Tấm Cám là câu truyện cổ tích nổi tiếng, nhiều lần được đưa lên màn ảnh với nhiều phiên bản khác nhau. Ở phương Tây, khán giả không thể không biết đến cô nàng lọ lem Cinderella cùng đôi giày thủy tinh huyền thoại hay phiên phản mở rộng Cendrillon (Pháp), Cenerentola (Ý)...
Ở Việt Nam vào năm 2016, hai nàng Tấm, Cám từng ra mắt khán giả trên màn ảnh rộng với tên Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể, do Ngô Thanh Vân sản xuất với sự góp mặt của dàn diễn viên tên tuổi. Thời điểm phim công chiếu, bên cạnh việc nhận về nhiều ý kiến trái chiều thì Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể có doanh thu cao, hơn 66 tỷ so với 22 tỷ chi phí sản xuất.
Nét diễn, thần thái của dàn nhân vật gồm Thái tử (Isaac), Tấm (Hạ Vi), Cám (Ninh Dương Lan Ngọc), Dì ghẻ (Ngô Thanh Vân) hay lối dẫn chuyện tự nhiên, cuốn hút của NSƯT Thành Lộc là điểm nổi bật khó quên, khiến người xem có ấn tượng tốt về tác phẩm này.
Đến năm 2024, câu chuyện về Tấm Cám một lần nữa được nhà làm phim Việt đưa lên màn ảnh rộng, mang một cái tên ngắn gọn, Cám.
Ngay từ khi công bố dàn diễn viên, Cám không tránh khỏi việc bị mang lên bàn cân so sánh cùng Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể. Với hai diễn viên chính trẻ tuổi, không ít khán giả hoài nghi liệu Lâm Thanh Mỹ và Rima Thanh Vy có thoát khỏi cái bóng do Ninh Dương Lan Ngọc và Hạ Vi để lại?
Với tính chất là một bộ phim kinh dị, có nhiều thay đổi trong cốt truyện và cách truyền tải, cùng sự “mát tay” trong cách làm phim của bộ đôi Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân, Cám bước đầu thành công thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả, khiến họ tò mò và trông đợi. Thế nhưng, liệu phim có được như kỳ vọng?
Sự biến hóa khôn lường của các nhân vật và cách diễn từ tròn vai đến tốt ngoài mong đợi
Cám là dị bản kinh dị của truyện cổ tích quen thuộc. Bộ phim vẫn giữ được nhiều chi tiết “bất hủ” như gội đầu - trút tép, hái cau, làm mắm… Đặc biệt, một trong những cái hay của phim đó là cách xây dựng tâm lý nhân vật khác so với những phiên bản trước đó, có u tối, tâm cơ, đan xen cảm xúc phức tạp giữa yêu và ghét.
Một Cám ngây thơ vì bất công mà biến tính
Cám do Lâm Thanh Mỹ đóng có sự khác biệt với nhân vật trong truyện. Không phải là cô Cám hay ganh tỵ, bị mẹ chiều hư đến sinh tật, Cám trong phim của đạo diễn Trần Hữu Tấn là cô gái tội nghiệp, sinh ra với gương mặt dị dạng, bị người đời chê cười, chỉ trích.
Ngay từ khi sinh ra, Cám bị đối xử bất công bởi hình hài không được xinh đẹp của mình. Ông nội và cha luôn xem Cám là nỗi ô nhục của dòng họ, thế nên, số phận của cô là sống chui nhủi, luồn cúi, ngay cả ra ngoài cũng phải đeo khăn che đi gương mặt xấu xí để không bị người đời buông lời sỉ vả.
Cũng vì chịu bao tủi nhục mà càng về nửa sau phim, nhân vật này có sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Đoạn chuyển biến này không khó đoán, nhưng quá trình phát triển tâm lý nhân vật bước đầu thuyết phục được người xem bởi logic và cảm xúc.
Cám là nhân vật nặng về tâm lý. Hầu hết các cảnh quay của nhân vật này đòi hỏi sự sâu sắc trong biểu cảm gương mặt, ánh mắt và bất ngờ, Lâm Thanh Mỹ thể hiện tốt ngoài mong đợi.
