Ý nghĩa thành ngữ ‘Quân tử nhất ngôn - Tứ mã nan truy’ là gì?

(VOH) - Thành ngữ ‘Quân tử nhất ngôn - Tứ mã nan truy’ dường như quá quen thuộc với chúng ta. Nhưng liệu bạn thực sự hiểu ý nghĩa của câu thành ngữ này chưa?

Cuộc sống là để sống, vì thế hãy sống sao cho thật trọn vẹn. Phải sống sao cho mỗi ngày trôi qua đều thật ý nghĩa, và để lại “tiếng thơm” cho đời để không lãng phí một cuộc dạo chơi chốn nhân gian. Vì vậy, thành ngữ “Quân tử nhất ngôn tứ mã nan truy” là bài học về đạo đức, và nhân phẩm bắt buộc mỗi người đều phải ghi nhớ.  

1. Giải thích thành ngữ “Quân tử nhất ngôn - Tứ mã nan truy” 

Chắc hẳn, những bạn yêu thích phim cổ trang Trung Quốc sẽ thường xuyên nghe đến câu “Quân tử nhất ngôn - Tứ mã nan truy”. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay ý nghĩa của câu thành ngữ này nhé! 

1.1 “Quân tử nhất ngôn” là gì?

Trong tiếng Trung, “Quân tử nhất ngôn” là 君 子 一 言 (phiên âm: jūn zǐ yì yán).

  • 君 子: quân tử, con vua
  • 一 : một hay còn gọi là nhất
  •  言 : ngôn từ

Theo đó, “quân tử” có thể hiểu là con vua, hoặc người có khí chất cao minh, đức độ giống như vua. Bên cạnh đó, quân tử cũng ý chỉ những người hội tụ đủ năm đức tính gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. 

quan-tu-nhat-ngon-voh-1

Dựa trên quan điểm tư tưởng Nho giáo trước đó, quân tử chỉ dùng để nhắc về người đàn ông. Tuy nhiên, ngày nay quan niệm ấy dần thoáng hơn, không phân biệt giới tính khi sử dụng. Thay vào đó, quân tử được hiểu là người tử tế, biết cách đối nhân xử thế. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ vẫn giữ chuẩn mực đạo đức, không để nhân cách bị tha hóa. Bậc quân tử sẽ sẵn sàng giúp đỡ những người người yếu thế hơn mình, không cần trả ơn. 

“Nhất ngôn” được hiểu là nói một lời duy nhất, không thay đổi ý kiến. Như vậy, “Quân tử nhất ngôn” có nghĩa là người tử tế, chỉ nói một lời và giữ đúng lời hứa, cũng như chữ tín cho tất cả những lời nói và hành động của chính mình. 

1.2 “Tứ mã nan truy” là gì? 

Trong tiếng Trung, “Tứ mã nan truy” là 驷马难追 (phiên âm: Sìmǎ nán zhuī). 

  • 驷马: xe tứ mã (4 con ngựa kéo). 
  • 难 : Khó khăn.
  • 追 : đuổi theo, truy đuổi. 

Trước đây, ngựa là chính phương tiện di chuyển di chuyển phổ biến, đồng thời là biểu tượng cho sức mạnh uy nghi, và tốc độ. Chính vì vậy, chúng thường xuất hiện trong câu thành ngữ, ca dao của ông cha. 

quan-tu-nhat-ngon-voh-2

Thành ngữ “Tứ mã nan truy“ theo nghĩa đen dùng chỉ một sự vật, sự việc nào đó đã phát ra thì cho dù có xe có bốn con ngựa kéo cũng khó lòng mà đuổi theo được.  

Như vậy, thành ngữ "Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy" ý chỉ những người tôn trọng lời nói, lời hứa của mình với người khác. Một lời họ nói ra như “đinh đóng cột”, những việc đã hứa thì nhất định sẽ làm, và đặt chữ tín lên hàng đầu. 

Thành ngữ cũng còn là lời khuyên chúng ta nên cân nhắc trước khi hứa hẹn, nếu không làm được thì đừng nên nói ra những lời nằm ngoài khả năng thực hiện của mình. Để không phải đánh mất chữ Tín của bản thân và sự tin tưởng từ mọi người. 

1.3 Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy là gì?

quan-tu-nhat-ngon-voh-7

“Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” có nghĩa là một lời nói ra dù bốn ngựa khó đuổi. Hãy nhớ rằng, một lời đã nói ra thì không thể lấy lại. Vậy bạn có biết những lời nói nào là “cấm kị” không nên nói ra? Bởi khi nói ra có thể khiến cuộc sống của bạn trở nên tồi tệ, và làm rạn nứt những mối quan hệ xung quanh. 

