàng không dám bước vào. Sekar còn bị con quỷ đến đòi mạng, quấy rối gia đình cô.

review-ac-linh-trong-xac-me20240711-134719-24
review-ac-linh-trong-xac-me20240711-133758-05
Đồ ăn bị hỏng và ôi thiu nhanh chóng

Về sau, Sekar bị quỷ dữ ám vào người, khiến cô có những hành vi bạo lực, làm cho hai đứa con Ratna (Caitlin Halderman) và Dodi (Shakeel Fauzi) hoang mang tột độ. Vì quá sợ hãi, Ratna phải cầu cứu anh trai Dani (Daffa Wardhana) quay về giúp đỡ mẹ thoát khỏi linh hồn tà ác.

review-ac-linh-trong-xac-me20240711-134729-29
review-ac-linh-trong-xac-me20240711-134733-03
Dani và Ratna

Sự giao thoa giữa di sản kinh dị toàn cầu và kinh dị Indonesia

Với motif quỷ ám phổ biến trong dòng phim kinh dị. Ác Linh Trong Xác Mẹ lấy cảm hứng từ The Exorcist (Quỷ Ám) - bộ phim kinh dị kinh điển của thời đại. Sự tương đồng giữa hai tác phẩm thể hiện qua nhiều khía cạnh từ bối cảnh thời gian cho đến một số cảnh quay cụ thể.

Đặc biệt, Ác Linh Trong Xác Mẹ thu hút sự chú ý của khán giả và giới phê bình khi khéo léo kết hợp giữa những yếu tố kinh dị quen thuộc của phương Tây và văn hóa đặc trưng của Indonesia.

review-ac-linh-trong-xac-me20240711-135124-01
The Exorcist kinh điển của dòng phim kinh dị

Bối cảnh thời gian

Cả hai bộ phim Ác Linh Trong Xác Mẹ và The Exorcist đều đặt câu chuyện trong khoảng thời gian trước những năm 2000. Việc lựa chọn bối cảnh này tạo ra không khí hoài cổ, đồng thời tránh được khoa học - công nghệ hiện đại để cốt truyện kinh dị truyền thống không bị ảnh hưởng.

review-ac-linh-trong-xac-me20240711-134711-08
Hai bộ phim đều mang nét truyền thống, xã hội cũ

Điều này thể hiện qua việc các nhân vật trong phim sử dụng điện thoại nút bấm để giao tiếp từ xa thay vì những loại điện thoại cảm ứng hiện hành.

Cảnh quay tương đồng

Ác Linh Trong Xác Mẹ còn tái hiện một số cảnh quay mang tính biểu tượng được lấy từ The Exorcist. Trong cả hai bộ phim, chúng ta đều thấy hình ảnh nhân vật bị quỷ ám di chuyển một cách kỳ quái bằng bốn chân, với ngực ưỡn lên trên.

review-ac-linh-trong-xac-me20240711-135430-01
Cách cơ thể quỷ ám di chuyển trong The Exorcist

Cảnh quay này vốn là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của The Exorcist và được tái hiện trong Menjelang Ajal với một chút biến tấu để phù hợp với bối cảnh Indonesia.

Sự tha hóa của nhân vật bị ám

Cả hai bộ phim đều mô tả sự thay đổi đáng sợ trong tính cách và hành vi của nhân vật bị quỷ ám. Họ trở nên bạo lực, hung hăng và hoàn toàn khác biệt so với con người bình thường trước đây.

Sự suy đồi đạo đức không chỉ tạo ra những khoảnh khắc kinh dị mà còn đặt ra những câu hỏi sâu sắc về bản chất của cái ác và sự chiếm hữu tâm linh.

review-ac-linh-trong-xac-me20240711-134813-22
review-ac-linh-trong-xac-me20240711-135625-01
Quỷ ám khiến con người trở nên bạo lực, tha hóa và suy đồi đạo đức

Yếu tố văn hóa đặc trưng

Mặc dù có nhiều điểm tương đồng với The Exorcist nhưng Ác Linh Trong Xác Mẹ vẫn mang đậm bản sắc Indonesia thông qua việc đưa vào những yếu tố văn hóa và tín ngưỡng địa phương.

Bên cạnh đó, bộ phim còn đề cập đến các hiện tượng mê tín phổ biến trong xã hội Indonesia như việc nhờ cậy thầy phù thủy để cầu may mắn trong kinh doanh.

review-ac-linh-trong-xac-me20240711-134021-36
Pocong - một trong những truyền thuyết tâm linh đặc sắc của Indonesia

Đặc biệt, Ác Linh Trong Xác Mẹ đặt trọng tâm vào vai trò của đức tin trong việc đối phó với các thế lực siêu nhiên. Sự xuất hiện của các ustaz (học giả Hồi giáo) trong quá trình giải cứu Sekar phản ánh niềm tin vào sức mạnh tâm linh của các nhà lãnh đạo tôn giáo trong xã hội đương thời.

review-ac-linh-trong-xac-me20240711-133938-33
Cậy nhờ các ustaz thay vì cha xứ

Pocong và tác dụng của trái dừa xanh

Trong văn hóa của người Indonesia, Pocong được xem là một trong những truyền thuyết đô thị đáng sợ nhất, đặc biệt đối với những vùng nông thôn. Lấy bối cảnh những năm 90, hình ảnh Pocong được đưa lên màn ảnh khiến người xem trải nghiệm được cảm giác quen thuộc, tâm linh hơn.