Mang trên mình lớp hóa trang đặc biệt và theo như chia sẻ của Lâm Thanh Mỹ, cô gặp không ít khó khăn khi ghi hình vì một bên mắt bị che lại, bị cộm silicon, dù vậy, nữ diễn viên hóa thân trọn vẹn vào nhân vật, tạo nên một Cám gợi được sự đồng cảm, thương xót, có đôi chút đáng sợ và kỳ dị.
Một Tấm mộc mạc nhưng không hề lu mờ
Cùng với Cám, Tấm là nhân vật chính của phim. So với người em cùng cha khác mẹ, cách xây dựng Tấm khá tương đồng với nhân vật trong truyện cổ tích.
Tấm hội tụ đủ mọi yếu tố của một cô nàng “vạn người mê”: xinh đẹp, đoan trang, tính tình hòa nhã, tốt bụng. Mặc em gái không được xinh đẹp, bị cha mẹ đối xử bất công, Tấm vẫn một lòng thương em, chăm sóc và đối xử tử tế như một cách để bù đắp cho em gái.
Ở hai phần ba câu chuyện, vì cách xây dựng tính cách nhân vật bám sát nguyên tác nên có thể khán giả sẽ cảm thấy nhân vật này lu mờ, không có gì nổi bật. Tuy nhiên, sự thay đổi của Tấm ở đoạn cuối phim là cú twist tạo bất ngờ cho người xem.
Hai Hoàng, Dì ghẻ, Bạch Lão - Dàn nhân vật phụ tạo nên kịch tính
Trong nhiều phiên bản trước đó, cha của Tấm Cám thường là nhân vật có thời lượng xuất hiện ít, không đóng góp nhiều vào cốt truyện chính. Thế nhưng, Hai Hoàng (do Quốc Cường đảm nhận) có vai trò quan trọng, là người ảnh hưởng nhiều đến những thay đổi tâm lý của hai nhân vật chính.
Về phong thái, diễn viên Quốc Cường bước đầu thỏa lòng người xem khi mang đến một Lý trưởng co· phong thái đĩnh đạc, nghiêm trang. Gắn liền với Tấm Cám kể từ khi hai nhân vật này còn nhỏ đến lúc trưởng thành, cách Hai Hoàng dạy con, đối nhân xử thế cũng như việc ông nắm giữ bí mật đen tối của dòng tộc tạo nên nhiều nút thắt hấp dẫn cho câu chuyện, đẩy diễn biến phim lên cao, hồi hộp và kịch tính.
Mẹ kế do Thúy Diễm thể hiện cũng tạo được dấu ấn với vẻ lạnh lùng, ác độc. Các chi tiết cho thấy sự đanh đá, “lựa thóc cho ra thóc, gạo cho ra gạo”, sự cay nghiệt của người đàn bà này với con được nữ diễn viên lột tả tròn vai. Thế nhưng, vì thời lượng phim có hạn nên nhân vật mẹ kế không được khai thác hết tiềm năng của mình, từ đó, khán giả vẫn chưa thấy hết được khả năng diễn xuất của Ngọc Diễm.
Bạch Lão là nhân vật hoàn toàn mới trong phim, một con quỷ với ham muốn trường sinh, lập nên giao kèo kéo dài qua nhiều thế hệ của trưởng làng. Sự sáng tạo trong phục trang, hóa trang và kỹ xảo đã tạo nên Bạch Lão ám ảnh người xem. Bên cạnh đó, lối diễn ma mị từ dáng đi, cách nói của NSƯT Hạnh Thúy là những yếu tố tạo nên sự thành công của nhân vật này.