Dưới đây là những lời tuyệt đối bạn không nên nói ra, để cuộc sống bạn trở nên tích cực hơn nhé: 

  • Không nói lời oán trách: Những lời oán trách thường tạo ra bất hòa, căng thẳng, và làm ảnh hưởng đến mối quan hệ. 
  • Không nói lời trong lúc tức giận: Trong lúc nóng giận chúng ta thường mất kiểm soát, không làm chủ được cảm xúc của bản thân. Tệ hơn, những lời nói và hành động trong lúc nóng giận trở thành “vũ khí” làm tổn thương người khác. 
  • Không nói lời khoe khoang: Khoe khoang thường được nhận xét là tính xấu của một người. Bởi lẽ, khi bạn tài giỏi thì không cần khoe thì người khác cũng thấy, thông qua những thành tựu bạn gặt hái, những việc bạn làm. Do vậy, những lời nói khoe mẻ không giúp ích gì, mà còn khiến người khác mất thiện cảm với bạn.
  • Không nói lời chán nản, thối chí: Cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng, “mỗi cây mỗi hoa” mỗi người sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thử thách khác nhau. Chính vì thế, những lời nói chán chường, thối chí chẳng thể giúp bạn vượt qua những “bài kiểm tra” của cuộc đời. Thay vào đó, hãy thúc đẩy tinh thần bằng những lời nói cổ vũ, động viên và có cái nhìn tích cực để vượt qua khó khăn. 
  • Không nói lời ngông cuồng: Những lời nói ngông cuồng, có thể khiến bản thân rơi vào nghịch cảnh, và hối hận.  
  • Không tiết lộ bí mật của người khác: Nếu bạn được biết được bí mật, chuyện riêng tư của người khác tuyệt đối không nên nói lại với người khác. Nếu bạn nói ra chuyện riêng tư của người khác thì bạn như “bà tám” thích nhiều chuyện. 

1.4 Nhất ngôn cửu đỉnh tứ mã nan truy là gì?

quan-tu-nhat-ngon-voh-4

Để hiểu được ý nghĩa thành ngữ “Nhất ngôn cửu đỉnh tứ mã nan truy”, trước tiên chúng ta cần hiểu “cửu đỉnh” là gì? Theo số đếm trong Hán ngữ “cửu” là số 9. Còn “đỉnh” là vật dụng làm bằng đồng dùng để thờ cúng thần linh và tổ tiên, có trọng lượng có thể vài trăm đến vài nghìn ký.  

Ngoài ra, thời vua Đại Vũ ‘cửu đỉnh’ được xem là bảo khí để trấn quốc, biểu trưng cho vương quyền của thiên tử. Theo đó, 9 chiếc đỉnh tượng trưng cho 9 châu: Ký, Duyện, Thanh, Kinh, Dương, Lương, Ung, Từ, Dự của vương triều nhà Hạ. Trên mỗi đỉnh điêu khắc hình ảnh non sông, cảnh vật, đặc sản và con người … của mỗi châu. 

Có thể hiểu, “Nhất ngôn cửu đỉnh, tứ mã nan truy” là một lời nói ra có sức nặng như 9 cái đỉnh, xe bốn ngựa kéo cũng không thể kéo nổi. Câu thành ngữ, sử dụng hình ảnh “cửu đỉnh” để chúng ta thấy được sức nặng, và giá trị của lời nói. Vì vậy, đừng tùy tiện hứa suông hay nói hai lời, điều này chính là tự hạ thấp chữ Tín, danh dự của bản thân.

2. “Quân tử nhất ngôn - Tứ mã nan truy “ và câu chuyện về giữ lời hứa 

Cuộc sống hiện đại khiến con người bị cuốn theo vòng xoáy tiền tài, địa vị, người ta đánh giá nhau qua những bộ đồ hiệu đắt tiền, chiếc xe sang bóng láng. Nhưng, quên mất rằng giá trị thực sự của một người không nằm ở vẻ bề ngoài hào nhoáng, bóng bẩy mà là cách đối nhân xử thế, tài năng và trí tuệ của họ.  

Chữ Tín cũng là một trong năm yếu tố không thể thiếu góp phần hình thành nhân cách. Tin rằng, dù trong cuộc sống lẫn trong công việc đều rất cần uy tin, bởi lẽ chẳng ai có đủ tin tưởng để giao phó công việc cho những kẻ chuyên nói dối, và thất hứa. 

