Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Những danh ngôn, câu nói nổi tiếng của Quản Trọng về tư tưởng trị quốc

(VOH) - Quản Trọng được xem là người tài hiếm có trong lịch sử Trung Quốc. Hơn thế, những câu nói hay của Quản Trọng về dùng người và và trị quốc vẫn còn giá trị đến ngày nay.

Là người đưa nước Tề trong thời Xuân thu trở nên hùng mạnh, Quản Trọng đã trở thành một tượng đài vĩ đại được Tề Hoàn Công và các bậc cao nhân lúc bấy giờ nể trọng và tôn kính. Dưới đây là tổng hợp những câu nói hay của Quản Trọng mà qua đó bạn có thể thấy được một bộ óc thiên tài về quân sự, chính trị của ông.

1. Quản Trọng là ai?

Quản Trọng (chữ Hán: 管仲) sinh năm 725 TCN mất năm 645 TCN, là một nhà chính trị, quân sự và tư tưởng thời Xuân Thu chiến quốc. Ông là người Dĩnh Thượng (nay là huyện Dĩnh Thượng, tỉnh An Huy), là hậu duệ của Chu Mục vương.

Gia cảnh nghèo khó nhưng tài năng hơn hơn người nên Quản Trọng được Bào Thúc Nha tiến cử làm quan.

Nhờ sự giúp đỡ của Bào Thúc Nha mà ông đã trở thành người phò tá cho Công tử Củ, còn Bào Thúc Nha phò tá cho Công tử Tiểu Bạch. Sau khi Tề Vô Tri lên ngôi, Công tử Củ phải lánh nạn sang nước Lỗ còn Công tử Tiểu Bạch phải đi tới nước Lã, cùng chờ thời cơ cướp lấy ngôi vua.

Không lâu sau thì Tề Vô Tri bị giết, cả hai vị công tử liền lên đường về nước để cướp lấy ngôi vua. Khi vô tình chạm mặt nhau, Quản Trọng vì muốn Công tử Củ làm vua nên đã bắn một mũi tên vào Công tử Tiểu Bạch. Tuy nhiên Công tử Tiểu Bạch chẳng những không chết mà còn trở về nước, kế thừa ngôi vị trở thành vua nước Tề - tức Tề Hoàn công.

Ngay sau đó, Tề Hoàn công liền thông báo cho nước Lỗ giết chết Công tử Củ và bắt giam Quản Trọng. Ông còn ban cho Bào Thúc Nha chức vị Thừa tướng, tuy nhiên Bào Thúc Nha lại nghĩ năng lực của bản thân chưa thật sự xuất sắc nên đã tiến cử Quản Trọng. 

Bởi vì mối thù bắn tên khi xưa nên Tề Hoàn công cho rằng ông không thể nào dùng Quản Trọng được. Bào Thúc Nha liền đáp “Dĩ nhiên vì Công tử Củ, ông ta đã bắn quân thượng, bây giờ nếu quân thượng trọng dụng ông ấy, ông ấy sẽ vì quân thượng mà đem mũi tên đó bắn cả thiên hạ!”. Điều này đã khiến Tề Hoàn công thay đổi cách nhìn đối với Quản Trọng.

Ngay khi lên làm Tể tướng, Quản Trọng đã tiến hành cải cách nước Tề theo nhiều mặt. Về chính trị, ông chia đất nước thành nhiều làng, mỗi làng sẽ tập trung vào một lĩnh vực thương mại riêng. Ông xóa bỏ hình thức thu thuế dựa vào giai cấp quý tộc và áp dụng tiền thuế trực tiếp tới mỗi đơn vị làng xã. 

Ông chia dân số thành bốn nhóm: quan chức, nông dân, thợ thủ công và thương nhân. Sau đó, ông đã thiết lập các phương pháp đào tạo và chọn người tài mới một cách hiệu quả và chuyên nghiệp.

Về kinh tế, Quản Trọng đưa ra một biểu thuế thống nhất. Ông còn khuyến khích người dân tích cực sản xuất muối và sắt bằng cách sử dụng nguồn lực nhà nước; các nhà sử học thường cho Quản Trọng là người đề xướng ra sự độc quyền nhà nước về hai mặt hàng này. 

Từ khi Quản Trọng lên làm Tể tướng, nước Tề trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết, Tề Hoàn công dưới sự giúp đỡ của ông cũng được tôn làm đứng đầu Ngũ bá.

