Bait là gì? Người dùng cắn bait trên Facebook, Instagram, Tiktok thì sẽ hành xử ra sao?

(VOH) – Gần đây từ ‘bait’ đang trở nên khá thông dụng trên mạng xã hội, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu bait là gì. Hãy cùng tìm hiểu về trend mới của giới trẻ qua bài viết sau nhé.

Khi nghe đến từ thả thính, ắt hẳn bạn sẽ hiểu ngay nó nghĩa là gì đúng không. Thế nhưng bạn có biết thả ‘bait’ là gì hay không? 

1. Bait là gì?

Trên thực tế, bait chỉ đơn thuần là một danh từ trong tiếng Anh, bait được dịch nghĩa sang tiếng Việt là ‘mồi câu cá’. Tuy nhiên, với tư duy phong phú và khả năng tạo trend cực nhanh, giới trẻ Việt Nam đã biến hóa từ ‘bait’ sang một nghĩa khác. Vậy bait là gì?

Ta có thể hiểu rằng, từ bait đang được sử dụng như một từ lóng, mang ý nghĩa gần giống với từ gốc. Thế nhưng thay vì câu cá thì ở đây, bait sẽ là mồi nhử để thả thính lẫn nhau.

Theo từ điển Cambridge, danh từ bait có thể được dùng để nói hoặc đưa ra gợi ý, khiến mọi người phản ứng lại một cách cụ thể. Ví dụ như:

bait-la-gi-voh-1
  • Free holidays were offered as (a) bait to customers.
    Tạm dịch: Ngày nghỉ miễn phí được cung cấp như một mồi nhử dành cho khách hàng.
  • I told my sister I'd lend her my new shirt if she let me borrow her jacket, but she didn't take the bait.
    Tạm dịch: Tôi đã nói với em gái rằng, tôi sẽ cho con bé mượn chiếc áo sơ mi mới của mình nếu như con bé cho tôi mượn áo khoác của nó, thế nhưng nó không cắn câu.

Ở Việt Nam các bạn trẻ cũng dùng từ ‘bait’ theo hướng gần với nghĩa trên, và thường được dùng trong việc tán tỉnh. Từ lóng này thường được gắn liền với cụm từ ‘thả bait’, ‘cắn bait’, 'dính bait', đây là cách để thay thế cho các từ thả thính hay cắn thính thông thường.

Nguồn gốc của từ bait xuất hiện từ khi nào hiện vẫn chưa có thông tin chính xác. Một số người cho rằng, cụm từ này có thể xuất phát từ trong truyện tranh, sau đó được người dùng mạng xã hội Facebook sử dụng và lan truyền rộng rãi.

Xem thêm: Làm thế nào để né thính khi hoạt động trên mạng xã hội

2. Khái niệm bait là gì trên Facebook?

Mạng xã hội Facebook luôn là nơi thịnh hành các từ ngữ độc lạ và ‘bait’ chỉ là một ví dụ điển hình. 

Khi lướt Facebook, bạn sẽ thấy từ ‘bait’ thường xuất hiện trong các bình luận, các bài đăng gây hài trên fanpage hoặc ngay trên chính status của các bạn trẻ. Từ này được các bạn trẻ dùng như một cách để thả thính đầy vui nhộn, làm câu nói của mình trở nên tây và hài hước hơn. Dụng ý của từ bait thường là để gợi ý người khác nhắn tin hay trò chuyện với mình. 

Với các bạn trẻ vẫn đang độc thân, họ sẽ thường xuyên đăng tải những hình ảnh hoặc status đầy tính thả thính, và ở đó ‘bait’ được dùng thay cho ‘thính’.

bait-la-gi-voh-2

Ngoài ra trong một số trường hợp, bait còn được sử dụng khi bạn muốn giả nai, vờ như không hiểu hoặc tỏ vẻ ngây thơ. Những từ được dùng để chỉ hành động này có thể kể đến như: “Có mùi bait đâu đây”, “Cẩn thận dính bait”… Những hành động giả vờ ngây thơ này nhằm mục đích câu like, thu hút bình luận và phản ứng của cư dân mạng.

Tuy những câu status ‘thả bait’ này khá hài hước, nhưng không phải ai cũng có khiếu để viết những câu ‘thả bait’ đúng nghĩa. Việc ‘thả bait’ thành công hay không còn phụ thuộc nhiều vào tính cách, ngoại hình và cả cách nói chuyện của chính chủ tus.

Mục đích cơ bản của những người thích đi ‘thả bait’ đều là để thu hút sự chú ý, câu like hoặc đôi khi là châm ngòi võ mồm giữa các anh hùng bàn phím. Việc này cũng không quá khó hiểu, bởi lẽ cư dân mạng bây giờ thực sự đều còn rất trẻ, dễ bị khiêu khích trong các group, fanpage nội dung liên quan đến giới trẻ như game, anime… Đôi khi chỉ cần một vài câu nói vu vơ mang tính công kích, hoặc đơn giản là cố ý gây chia rẽ đã đủ để các bạn trẻ sôi sục, bắt đầu gây gổ với nhau.

