Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tuyển tập thơ Phạm Hổ - bậc thầy của thơ ca thiếu nhi Việt Nam

VOH - Nhắc đến kho tàng văn học thiếu nhi Việt Nam, thơ Phạm Hổ đã để lại những dấu ấn sâu đậm với những tác phẩm đã "tô màu" cho tuổi thơ biết bao thế hệ.

Trong văn học thiếu nhi Việt Nam, Phạm Hổ là một cái tên nổi bật với kho tàng tác phẩm đồ sộ và ý nghĩa dành cho lứa tuổi trẻ thơ. Trong bài viết này, VOH chọn lọc những tác phẩm thơ Phạm Hổ hay và tiêu biểu nhất.

Tiểu sử nhà thơ Phạm Hổ

Nhà thơ Phạm Hổ (1926 - 2007), bút danh Hồ Huy, sinh tại xã Thanh Liêm (nay là xã Nhơn An), Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông sinh ra trong gia đình làm nghệ thuật khi có anh trai là nhà văn Phạm Văn Ký và em trai là nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.

Phạm Hổ là một trong những người đặt nền móng cho Nhà xuất bản Kim Đồng, nơi xuất bản văn hóa phẩm dành cho trẻ em uy tín của nước nhà. Sau đó, ông chuyển sang Nhà xuất bản Văn học rồi về báo Văn Nghệ, cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn. Năm 1957, ông là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.

nha-tho-pham-ho-voh
Nhà thơ Phạm Hổ, một trong những ngòi bút "tô màu tuổi thơ" thiếu nhi Việt Nam - Ảnh: Internet

Ông vừa viết văn, làm thơ, viết kịch và vẽ tranh. Tác phẩm của Phạm Hổ chủ yếu dành cho thiếu nhi với ngôn từ giản dị, trong sáng, gần gũi. Nhiều tác phẩm đã được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông.

Năm 2001, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, đợt 1.

Ông qua đời tại Hà Nội năm 2007, để lại cho đời di sản văn chương vô giá đồng hành thân thiết với trẻ thơ Việt Nam.

Thơ Phạm Hổ viết cho thiếu nhi hay nhất

Thơ Phạm Hổ là hành trình khám phá thế giới tuổi thơ diệu kỳ với những bài thơ dạy cho trẻ em những bài học quý giá về cuộc sống, về tình yêu thương và lòng nhân ái.

Anh là người đẹp nhất

Ơi anh bộ đội

Cháu của Bác Hồ

Mũ gắn sao cờ

Anh, người đẹp nhất!

 

Tiến như cơn lốc

Đánh như chớp giật

Thắng như chẻ tre

Đâu anh tiến về

 

Đẩy tan bóng giặc

Anh đến vùng nào

Cả vùng ấy hát.

Cô dạy

Mẹ, mẹ ơi! Cô dạy:

Phải giữ sạch đôi tay,

Bàn tay mà giây bẩn,

Sách, áo cũng bẩn ngay.

 

Mẹ, mẹ ơi! Cô dạy:

Cãi nhau là không vui

Cái miệng nó xinh thế

Chỉ nói điều hay thôi.

Tắm mưa

Mưa rồi! Em rủ bạn

Ùa ra sân tắm chơi

Vật nhau cho bẩn người

Giơ lưng nhờ mưa dội

 

Cóc bé và cóc cụ

Đua nhau nhảy mừng vui

Cây cối và nhà cửa

Cũng hả hê reo cười...

 

Nhà tắm ta rộng quá

Mênh mông bốn chân trời

Nước mát tắm sao hết

Cả một trời mưa rơi.

Trong đêm bé ngủ

Trong đêm bé ngủ

Cây dâu ngoài bãi

Nảy những búp non

Con gà trong ổ

Đẻ trứng ấp con

Cây chuối cuối vườn

Nhắc hoa mở cánh

Ngôi sao lấp lánh

Sáng hạt sương rơi

Con cá quả mẹ

Ao khuya đớp mồi…

Chơi ú tim

Rủ nhau chơi ú tim

Giờ đến phiên chó trốn

Mèo đảo mắt nhìn quanh

Chó nấp đâu giỏi gớm!

Bỗng kìa chỗ khe tủ

Chó để lộ đôi chân

Rón rén, men đến gần

Oà: chộp ngay lưng bạn

Chó cười thú vị lắm

Vì chó vẫn nghĩ rằng

- Không! Mình nấp giỏi thật

Lỗi chỉ tại đôi chân!

tho-pham-ho-voh-2
Ảnh: Canva

Xe chữa cháy

Mình đỏ như lửa

Bụng chứa nước đầy

Tôi chạy như bay

Hét vang đường phố

 

Nhà nào bốc lửa

Tôi dập tắt ngay

Ai gọi “chữa cháy”

“Có... ngay! Có... ngay!”

Rình xem mặt trời

Sáng mát mẹ phơi áo

Chiều xế mẹ lấy vào:

Bé sờ áo, hỏi mẹ:

“Nước trên áo đi đâu?”

 

Mẹ cười chỉ mặt trời:

“Ông Mặt trời uống đấy!”

Bé tin mẹ, hỏi thêm:

“Uống lúc nào không thấy?”

 

Mẹ cười: “Thấy sao được!

Ông ấy rất khôn nhanh

Vắng người bay xuống uống

Thoáng người, vụt bay lên!”

 

Hôm sau múc bát nước

Bé để chỗ vắng người

Vào nhà, nấp khe cửa:

Bé rình xem mặt trời!

Thuyền giấy

Bé trên bờ với xuống

Thả con thuyền trắng tinh

Thuyền giấy vừa chạm nước

Đã hối hả trôi nhanh

 

Bé nhìn thuyền lênh đênh

Tưởng mình ngồi trên ấy

Mỗi đám cỏ thuyền qua

Là một làng xóm đấy!

 

Bé thích lắm reo lên

Thuyền vẫn trôi, trôi mãi

Bé vạch cỏ, vạch lau

Chạy bên thuyền giục, vẫy...

 

Thuyền phăng phăng trên nước

Bé băng băng trên bờ

Bé theo thuyền, theo mãi

Mặc ông trời chuyển mưa...

Đôi que đan

Từng mũi, từng mũi

Cứ đan, đan hoài

Sợi len nhỏ bé

Mà nên rộng dài.

 

Em cũng tập đây

Mũi lên, mũi xuống

Ngón tay, bàn tay

Dẻo dần, đỡ ngượng.

 

Mũ đỏ cho bé

Khăn đen cho bà

Áo đẹp cho mẹ

Áo ấm cho cha

Từ đôi que nhỏ

Từ tay em nữa

Cũng dần hiện ra...

 

Que tre đan mãi

Bóng như ngọc ngà.

Những bài thơ Phạm Hổ đong đầy cảm xúc

Bên cạnh những bài thơ thiếu nhi nổi tiếng, nhà thơ Phạm Hổ còn có những tác phẩm dành cho người lớn, mang đậm dấu ấn về cuộc sống, con người và những cung bậc cảm xúc tinh tế. Mỗi bài thơ đều là một câu chuyện, một thông điệp ý nghĩa, giúp người đọc suy ngẫm và tìm thấy sự đồng cảm.

Trăng sáng

Về sáng mà trăng như đầu đêm

Sáng xanh, sáng mát, sáng êm đềm

Mình anh... chẳng dám nhìn trăng nữa

Trăng sáng anh càng thấy vắng em.

Đất và hoa

Đào đỏ, mai vàng

Bìm xanh, cúc tím

Mẹ ơi! Ai nhuộm

Đủ các màu hoa?

 

- Đem hết sức mình

Nhuộm các loài hoa

Ấy là bác Đất

Lặng im, thật thà...!

Mỗi một giờ con học hôm nay

Trường các con “Tây Sơn”, “Nguyễn Du”

Đường đến lớp, qua Hồ Gươm, Hồ Bảy Mẫu

Ngày sơ tán, con khóc chào cô giáo

Ra ngoại thành, thầy mới, bạn chưa quen,

Ruộng và bãi, nhiều khoai, nhiều lúa,

Nhà đồng bào, nhiều rau, nhiều chim...

 

Ở lại nội thành, cha mẹ lo công tác

Mong chóng chiều thứ bảy con về thăm

Vé một hào, tàu leng keng chạy miết

Kìa rạp xi-nê, kìa hiệu sách, hàng kem...