Tổng hợp những câu nói hay của Quản Trọng 1
Quản Trọng (725 TCN - 645 TCN)

Xem thêm: 
Những câu nói hay của Khổng Tử dạy người quân tử cách sống ở đời
50 Câu nói hay của Lão Tử về nhân sinh trong Đạo Đức Kinh
Những câu nói hay của Khổng Minh Gia Cát Lượng

2. Những câu nói hay của Quản Trọng về tư tưởng trị quốc

Là một nhà chính trị, quân sự tài ba nên những câu nói của Quản Trọng luôn được người đời cảm phục bởi trí thông minh và tài lãnh đạo xuất chúng của ông. Dưới đây là một số câu nói hay của Quản Trọng về tư tưởng trị quốc thông qua cuộc đối thoại với vua Tề Hoàn Công (dựa theo tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc - tác giả Phùng Mộng Long) mà bạn có thể đọc và suy ngẫm.

1. Tề Hoàn công hỏi: “Muốn chỉnh đốn lại giềng mối thì phải làm điều gì?”

Quản Trọng trả lời: “Lễ, nghĩa, liêm, sỉ là bốn điều cốt yếu trong nước, nếu bốn điều ấy không giữ được thì tất phải mất nước. Nay chúa công muốn chỉnh đốn lại giềng mối thì nên giữ lấy bốn điều ấy mà trị dân thì kỷ cương được lập mà thế nước sẽ mạnh vậy.”

2. Tề Hoàn công hỏi: “Làm thế nào để trị dân?”

Quản Trọng trả lời: “Muốn trị dân thì trước hết phải yêu dân”

3. Tề Hoàn công hỏi: “Yêu dân thì phải làm thế nào”

Quản Trọng trả lời: “Công hầu thì chỉnh đốn công tộc, dân chúng thì sửa sang gia tộc, có việc cùng lo, có lộc cùng hưởng, thì dân thân ái với nhau. Tha tội lỗi cũ, sửa tôn ti xưa, lập lại cho người vô hậu, thì dân đông đúc vậy. Bớt hình phạt, giảm thuế má, thì dân giàu mạnh vậy. Dùng người hiền sĩ, mở mang giáo hóa trong nước, thì dân có lễ nghĩa vậy. Ban lệnh ra rồi không sửa đổi nữa, thì dân nghiêm túc tuân theo vậy. Đó chính là cái đạo yêu dân”

4. Tề Hoàn công hỏi: “Đã làm theo đạo yêu dân rồi thì cái đạo coi dân lại như thế nào?”

Quản Trọng trả lời: “Sĩ, nông, công, thương gọi là tứ dân, nên nghĩ cách mở mang, khiến cho tứ dân đều giữ được nghề nghiệp, như thế thì dân yên”

Tổng hợp những câu nói hay của Quản Trọng 2

5. Tề Hoàn công hỏi: “Dân đã yên rồi nhưng giáp binh không đủ thì làm như thế nào”

Quản Trọng trả lời: “Muốn đủ giáp binh thì hình pháp nên đặt lệ cho chuộc: tội nặng thì cho chuộc một cái tê giáp, tội nhẹ thì cho chuộc 1 cái quy thuẫn, tội nhỏ thì cho nộp kim khí, tội nghị thì tha, 1 còn kẻ nào tụng lý tương đối thì bắt nộp một bó tên rồi cho hòa. Thu được những kim khí ấy thì loại tốt đem thúc các đồ giap binh dùng cho quân mã, loại xấu đem đúc các loại nông cụ cày cuốc, dùng vào việc nông trang.”

6. Tề Hoàn công hỏi: “Giáp binh đã có rồi nhưng của dùng không đủ thì làm thế nào?”

Quản Trọng trả lời: “Khai mỏ để đúc tiền, nấu nước bể để làm muối, cho lợi chung cả thiên hạ. Lại thu bao nhiêu những hàng hóa của thiên hạ, buôn để 1 chỗ, đợi dịp cao mà bán ra để lấy lãi; làm ba trăm nhà nữ lư cho các khách buôn bán đi lại tụ họp ở đó, để mà đánh thuế, như thế thì của dùng phải đủ.”

