Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Phú quý sinh lễ nghĩa’ nói đến điều gì trong xã hội

(VOH) - Ông cha ta có câu ‘Phú quý sinh lễ nghĩa’ bàn về mối quan hệ giữa lễ nghĩa và vật chất trong cuộc sống. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn qua bài viết sau.

Khi con người ta đầy đủ về vật chất thì ắt cuộc sống sẽ có sự thay đổi. Vậy hoàn cảnh ảnh hưởng đến con người như thế nào, cùng tìm hiểu qua câu nói ‘Phú quý sinh lễ nghĩa’ cũng như qua bài viết sau.

1. “Phú quý sinh lễ nghĩa” là gì? 

phu-quy-sinh-le-nghia-voh-1
“Phú quý sinh lễ nghĩa” hiểu nôm na là khi giàu có thì thích bày vẽ, cầu kỳ

Trước hết, từ “phú quý” được hiểu là sự giàu có và sang trọng, được thể hiện ra ngoài bằng tiền tài, vật chất. Trong khi đó “lễ nghĩa” là chỉ những phép tắc, cách xử sự, quy định cần thực hiện theo.

Câu tục ngữ “Phú quý sinh lễ nghĩa” chỉ việc giàu sang thì sinh ra “lễ nghĩa”. Tức khi con người ta có tiền, có của, những lễ nghi, nghi thức không cần thiết cũng bắt đầu xuất hiện. 

Đây có lẽ là quy luật tất yếu, bởi khi ta nghèo, cái đói cái khổ làm ta quên đi những nhu cầu khác. Khi chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao thì con người mới có thể nghĩ đến những những hoạt động cầu kỳ, tốn kém hay những nghi lễ phức tạp hơn. “Lễ nghĩa” này có thể để thỏa mãn nhu cầu của bản thân nhưng cũng có thể để “phô” độ giàu có, vẻ hào nhoáng, hơn người.

Như vậy với câu nói “Phú quý sinh lễ nghĩa” có thể hiểu theo hai cách. Một là khi đời sống vật chất đủ đầy thì con người sẽ chú trọng đến đời sống tinh thần, đến lễ nghi để làm cho cuộc sống trở nên phong phú hơn. Hai là chỉ những người khi có điều kiện thì đua đòi, bày vẽ những chuyện phiền phức, tốn kém để tỏ ra hơn người.

2. “Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc”

phu-quy-sinh-le-nghia-voh-2
Chúng ta không thể phủ nhận việc vật chất có ảnh hưởng đến một phần cuộc sống

“Phú quý sinh lễ nghĩa” và “Bần cùng sinh đạo tặc” là hai câu tục ngữ rất hay xuất hiện song hành cùng nhau. Có lẽ bởi vậy mà nhiều người lầm tưởng rằng hai câu tục ngữ này có chung một nội dung, một ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu “Phú quý sinh lễ nghĩa” thường chỉ là câu nói ám chỉ những hành động thừa thãi, thích bày vẽ mọi thứ khoe khoang, thì “bần cùng sinh đạo tặc” lại mang nghĩa hoàn toàn khác. 

Nếu “Phú quý”là từ để nói về sự giàu có, thì “bần cùng” là từ dùng để chỉ sự nghèo khó, nghèo đến mức bần hàn, cùng đường lạc lối. “Đạo tặc” mang ý nghĩa chỉ kẻ trộm, những kẻ chuyên cướp giật, ăn trộm tiền, hay những món đồ mang giá trị vật chất cao. 

“Bần cùng sinh đạo tặc” là ám chỉ khi con người ta quá nghèo, của ăn còn không đủ thì ắt sinh ra những thói xấu. Những hành vi ăn trộm, ăn cắp đó xảy ra khi người ta quá nghèo, quá đói, sự nghèo khổ sinh ra làm liều, làm điều dại dột. 

Vật chất có ảnh hưởng rất lớn đến con người. Sống trong hạnh phúc, đầy đủ về vật chất khiến con người được đạo đức, phẩm hạnh. Ngược lại, khó khăn và đói kém dễ đẩy người ta vào con đường bất chính. 

Xem thêm:
35 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về cảnh nghèo khó
50+ câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về tiền bạc cực kỳ thấm thía
30 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lối sống giản dị, khiêm tốn

3. Hiểu đúng về “Phú quý sinh lễ nghĩa” 

phu-quy-sinh-le-nghia-voh-3
Cần hiểu đúng về “Phú quý sinh lễ nghĩa” 

Ngày nay, xã hội và con người không ngừng phát triển, thay đổi. Tuy nhiên những giá trị của câu tục ngữ “Phú quý sinh lễ nghĩa” dường như vẫn còn mãi. 

Nhiều người vì để chứng minh sự giàu sang, hay đơn giản là muốn vượt mặt bạn bè, hàng xóm láng giềng mà không tiếc tiền của xây nhà thật to, đi xe thật xịn, tổ chức những bữa tiệc xa hoa, trong khi nợ hàng tỷ đồng. 

Chính những suy nghĩ cho rằng phải “phô trương”, phải chứng minh sự giàu có của mình cho người khác thấy khiến nhiều người tự “vẽ” ra cho mình những lễ nghĩa không cần thiết, những hành động vô bổ, phi lý, đôi khi là làm phiền người khác.

Ông cha ta xưa có câu “Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu” để nói về những người càng giỏi, càng giàu thì càng khiêm tốn, giản dị. Bởi vậy chúng ta không nên quá thực dụng hay coi trọng những lễ nghĩa bề ngoài mà bỏ qua đạo đức, cốt cách bên trong hay để hoàn cảnh, vật chất tác động đến bản thân mình. Và thay vì dùng vật chất để thể hiện lễ nghĩa hơn người thì hãy sống có đạo đức, làm những việc có ích.

4. Những câu thành ngữ, tục ngữ bàn về vật chất thấm thía

Vật chất luôn có sự ảnh hưởng nhất định cuộc sống và con người. Giống như câu nói “Phú quý sinh lễ nghĩa”, những câu thành ngữ, tục ngữ bàn về vật chất dưới đây cũng mang tới cho chúng ta rất nhiều bài học giá trị.

  1. Anh em gạo, đạo nghĩa tiền
  2. Bà con vì tổ vì tiên, không phải vì tiền vì gạo
  3. Một mặt người bằng mười mặt của
  4. Một quan tiền công không bằng một đồng tiền thưởng
  5. Có thực mới vực được đạo
  6. Nhân nghĩa gì bằng nhân nghĩa tiền
  7. Có tích mới dịch nên tuồng
  8. Niêu cơm Thạch Sanh
  9. Có tiếng không có miếng
  10. No ra Bụt, đói ra ma
  11. Cơm cà là nhà có phúc
  12. Của chìm, của nổi
  13. Phù thuỷ đền gà
  14. Hung chi hơn gạo, bạo chi hơn tiền
     
    phu-quy-sinh-le-nghia-voh-4
  15. Rao mõ không bằng gõ thớt
  16. Sợ hẹp lòng, không sợ hẹp nhà
  17. Kẻ có tiền chẳng mạnh thì bạo
  18. Khôn như tiên không tiền cũng dại
  19. Tiếng chào cao hơn mâm cỗ
  20. Tốt danh hơn lành áo
  21. Mạnh vì gạo, bạo vì tiền
  22. Môn đăng, hộ đối

Qua bài viết giải thích “Phú quý sinh lễ nghĩa” là gì ở trên, hi vọng bạn đọc đã hiểu thêm về câu nói này cũng như có cách nhìn nhận vấn đề đúng đắn hơn. 

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận