Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Thất Tịch là ngày gì? Tích Ngưu Lang, Chức Nữ - Ông Ngâu, Bà Ngâu

VOH - Những năm gần đây Lễ Thất Tịch đặc biệt được quan tâm. Vậy bạn đã biết Thất Tịch là gì và có những hoạt động nổi bật nào chưa?

Nhờ cơn sốt Thất Tịch mà chè đậu đỏ cũng trở thành một món ăn được săn đón nhiệt tình vào năm ngoái. Đó là một ngày lễ nổi bậc của người Á Đông mang nhiều ý nghĩa và sự tích cảm động về tình yêu.

Lễ Thất Tịch vốn đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu chứ không chỉ mới du nhập gần đây như nhiều người lầm tưởng. Vậy Thất Tịch có những điểm đặc sắc gì? Chúng ta cùng khám phá bạn nhé!

that-tich-la-gi-su-tich-nguu-lang-chuc-nu-ong-ngau-ba-ngau-voh
Thất Tịch vốn đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu chứ không phải là một ngày lễ mới được du nhập

Thất Tịch là ngày gì?

Thất Tịch là một ngày lễ của người Phương Đông (Châu Á) và phổ biến nhất ở các nước Đông Á, Đông Nam Á. Lễ Thất Tịch được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 âm lịch hằng năm.

Thất Tịch tiếng Hán là 七夕, tại Hàn Quốc gọi là lễ Chilseok (칠석), người Phương Tây gọi là ngày Valentine Đông Á. Nhật Bản cũng có lễ Thất Tịch, gọi là lễ Tanabata (七夕) nhưng được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 dương lịch.

Ngày lễ này gắn liền với tích Ngưu Lang Chức Nữ, Việt Nam còn gọi là tích ông Ngâu, bà Ngâu. Truyện kể rằng sau một năm xa cách cứ đến ngày 7 tháng 7 hằng năm Ngưu Lang, Chức Nữ mới được gặp nhau bên cầu Ô Thước, truyện có nhiều dị bản.

that-tich-la-gi-su-tich-nguu-lang-chuc-nu-ong-ngau-ba-ngau-voh-1
Thất Tịch là một ngày lễ của người Phương Đông gắn liền với tích Ngưu Lang, Chức Nữ

Sự tích Ngưu Lang, Chức Nữ - Ông Ngâu, bà Ngâu

Ngưu Lang, Chức Nữ là một sự tích gắn liền với ngày Lễ Thất Tịch, nó được mệnh danh là một trong "Tứ đại dân gian truyền thuyết" của Trung Hoa, bên cạnh Bạch Xà truyện, Mạnh Khương Nữ và Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài.

Ngưu Lang, Chức Nữ, chữ Hán là 牛郎織女, có xuất xứ từ Trung Quốc và được lan truyền rộng rãi sang Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Việt Nam, ở Việt Nam còn gọi là tích ông Ngâu, bà Ngâu. Qua năm tháng, sự tích dần có nhiều dị bản và ở nước ta phổ biến nhất là 2 bản sau:

Sự tích Ngưu Lang, Chức Nữ - Ông Ngâu, bà Ngâu phiên bản Việt Nam

Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, vì say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bê công việc, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông Ngân.

Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình nên ra ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau vào ngày 7 tháng 7 âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu.

Thời bấy giờ sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Các phường thợ mộc ở trần thế được vời lên trời để xây cầu.

Vì mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai, họ cãi nhau chí chóe nên đến kỳ hạn mà cầu vẫn không xong. Ngọc Hoàng bực tức, bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Vì thế cứ tới tháng Bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc Ô kiều.

that-tich-la-gi-su-tich-nguu-lang-chuc-nu-ong-ngau-ba-ngau-voh-2
Cứ tới tháng bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc Ô kiều để cho Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau

Khi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa nên chúng lại lao vào cắn mổ nhau đến xác xơ lông cánh. Ngưu Lang và Chức Nữ lên cầu, nhìn xuống thấy một đám đen lúc nhúc ở dưới chân thì lấy làm gớm ghiếc, mới ra lệnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu thì phải nhổ sạch lông đầu. Từ đó, cứ tới tháng bảy thì loài quạ lông thì xơ xác, đầu thì rụng hết lông.