Pocong trong tiếng Indonesia chỉ tấm vải liệm dùng để bọc thi thể trước khi chôn cất. Theo phong tục Hồi giáo, xác chết được quấn vải và buộc dây ở ba vị trí: đỉnh đầu, cổ và bàn chân.

review-ac-linh-trong-xac-me20240711-135947-01
Pocong trong văn hóa tâm linh của Indonesia

Tín ngưỡng cho rằng linh hồn người chết sẽ lưu lại trần gian 40 ngày sau khi qua đời. Sau thời gian này, người thân cần tháo bỏ những dây buộc để giải thoát linh hồn. Nếu không, thi thể có thể biến thành thây ma, nhảy ra khỏi mộ và trở thành Pocong.

Pocong được mô tả với diện mạo ghê rợn như da xanh xao, thân thể khô héo và thối rữa với hai hốc mắt đen sâu thẳm. Chúng thường xuất hiện ở các vùng quê Indonesia.

review-ac-linh-trong-xac-me20240711-140055-01

Việc đưa yếu tố Pocong vào phim tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt đối với khán giả địa phương khi họ nhận ra những yếu tố văn hóa quen thuộc. Sự xuất hiện của Pocong còn làm tăng thêm yếu tố bất ngờ và kinh hãi, đồng thời tạo ra một lớp ý nghĩa văn hóa sâu sắc hơn cho câu chuyện.

Ngoài ra, trong phim còn xuất hiện một kiến thức hoàn toàn mới đối với người xem. Đó là trái dừa xanh - một thứ được xem là khắc tinh của linh hồn tà ác trong văn hóa của người Indonesia.

review-ac-linh-trong-xac-me20240711-140153-01
Dừa xanh non có tác dụng trừ khử ma quỷ

Trong phim, Dani phải tìm một trái dừa xanh còn non ở một cây chỉ có duy nhất một trái và dùng nước dừa để vô hiệu hóa sự ảnh hưởng của con quỷ bên trong cơ thể của Sekar. Song song đó, anh phải cầu xin sự giúp đỡ từ Thánh Allah và chỉ dùng nước dừa nguyên chất, không đường, không tạp chất.

Để có thể loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của quỷ dữ, Dani còn phải lấy thêm đất từ ngôi mộ của bà thầy mo đã chết để rải lên Sekar. Trong quá trình này, Dani phải đối mặt với đàn Pocong ở bãi tha ma khiến anh hoảng loạn.

review-ac-linh-trong-xac-me20240711-134724-25
Đàn Pocong quây quanh Dani tại bãi tha ma

Kỹ thuật điện ảnh và diễn xuất

Hadrah Daeng Ratu thể hiện tài năng đạo diễn thông qua việc sử dụng hiệu quả các cảnh gore (đặc trưng trong kinh dị Indonesia) trong phần kết của bộ phim. Các cảnh kinh dị được xây dựng một cách tinh tế, tạo nên không khí căng thẳng và bất an xuyên suốt buổi chiếu phim.

Yếu tố jump scare trong nửa đầu bộ phim cũng được sử dụng thành công, mang đến không ít lần bất ngờ cho khán giả. Bên cạnh đó, nữ diễn viên Shareefa Danish trong vai Sekar cũng có một màn hóa thân quỷ dữ ấn tượng khiến khán giả không khỏi rùng mình.

review-ac-linh-trong-xac-me20240711-134643-23
Diễn xuất của Shareefa ấn tượng

Sự liên hệ giữa hình ảnh người mẹ và con quỷ đáng sợ được thể hiện một cách thuyết phục, góp phần quan trọng vào sự thành công của bộ phim. Đối với những ai thích phim kinh dị Indonesia, có lẽ đã quá quen thuộc với người phụ nữ sinh năm 1982 này bởi cô thường xuyên đóng vai chính trong các bộ phim thuộc thể loại kinh dị giật gân như Asih (2018).

review-ac-linh-trong-xac-me20240711-134740-04

Thông qua bộ phim, Shareefa không chỉ xuất hiện như một người mẹ yêu thương con cái mà diễn xuất của Shareefa khi quỷ nhập cũng khá cuốn hút. Sự kinh dị của Sekar cũng được hỗ trợ bởi nghệ thuật hóa trang khiến bộ phim càng thêm hấp dẫn đối với khán giả.

Hấp dẫn nhưng không tránh được sạn

Mặc dù có sự thành công nhất định về mặt nội dung, song bộ phim vẫn không tránh khỏi những chi tiết khiến bộ phim trở nên bất hợp lý. Đến cuối, phim vẫn chưa lý giải được nguồn gốc của con quỷ trong xác của Sekar và những tiếng than "nóng".

review-ac-linh-trong-xac-me20240711-134648-28

Một số cảnh quay còn trở thành trò cười cho khán giả như việc con quỷ ôm người bạn của Dani đi mất ngay trước mắt anh mà anh không hề nhìn thấy. Hoặc các diễn viên rên khóc quá nhiều khiến người xem mệt mỏi, não nề.

review-ac-linh-trong-xac-me20240711-095220-12

Tuy nhiên, Ác Linh Trong Xác Mẹ vẫn là một bộ phim kinh dị đáng xem cho bất kỳ ai thích những cảnh hù dọa, máu me hoặc tò mò về văn hóa tâm linh của Indonesia. Bộ phim hiện đang chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc từ ngày 11/07/2024.

Theo dõi voh.com.vn để không bỏ lỡ những thông tin mới nhất về showbiz, phim ảnh, âm nhạc, TV Show... tại chuyên mục Giải trí.