Cách đây 1 năm, NSƯT Hạnh Thúy từng làm người xem “rợn người” với cách diễn Thị Lam trong Tết Ở Làng Địa Ngục. Khi đó, sự đau khổ của người đàn bà mất chồng, sự điên dại của người phụ nữ bị tà thuật điều khiển được NSƯT Hạnh Thúy thể hiện thuyết phục, tạo nên dấu ấn khó quên trong lòng khán giả. Sang Cám, nữ diễn viên tiếp tục không làm người xem thất vọng với cách diễn một nhân vật nửa người, nửa quỷ, tràn ngập tham vọng và hiểm ác của mình.
Đáng tiếc, Bạch Lão rơi vào cùng trường hợp với mẹ kế của Thúy Diễm. Sự hạn chế về thời lượng đã không thể khai thác hết bản chất đáng sợ của nhân vật, khiến cho Bạch Lão dù có mới, có lạ nhưng người xem vẫn cảm thấy chưa đủ.
Giữ được thế mạnh về hình ảnh, tận dụng và quảng bá tốt các chi tiết về văn hóa dân gian
Ngay từ giai đoạn quảng bá, Cám được biết đến như một tác phẩm có sự nghiên cứu tỉ mỉ về phục trang, bối cảnh, lịch sử và khi được đưa lên màn ảnh rộng, phim không làm người xem thất vọng với sự chỉn chu trong trang phục, đạo cụ, bối cảnh đậm nét đẹp dân gian.
Lấy vùng đất Quảng Trị làm bối cảnh chính, Cám cho khán giả thấy nét đẹp bình dị, thơ mộng nhưng ẩn nấp chút kinh dị, bí hiểm phù hợp với thể loại mà phim đang khai thác.
Xét về trang phục, sự đa dạng trong chất vải, thiết kế và màu sắc giúp thể hiện rõ tầng lớp, địa vị của các nhân vật trong phim. Tổng thể phục trang là sự kết hợp hài hòa về màu sắc, tôn lên khí chất của nhân vật, người thì uy nghiêm, giàu sang, người thì bần cùng, khổ cực.
Riêng Cám do Lâm Thanh Mỹ đảm nhận, nhân vật này khiến người xem khó quên với khuôn mặt dị dạng, được hóa trang kỳ công. Được biết, lớp hóa trang của nữ diễn viên mất 1 tiếng để hoàn thành trước khi lên hình, mỗi mặt nạ tốn gần 2000 USD kinh phí và trong toàn tác phẩm, có đến 19 mặt nạ như thế được sử dụng (vị chi gần 1 tỷ đồng chi phí hóa trang cho Cám).
Âm thanh, hiệu ứng - con dao hai lưỡi
Tương tự như bao phim kinh dị khác, Cám tận dụng lợi thế của hiệu ứng âm thanh để tăng tính kinh dị, giật gân cho câu chuyện. Những màn hù dọa được khéo léo lồng ghép, khiến khán giả phải thót phim khi theo dõi. Thế nhưng, đôi khi phần hiệu ứng bị lạm dụng, khiến phim trở nên “ồn ào” một cách đáng tiếc.
Bên cạnh đó, dù có sự biến tấu trong cốt truyện và cách xây dựng nhân vật là điểm sáng nhưng cách sắp xếp cảnh quay, chuyển cảnh đôi lúc thiếu sự liền mạch, làm cho câu chuyện bị rời rạc, dài dòng.
Tổng kết
Xét về nỗ lực mang đến một bộ phim kinh dị chất lượng, thể hiện được nét đẹp văn hóa dân gian, Cám nhìn chung đáp ứng được tham vọng đã đề ra ban đầu. Thêm vào đó, sự sáng tạo so với câu truyện gốc cũng là điều không thể phủ nhận. Thế nhưng, vẫn có nhiều tình tiết phim không thuyết phục được khán giả khó tính.
Với kinh phí hơn 1 triệu USD, cùng chờ đón xem liệu Cám có thành công thu hồi vốn và bùng nổ về mặt doanh thu không bạn nhé! Phim điện ảnh Cám khởi chiếu từ ngày 20/9/2024 tại các rạp trên toàn quốc.
Theo dõi voh.com.vn để không bỏ lỡ những thông tin mới nhất về showbiz, phim ảnh, âm nhạc, TV Show... tại chuyên mục Giải trí.