7. Tề Hoàn công hỏi: “Của dùng đã đủ nhưng quân lính còn ít, thế lực không mạnh thì làm như thế nào?”

Quản Trọng trả lời: “Quân không cần nhiều, cốt cần phải tinh nhuệ; mạnh không vì sức, cốt vì ở bụng nghĩ. Nay chúa công chỉnh đốn đội ngũ, sửa sang giáp, binh thì mình hơn gì người ta được. Nếu chúa công muốn cho quân mạnh thì phải mặt ngoài giấu tiếng mà mặt trong chỉnh đốn thực sự, tôi xin làm phép nội chính mà kỳ thực là ẩn dùng phép quân lệnh trong đó.”

8. Tề Hoàn công hỏi: “Phép nội chính như thế nào?”

Quản Trọng trả lời: “Phép nội chính là chia trong nước ra làm 21 hương, thì 6 là lo nghề công thương, còn 15 là lo lấy. quân lính. Công thương sẽ đủ tiền của, quân lính sẽ đủ số người.”

9. Tề Hoàn công hỏi: “Làm sao để quân lính đủ người?”

Quản Trọng trả lời: 

“Cứ 5 nhà làm một quỹ, đặt chức quỹ trưởng. Mười quỹ là 1 lý, đặt chức hữu ty. 4 lý là 1 liên, liên có liên trưởng. 10 liên là 1 hương, hướng chọn ra chức lượng nhân. Ta lấy đó làm quân lệnh: 5 nhà làm 1 quỹ, lấy ra 5 người làm 1 đội, do quỹ trưởng đứng đầu. 10 quỹ là 1 lý, thì có 50 người làm 1 tiểu nhung, do hữu ty của lý dẫn đầu. Bốn lý làm 1 liên, thì 200 người biến thành 1 tốt, do liên trưởng dẫn đầu. 10 liên làm 1 hương, thì 2000 người làm một lữ, do lương nhân của hương dẫn đầu.

Như vậy thì năm hương lập thành 1 đội quân - vạn người, do hương sự của năm hương thống lĩnh, 15 hương là đủ 3 cánh quân. Chúa công năm giữ 1 cánh quân, họ Cao, họ Quốc mỗi nhà 1 cánh quân. Khi bốn mùa thong thả rảnh rỗi thì luyện tập săn bắn. Xuân gọi là sưu để săn những loài thú chưa có mang; hạ gọi là miêu để trừ các giống gây hại cho ngũ cốc, thu gọi là tiền làm việc sát phạt cho thuận khí mùa thu đông gọi là thú, vây bủa săn bắn để bố cáo thành công, lấy đó để dân chúng luyện tập việc võ.

Như vậy thì quân ngũ được chỉnh đốn ngay ở làng xóm, mà quân lữ được rèn giũa ngoài giao dã, lệnh ở trong đã thành, thì không thay đổi nữa. Người trong từng ngũ cùng chung họa phúc hoạn nạn, người người thân hữu với nhau, nhà nhà thân hữu với nhau, đời đời cùng ở, từ nhỏ cùng chơi.

Như vậy thì đánh nhau ban đêm, chỉ tai nghe tiếng nhau cũng đủ để không lầm, đánh nhau ban ngày, chỉ mắt trông thấy nhau quen cũng đủ để không chạy, sự thân yêu nhau đủ để cùng sống chết. Ở thì chung vui, chết thì chúng sầu, thủ thì cùng kiên cố, công thì cùng mạnh mẽ. Có ba vạn người như thế, đủ để dọc ngang thiên hạ vậy.”

10. Tề Hoàn công hỏi: “Binh thế đã mạnh, có nên đi đánh các nước chư hầu không?”

Quản Trọng trả lời: “Chưa nên đi đánh vội, vì nhà Chu chưa che chở mà lân quốc chưa thuận theo! Chúa công muốn đánh các nước chư hầu thì trước hết phải tôn Thiên Tử nhà Chu mà thân với các nước láng giềng mình đã.”

11. Tề Hoàn công hỏi: “Làm sao để các nước chư hầu thuận theo?”

Quản Trọng trả lời: “Bao nhiêu những đất mình xâm lấn của nước láng giềng thì trả cho người ta, rồi đem lễ sang, thăm hỏi, mà mình đừng tham lấy của cải của họ thì các nước chư hầu, nước nào chẳng muốn. giao hiếu với mình. Xin chúa công cho dùng 80 người du sĩ, ban cho họ xe ngựa áo mũ, lại cho người đem hàng hóa vật dụng, đi bán các nước, để dò xem sở háo của người trên kẻ dưới các nước ấy.