Sẽ không khó để nhìn thấy những bình luận đầy tính khiêu khích như: “Tuy tôi không phải fan của bạn này, nhưng nói thật không phải là bạn ấy quá may mắn à. Nào có vất vả như nhóm X.” Tuy nghe qua thì không đến mức quá đáng, thế nhưng trong trường hợp X là nhóm đối thủ của bạn này thì câu nói trên sẽ mang hàm ý hoàn toàn khác. Miễn là có thể kích thích, gây xung đột cho đôi bên thì có nghĩa là người ‘thả bait’ này đã hoàn toàn thành công rồi.

Xem thêm: Giải mã Stan là gì, vì sao fan hâm mộ Kpop nào cũng biết?

3. Click bait là gì?

Clickbait không phải là một khái niệm mới, thế nhưng nhiều người vẫn chưa biết nó nghĩa là gì. Bởi lẽ hầu như chỉ những người làm trong ngành truyền thông hoặc Marketing mới hay sử dụng từ này.

Nói một cách đơn giản, Clickbait là một phương pháp nhằm kích thích sự tò mò, khiến người đọc nhấn ngay vào đường dẫn hoặc một hình ảnh nào đó. Phương pháp này thường được sử dụng khi đặt tiêu đề gây sốc, giật tít câu view, tuy nhiên không phải lúc nào nội dung cũng giống như tiêu đề, thậm chí còn hoàn toàn khác hẳn.

Dù phương pháp này rất được giới truyền thông ưa chuộng, nhưng lại thường bị người dùng phản đối vì nhiều lý do. Phần lớn là bởi vì những tiêu đề gây sốc và nội dung khác biệt này sẽ khiến người dùng cảm thấy lãng phí thời, đôi khi còn đọc phải những tin tức sai lệch, không đúng sự thật. 

bait-la-gi-voh-3
‘Clickbait’ có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau

‘Clickbait’ có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như dạng chữ, dạng hình ảnh và cả video âm thanh. Ví dụ điển hình như đoạn quảng cáo ‘Nhà tôi ba đời....’ xuất hiện nhan nhản trên Youtube. 

Mục đích chính của chiêu trò ‘Clickbait’ là nhằm thu hút khách hàng, giữ chân khách hàng ở trên nền tảng của mình lâu hơn, hoặc là kích thích người dùng nhấn mở nhiều đường dẫn hơn. Dẫu sao thì những gì họ quan tâm là lợi ích của mình, chứ không hề để ý tới trải nghiệm của người dùng ra sao.

Xem thêm: Hiện tượng nhìn thấy tương lai hay chỉ là ảo giác Deja vu?

4. Waifu Bait là gì?

Hiểu một cách đơn giản thì Waifu chính là cách phát âm của từ Wife (Vợ) trong tiếng Nhật. Bởi lẽ âm giọng của người Nhật thường nặng hơn bình thường, hơn nữa họ luôn dùng cách phát âm ‘Nhật’ để đọc tiếng Anh, vì thế wife mới được phát âm thành Waifu.

bait-la-gi-voh-4
‘Waifu’ được dùng để chỉ tình cảm đặc biệt dành cho nữ nhân vật trong truyện tranh

Ngoài ra, ‘Waifu’ còn được dùng để chỉ tình cảm đặc biệt dành cho nữ nhân vật trong truyện tranh, hoạt hình, hay trò chơi điện tử. Cách gọi này bắt nguồn từ một cuốn truyện tranh có tên: Azumanga Daioh.

Chính bởi vậy, từ ‘Waifu Bait’ đã được hình thành và dần dần trở nên thịnh hành trong cộng đồng yêu anime. Ý nghĩa của từ này chính là chỉ hình mẫu lý tưởng, là người bạn gái hoàn hảo trong mơ của các chàng trai. Tuy nhiên người ‘bạn gái’ này chỉ là các cô bạn 2D trên màn hình hoặc sách truyện mà thôi. 

Xem thêm: 'Cảnh báo' trào lưu ‘be like me’ khiến bạn và mọi người phải cười bể bụng

Trên đây là bài viết tổng quan về khái niệm bait là gì, và cách mà nó được sử dụng trên các trang mạng xã hội. Hy vọng bạn đã có được cái nhìn rõ nét về việc ‘thả bait’, và hãy lưu ý rằng chỉ nên dùng từ bait đúng nơi đúng chỗ. Đừng sử dụng ‘bait’ sai cách kẻo sẽ gây nên những tranh cãi không cần thiết bạn nhé.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet