Dân gian có câu: "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam", ngụ ý rằng, ngữ pháp tiếng Việt rất khó, bởi sự trúc trắc vần điệu, những "thiên biến vạn hóa" của câu từ. Một bằng chứng về độ "xoắn não" của tiếng Việt chính là từ "kiêu sa" và "kiêu xa". Chỉ cần thay đổi âm "s" và "x" cũng khiến hàm ý của câu thay đổi. Trong bài viết sau, hãy cùng VOH tìm hiểu về cách sử dụng đúng của hai từ này.
Kiêu sa là gì?
Theo Từ điển tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ Điển Học - 2003) giảng: "kiêu sa (tính từ) (người phụ nữ) đẹp và kiêu hãnh. Vẻ đẹp kiêu sa.”
Như vậy, "kiêu sa" là một tính từ dùng để nói lên vẻ đẹp của người phụ nữ. Họ vừa hãnh diện về sắc đẹp trời cho lẫn về trang phục, phụ kiện và mỹ phẩm mình dùng để tôn thêm sắc đẹp đó.
Một số từ đồng nghĩa với "kiêu sa" như: sang trọng, quý phái, xinh đẹp, quyến rũ...
Ví dụ:
- Ngẩn ngơ trước vẻ đẹp kiêu sa của nữ minh tinh Hollywood.
- Cô gái ấy có vẻ đẹp kiêu sa, thu hút mọi ánh nhìn.
Ngoài chỉ người người phụ nữ đẹp, hiện nay, từ "kiêu sa" còn được sử dụng để nói đến vẻ đẹp của động vật, thực vật...
Ví dụ:
- Vẻ kiêu sa của những loài hoa đẹp nhất thế giới.
- Chim thư ký - loài chim kiêu sa nhất thế giới.
Xem thêm:
Lemỏn là gì mà lại trở thành viral trên mạng xã hội?
Tự phụ là gì? Tính tự phụ sẽ mang tới tác hại như thế nào?
ATSM là gì? Vì sao không nên chọn sống ATSM?
"Kiêu sa" hay "kiêu xa", đâu là từ viết đúng chính tả?
Ngày nay, chúng ta thường thấy từ "kiêu sa" xuất hiện trên các mặt báo, văn bản cũng như trong giao tiếp hằng ngày. Vì vậy, nhiều người khi thấy từ "kiêu xa" sẽ cho rằng, đây là cách viết sai chính tả. Vậy "kiêu sa" hay "kiêu xa" mới đúng chính tả (cách viết chữ được coi là chuẩn)?
Để xác định, trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của từ "kiêu xa".
Trong cuốn Từ điển tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ Điển Học - 2003), "kiêu xa (tính từ; cũ; ít dùng): kiêu căng và xa xỉ.".
Theo đó, đây là một từ cũ, ít dùng, chỉ sự kiêu ngạo, khoe khoang. Từ này mang ý nghĩa xấu. Nếu ai đó bị cho là "kẻ kiêu xa", tức họ đang bị chê bai là người kiêu căng, xa xỉ. "Kiêu xa" có thể dùng cho cả nam và nữ.
Một số từ đồng nghĩa với "kiêu xa" như: chảnh chọe, kiêu căng, kiêu kỳ (làm ra vẻ hơn người, trở thành có vẻ khác người một cách giả tạo)...
Ví dụ:
- Được sinh ra là con nhà giàu nên anh ta rất kiêu xa.
- Những cô tiểu thư con nhà giàu thường kiêu xa.
Học giả An Chi trong "Kiến thức ngày nay" đã chỉ ra rằng, "kiêu sa" vốn là do "kiêu xa" viết lệch chính tả mà thành.
Các tư liệu trước đây chỉ ghi nhận “kiêu xa" chứ không ghi nhận “kiêu sa". Chẳng hạn:
- Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức giảng: "kiêu xa: kiêu căng xa xỉ. Con nhà phú quý quen thói kiêu xa". Trong tư liệu này không ghi nhận "kiêu sa".
- Tự điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí (Saigon - 1971) định nghĩa: "kiêu xa (tt) kiêu kỳ xa xỉ". Không có “kiêu sa".
- Việt Nam từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức biên soạn, được ấn hành năm 1931 có giải thích: "kiêu xa /驕 奢/ kiêu căng xa xỉ. Con nhà phú quý quen thói kiêu xa." Không có từ "kiêu sa".
Có thể thấy ban đầu, chỉ có từ "kiêu xa" với nghĩa "kiêu căng xa xỉ". Trong đó, "kiêu" là "tự cho mình hơn người, tự cao" và "xa" là "xa hoa, xa xỉ". Về sau, "kiêu xa" biến âm thành "kiêu sa" nghĩa là "đẹp, kiêu hãnh".
Như vậy, "kiêu sa" và "kiêu xa" đều có nghĩa. Vì vậy, tùy vào từng ngữ cảnh mà bạn lựa chọn sử dụng từ phù hợp. Qua đó có thể thấy, tiếng Việt rất giàu và đẹp. Mỗi chúng ta cần phát huy bản sắc tinh hoa, giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt, văn hóa Việt nhằm góp phần khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.