Khổng Tử từng nói rằng: “Làm người nói lời phải giữ lấy lời, đừng khiến người khác không tin tưởng thì làm việc gì cũng khó". Thực vậy, trong những lúc “sa cơ lỡ vận” uy tín của một người là thứ để người ta xem xét, và quyết định có nên dang tay giúp đỡ hay không. Một người tích lũy đủ uy tín thì lời nói của họ có trọng lượng hơn, và giành được sự tin tưởng từ người khác thì mọi việc bất lợi cũng trở nên suôn sẻ. 

quan-tu-nhat-ngon-voh-5

Điển hình cho bài học giữ lời hứa, không thể không nhắc đến vị Tỷ phú châu Á Lý Gia Thành. Chữ Tín là một trong những “vũ khí” giúp cho ông xây dựng sự nghiệp chỉ từ hai bàn tay trắng. Được biết, vào năm 1996, con trai ông là Lý Trạch Cự bị bắt cóc đòi tiền chuộc, bọn tội phạm yêu cầu ông không được phép báo cảnh sát. Nếu không làm theo thì con trai ông có thể sẽ bị thủ tiêu, để bảo vệ con trai mình nên Lý Gia Thành đã đồng ý không trình báo vụ việc với cảnh sát. 

Với số tiền chuộc lên đến 2 tỷ đô la Hồng Kông, Lý Gia Thành chỉ chuẩn bị kịp một nửa số tiền và hứa chuyển nốt một nửa còn lại cho chúng sau 2 ngày. Chữ Tín đã được chứng minh, dù con trai đã trở về, nhưng ông vẫn chuyển cho họ 1 tỷ đô la còn lại. 

Lý giải cho hành động của ông trong hoàn cảnh hiểm nguy nhất như vậy, vị tỷ phú Hồng Kông khẳng định: “Chữ Tín là sinh mệnh thứ hai, một khi đã mất đi thì dù có đánh đổi bao nhiêu tiền bạc và công sức cũng không thể lấy lại được. Do đó, tôi đã bằng lòng điều gì, thì nhất định tôi sẽ thực hiện điều đó đến cùng.” Lý Gia Thành chính là tấm gương của câu thành ngữ “quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy”, một người đàn ông bản lĩnh dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn lấy chữ tín làm trọng. 

Khi bạn đã hứa việc gì, thì nhất định phải làm được. Mượn cái gì, cũng nhớ trả lại. Hãy nhớ rằng, hiện tại có thể bạn không dư dả tiền bạc nhưng bạn tuyệt đối không được “nghèo” chữ Tín. Tiền mất thì có thể kiếm lại được, nhưng lòng tin mất đi thì không bao giờ kiếm lại được. Người thành công là người đi lên bằng tài năng, đạo đức chứ không phải dựa vào lời nói ba hoa, dối trá và bán rẻ danh dự, nhân phẩm của mình. 

3. Những câu ca dao, thành ngữ về giữ lời hứa càng đọc càng thấm 

Dù bạn có sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, bữa đói bữa no, thậm chí là không được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng tuyệt đối không được sống giả dối, đánh mất lương tâm và sự lương thiện. 

Người không có tiền, có thể bị chê, nhưng chỉ cần cố gắng mỗi ngày thành công sẽ “gõ cửa”. Nhưng người không có uy tín, không biết tôn trọng lời hứa sẽ bị người khác xem thường, và cánh cửa thành công cũng dần hẹp lại. Tham khảo ngay những câu ca dao, thành ngữ về giữ lời hứa sâu sắc dưới đây: 

quan-tu-nhat-ngon-voh-6
  1. Treo đầu dê, bán thịt chó.
  2. Một lần bất tín, vạn lần bất tin.
  3. Lời nói như đinh đóng cột.
  4. Hứa hươu, hứa vượn.
  5. Nói một đằng làm một nẻo.
  6. Rao mật gấu, bán mật heo.
  7. Bảy lần từ chối còn hơn một lần thất hứa.
  8. Rao ngọc, bán đá.
  9. Nói lời phải giữ lấy lời 
    Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.
  10. Nói chín thì phải làm mười
    Nói mười làm chín, kẻ cười người chê.
  11. Người sao một hẹn thì nên
    Người sao chín hẹn thì quên cả mười.

Hy vọng, thông qua bài viết bạn có thể hiểu hơn về thành ngữ “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy”, cũng như giá trị của lời hứa và chữ Tín trong cuộc sống. Từ đó, nhìn nhận lại chính mình để kịp thời phát hiện những điểm thiếu sót, và “nâng cấp” bản thân trở thành phiên bản hoàn thiện nhất, cả về trí tuệ lẫn nhân cách. 

Sưu tầm - Nguồn ảnh: Internet

Bình luận