Tìm xem nước nào có tội lỗi gì mà đem quân đến - đánh, thì có thể lấy thêm đất. Nước nào có kẻ loạn. tặc cướp ngôi mà đem quân đến đánh thì có thể lập uy. Như thế thì các nước chư hầu, nước nào lại không tin phục nước Tề. Bấy giờ nước . Tề phải chăm lo các nước chư hầu phải phụng thờ thiên tử nhà Chu, bắt chúng phải chăm lo việc triều cống, thì vương thất sẽ tôn trọng nước Tề vậy. Đến khi ấy, thì cái ngôi bá chủ ngày nay, chúa công dâu muốn chối từ cũng không thể được.”

12. Tề Hoàn công hỏi: “Ta muốn theo kế sách nhà ngươi để làm nên cái chí ta, cậy phải dùng nhà ngơi làm tể tướng, sao nhà ngươi lại không nhận?”

Quản Trọng trả lời: “Không phải sức một cây gỗ mà làm nên được cái nhà lớn, không phải sức một dòng nước mà làm nên được các bể lớn, nếu chúa công có chí như vậy thì nên dùng 5 người kiệt sĩ. 

Có tài giao thiệp, biết giữ lễ phép thì tôi không bằng Thấp Bằng, xin cho Thấp Bằng làm đại tự hành. Có tài khai khẩn, biết cách trồng trọt thì tôi không bằng Ninh Việt, xin cho Ninh Việt làm đại tư điền; có tài luyện tập quân sĩ, khiến cho người ta quên chết thì tôi không bằng Thành Phủ, xin cho Thành Phủ làm đại tự mã. 

Có tài xử đoán hình ngục, khiến cho người ta khỏi oan thì tôi không bằng Tân Tu Vô, xin cho Tân Tu Vô làm đại tư lý. Có tính cương trực, thấy điều gì trái tất phải nói ngay, không sợ những kẻ quyền quý, thì tôi không bằng Đông Quách Nha, xin cho Đông Quách Nha làm đại gián quan. Chúa công muốn được cường thịnh thì tất phải dùng 5 người ấy, có 5 người ấy thì tôi hầu hèn mạt, cũng xin cố sức mà vâng mệnh chúa công”

13. Tề Hoàn công hỏi: “Ta có tật hơi thích nữ sắc, điều này có tai hại gì đối với quốc gia không?".

Quản Trọng trả lời: “Không, ham mê nữ sắc không gây tai hại gì cho quốc gia. Không nghe lời khuyên của những người hiền tài mới có hại cho quốc gia và thiên hạ.”

Tổng hợp những câu nói hay của Quản Trọng 3

14. Tề Hoàn công hỏi: “Những điều gì là có hại đến nghiệp bá”

Quản Trọng trả lời: “Không biết người hiền thì hại đến nghiệp bá, biết người hiền mà không dùng thì hại bá nghiệp, dùng mà không chuyên nhậm thì hại bá nghiệp, chuyên nhậm mà lại cho kẻ tiểu nhân lẫn vào thì hại bá nghiệp”

15. Tề Hoàn công hỏi: “Ta mới nối ngôi, không muốn phải chịu cảnh can qua liên tục vào nước mình, nay muốn đánh nước Lỗ trước, phỏng có nên không?”

Quản Trọng trả lời: “ Quân chính chưa định xong, chưa thể dùng được.”

Ngoài ra, trong sách Quản Tử còn lưu truyền câu nói nổi tiếng của Quản Trọng như sau:

Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc,
Thập niên chi kế mạc như thụ mộc.
Chung thân chi kế mạc như thụ nhân,
Nhất thụ nhất hoạch giả, cốc dã.
Nhất thụ thập hoạch giả, mộc dã,
Nhất thụ bách hoạch giả, nhân dã.

Tạm dịch:
Kế một năm, chi bằng trồng lúa,
Kế 10 năm, chi bằng trồng cây.
Kế trọn đời, chi bằng trồng người,
Trồng một, gặt một, ấy là lúa.
Trồng một, gặt mười, ấy là cây,
Trồng một, gặt trăm, ấy là người.

Qua những câu nói hay của Quản Trọng, ta có thể thấy được ông là một bậc vĩ nhân không những túc trí đa mưu giúp Tề Hoàn công xưng bá mà còn thu phục được lòng dân, khiến người người nể phục.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet

Bình luận