Tuy nhiên, sau một thời gian vì cảm thương cho sự chia lìa của cặp vợ chồng, Ngọc Hoàng đã trả lại hình hài cho những người thợ mộc và ra lệnh họ phải làm một cây cầu thật vững chắc để Ngưu Lang và Chức Nữ có thể gặp nhau. Từ đó, Ngưu Lang và Chức Nữ được sống bên nhau.

that-tich-la-gi-su-tich-nguu-lang-chuc-nu-ong-ngau-ba-ngau-voh-3
Ngưu Lang, Chức Nữ hay còn gọi là tích ông Ngâu, bà Ngâu ở Việt Nam

Có dị bản khác cho rằng tên gọi của Ô kiều là cầu Ô Thước do chim Ô (quạ) và chim Thước (chim Khách) kết cánh tạo ra.

Sự tích Ngưu Lang, Chức Nữ phiên bản Trung Quốc

Truyện kể rằng, vào thời kỳ Ngọc Hoàng Thượng Đế là nhân vật tối thượng cai quản mọi việc ở trên thiên đình cũng như ở dưới hạ giới. Ngọc hoàng có 7 người con gái. Trong số những nàng công chúa, Người đặc biệt yêu quý công chúa út bởi cô là người thông minh nhất, đẹp nhất và tài năng nhất. Cô cũng là người có kỹ năng dệt vải nổi bậc nhất so với 6 người chị. Cô công chúa đó chính là Chức Nữ.

Vào một ngày nọ, 7 chị em Chức Nữ cảm thấy cuộc sống trên thiên đình thật buồn chán, tẻ nhạt nên đã quyết định xuống trần gian thăm thú. Khi xuống hạ giới ngao du phong thủy, họ nhìn thấy và bị hút hồn bởi một hồ nước tuyệt đẹp, những bông hoa đầy màu sắc, tiếng chim hót, màu xanh của cỏ cây, hoa lá xung quanh. Họ quyết định xuống tắm hồ.

Nhưng khi đang ngâm mình dưới nước thì bầu trời trong xanh bỗng chuyển sang màu xám và đen kịt, gió thổi mạnh và sau đó ít lâu mưa trút xuống. 7 công chúa nhỏ của Ngọc hoàng nhận ra đó là tín hiệu của vua cha gọi về. Do đó, họ vội vã lên bờ, mặc xiêm y và bay trở về trời.

Riêng quần áo của Chức Nữ bị gió mạnh cuốn đi nên cô không thể cùng những người chị trở về trời. Lúc đó, Ngưu lang đã vô tình nhặt được xiêm y của nàng và trả lại. Gặp chàng, Chức Nữ đã trúng tiếng sét ái tình.

Sau khi trở về thiên đình, Chức Nữ thường xuyên quan sát, ngắm nhìn Ngưu Lang từ trên trời. Cô đã tâm sự với những người chị về tình yêu mãnh liệt của mình dành cho chàng trai chăn trâu chốn phàm trần. Cuối cùng, cô quyết định rời thiên đình và xuống hạ giới kết nghĩa phu thê với Ngưu Lang.

that-tich-la-gi-su-tich-nguu-lang-chuc-nu-ong-ngau-ba-ngau-voh-4
Chức Nữ trúng tiếng sét ái tình với Ngưu Lang

Khi đã thành thân với nhau, mỗi ngày Ngưu Lang đều đi chăn trâu, ra đồng cỏ làm việc trong khi Chức Nữ ở nhà dệt vải, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Cuộc sống hạnh phúc của hai người không kéo dài được bao lâu thì bị Ngọc hoàng Thượng đế phát hiện. Người vô cùng tức giận và cử tướng lĩnh xuống trần thế đưa con gái về thiên đình.

that-tich-la-gi-su-tich-nguu-lang-chuc-nu-ong-ngau-ba-ngau-voh-5
Ngưu Lang, Chức Nữ sống cuộc đời bình dị, chàng chăn trâu, nàng dệt vải

Ngưu Lang - Chức Nữ chống trả quyết liệt nhưng làm sao chống lại được với trời. Tưởng đã vĩnh viễn mất đi người vợ yêu quý, đột nhiên, Ngưu Lang được con bò biết nói tiếng người mách lối rằng: “Hãy tóm lấy sừng của tôi. Nó sẽ giúp người đuổi kịp vợ và có thể ở bên cô ấy mãi mãi. Người hãy đặt những đứa con bé nhỏ vào trong sọt tre và mang chúng đi cùng. Tôi thực ra là một vị thần nhưng đã phá vỡ một trong những quy tắc, luật lệ của thiên đình nên bị Ngọc Hoàng Thượng Đế trừng phạt. Tôi bị giáng xuống hạ giới và phải sống trong thân xác của loài bò. Hãy làm theo lời tôi. Nhanh lên nếu không sẽ không kịp”. Thấy vậy, Ngưu Lang làm theo lời chỉ dẫn của bò thần.

Ngọc Hoàng và Hoàng Hậu đã hóa phép khiến trời nổi giông bão, gây ra một trận lụt rất lớn. Khi bão tan, vợ chồng Ngưu Lang - Chức Nữ bỗng phát hiện ra hai người bị chia cách bởi hai bờ sông Ngân. Vị thần bò không thể bay qua con sông đó để giúp họ đoàn tụ.

Cảm động trước mối tình của hai người, một triệu con chim từ khắp nơi bay đến ghép thành một cây cầu đặc biệt giúp Ngưu Lang có thể đi bộ sang bờ bên kia gặp Chức Nữ. Mặc dù được đàn chim giúp đỡ nhưng Ngọc Hoàng vẫn chia cắt được đôi uyên ương.

that-tich-la-gi-su-tich-nguu-lang-chuc-nu-ong-ngau-ba-ngau-voh-6
Cảm động trước mối tình của hai người, một triệu con chim từ khắp nơi bay đến ghép thành một cây cầu đặc biệt giúp Ngưu Lang có thể đi bộ sang bờ bên kia gặp Chức Nữ

Sau khi chia cắt tình yêu mãnh liệt của con gái, Ngọc Hoàng thương tình nên ra ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau một lần vào đêm mùng 7 tháng 7 âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu. Vì thế, cứ đến ngày đó, người ta không thấy một con chim nào trên bầu trời vì họ tin rằng, chúng đã đi bắc cầu Ô Thước cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau.

Thất Tịch là ngày gì ở Việt Nam?

Ở Việt Nam, Thất Tịch được xem là một ngày lễ cầu duyên. Cứ đến ngày 7 tháng 7 âm lịch hàng năm những nam thanh, nữ tú, những đôi trai gái yêu nhau sẽ kéo nhau đến chùa làm Lễ Thất Tịch. Người có tình duyên lận đận thì cầu cho mọi sự suôn sẻ, mau chóng tìm được ý chung nhân như ý. Người yêu nhau thì cầu cho tình yêu bền chặt, đi được với nhau đến cuối cuộc đời.

Lễ Thất Tịch tồn tại trong văn hóa của người Việt Nam từ xưa chứ không phải mới du nhập như nhiều người lầm tưởng. Nhưng có lẽ vì khi ấy chuyện cưới hỏi đều do cha mẹ quyết định, và ngày lễ này chỉ nhắm vào đối tượng cần tìm người yêu (ở độ tuổi 15 – 25) nên không được nhiều người quan tâm và có sức ảnh hưởng như bây giờ, khi mà tình yêu và hôn nhân đã được tự do chọn lựa.

Trước năm 1860, Lễ Thất Tịch được gọi là Tết Tiểu Xảo hay Lễ Thù Du. Tết Tiểu xảo là tết nữ công gia chánh của con gái. Vào ngày này, mọi người sẽ bày bánh trái trước trăng để cầu mong nhân duyên tốt đẹp và sự khéo léo, đảm đang. Còn trong cung Vua sẽ tổ chức Lễ Thù Du, ban quà bánh cho các quan viên.

that-tich-la-gi-su-tich-nguu-lang-chuc-nu-ong-ngau-ba-ngau-voh-7
Thất Tịch được xem là một ngày lễ cầu duyên. Cứ đến ngày 7 tháng 7 âm lịch hàng năm những nam thanh, nữ tú, những đôi trai gái yêu nhau sẽ kéo nhau đến chùa làm lễ

Ý nghĩa ngày Thất Tịch

Thất Tịch giống như là ngày Valentine 14 tháng 2 của phương Tây, là ngày của tình yêu nhưng mang nhiều ý nghĩa tâm linh hơn.

Ngoài đi chùa làm lễ, đốt nhang nguyện cầu, những người độc thân còn hay ăn chè đậu đỏ như một phương thức tâm linh hy vọng mau chóng tìm được người tâm đầu ý hợp, kết tóc se duyên.

Vào đêm Thất Tịch, chòm sao Chức Nữ tỏa sáng lấp lánh, do đó nếu hai người yêu nhau cùng nhau ngắm sao Ngưu Lang, Chức Nữ và thề hẹn sẽ được bên nhau mãi mãi.

that-tich-la-gi-su-tich-nguu-lang-chuc-nu-ong-ngau-ba-ngau-voh-8
Vào đêm Thất Tịch, nếu hai người yêu nhau cùng nhau ngắm sao Ngưu Lang, Chức Nữ và thề hẹn sẽ được bên nhau mãi mãi.

Xem thêm: Những câu châm ngôn tình yêu sâu sắc

Tại sao Thất Tịch lại mưa?

Tích vợ chồng Ngâu cũng là một lý giải dân gian về hiện tượng mưa ngâu tháng 7 âm lịch. Vào ngày này trời thường đổ mưa được cho là những giọt nước mắt đoàn tụ của vợ chồng Ngưu Lang, Chức Nữ. Cũng từ đây mà người ta kiêng cữ cưới hỏi vào tháng 7, vì sợ sẽ bị chia cắt giống như vợ chồng họ. Thay vào đó chỉ cầu duyên, cầu sự khéo léo, sức khỏe.  

Ngoài ra, mùa mưa hằng năm thường bắt đầu vào tháng Năm và kết thúc vào cuối tháng Mười Một, mùa mưa cao điểm nhất rơi vào những ngày tháng 6, tháng 7, tháng 8. Thất Tịch là ngày 7 tháng 7 âm lịch, thường rơi vào độ tháng 7, tháng 8 dương lịch là vào đúng cao điểm của mùa mưa.

Trong 10 năm năm gần đây, Thất Tịch toàn rơi vào tháng 7, tháng 8

  • Thất Tịch năm 2011 rơi vào ngày 6 tháng 8
  • Thất Tịch năm 2012 rơi vào ngày 25 tháng 7
  • Thất Tịch năm 2013 rơi vào ngày 13 tháng 8
  • Thất Tịch năm 2014 rơi vào ngày 2 tháng 8
  • Thất Tịch năm 2015 rơi vào ngày 22 tháng 7
  • Thất Tịch năm 2016 rơi vào ngày 9 tháng 8
  • Thất Tịch năm 2017 rơi vào ngày 29 tháng 7
  • Thất Tịch năm 2018 rơi vào ngày 17 tháng 8
  • Thất Tịch năm 2019 rơi vào ngày 7 tháng 8
  • Thất Tịch năm 2020 rơi vào ngày 25 tháng 8
that-tich-la-gi-su-tich-nguu-lang-chuc-nu-ong-ngau-ba-ngau-voh-9
Mưa ngâu được cho là những giọt nước mắt đoàn tụ của vợ chồng Ngưu Lang, Chức Nữ

Một mùa Thất Tịch 7 tháng 7 lại đến, không biết rằng đêm đó có mưa ngâu hay không nhưng cũng nguyện cầu Ngưu Lang, Chức Nữ được gặp nhau. Vào ngày này, những đôi trai gái yêu nhau đừng quên cùng nhau ngắm sao Ngưu Lang, Chức Nữ và những ai còn độc thân cũng hãy ăn một chén chè đậu đỏ để mau chóng thoát cảnh FA nhé!

Theo dõi VOH Thường thức để cập nhật thêm nhiều bài viết hay!

Bình luận