Các con bảo: “Không xa, sao rất nhớ

Cái bàn cha mẹ, cái nôi em...”

 

Đội mũ rơm đến trường chăm chỉ

Con học bạn bè: cuốc đất, bắt cua,

Điện Yên Phụ vẫn sáng ngời trang vở

Loa phát thanh vẫn vui hát đúng giờ

Nhìn cây mạ lớn thành cây lúa

Đoá hoa sen đội nước nở đầy hồ.

 

Rồi Thủ đô trận đầu tiên giết giặc:

Súng đạn ta nổ át tiếng bom rơi

Còn mãi đấy giữa trời xanh Hà Nội

Máy bay thù khói chết kéo dài đuôi,

Thứ bảy đó, lên thăm con tại lớp,

Ôi nhìn con sao gấp bội sướng vui!

 

Bom bỗng nổ nơi con đang học

Cha vội lên, trường lớp nát rồi

Cầm tay con, càng thương bao cháu chết,

Trong túi còn hòn bi đỏ tươi,

Trang vở còn dở dang bài tính,

Nhìn cũng quặn lòng như máu rơi...

 

Cha theo con cùng lên bệnh viện

Thăm thầy bị thương, túi sách vẫn gối đầu

“Thầy, cô mới”, ngày con sơ tán,

Với con giờ thân thiết biết bao!

Quyền sổ điểm, bom bi xuyên lỗ chỗ

Thầy gửi về, cô dạy tiếp hôm sau...

 

Chia tay con, lên ngồi tàu điện,

Tưởng tượng cảnh con cởi áo đưa thầy,

Con khiêng bạn ra xe cấp cứu,

Đội mũ rơm đến lớp ngày mai...

Cha bỗng hiểu: lớn lao, vô giá

Mỗi một giờ con học hôm nay!

tho-pham-ho-voh-3
Ảnh: Canva

Những ngày xưa thân ái

Tôi bắn hắn rồi

Những ngày xưa thân ái

Không ngăn nổi tay tôi

 

Những ngày xưa thân ái

Chắc hắn quên rồi

Riêng tôi, tôi nhớ:

Đồng làng mênh mông biển lúa

Sương mai đáp trắng cỏ đường

Hai đứa tôi,

Sách vở cặp chung

Áo quần nhàu giấc ngủ

Song song bước nhỏ chân trần

Gói cơm mo mẹ vắt sách tùng sơn

Nón rộng hỏng quai

Trong túi hộp diêm nhốt dế

Những ngày xưa êm đẹp thế

Không đem chung hai đứa một ngày mai

 

Hắn bỏ làng theo giặc mấy năm nay

Tôi buồn tôi giận,

Đêm nay gặp hắn,

Tôi bắn hắn rồi

Những ngày xưa thân ái

Không ngăn nổi tay tôi

 

Xác hắn nằm bờ ruộng

Không phải hắn thưở xưa

Tôi cúi nhìn mặt hắn

Tiếc hắn thời ấu thơ.

Bài thơ về sự cô đơn

Con người có những giây phút thích cô đơn

Để nghe thấy những điều có ai bên không nghe thấy

Nhưng nếu kéo dài thành tháng năm những phút giây ấy

Con người sẽ héo mòn đau khổ bơ vơ

 

Đảo, đó là sự cô đơn giữa muôn trùng biển khơi

Tuyết trên núi cao, đó là sự cô đơn giữa mênh mang trời biếc

Lá vàng là sự cô đơn còn có sức để lượn bay

Tiếng vạc đêm sương là cô đơn còn kêu được

Thằng cuội cung trăng là sự trừng phạt bằng cô đơn

Cuộc đời cung phi là sự may mắn cao sang dẫn đến niềm cô đơn tê tái

Vẫn còn vạn tiếng thở dài cô đơn của những người chồng, người cha sống cạnh vợ cạnh con

 

Vẫn còn triệu lời thơ cô đơn trong tình yêu trai gái

Không gian cô đơn nhờ không gian màu sắc

Thời gian cô đơn thường khép một vòng rất chặt

Bàn tay cô đơn thường bóp nát chính trái tim mình

Bàn chân cô đơn thường dẫn ta đến với Thần với Phật

"Trăm năm cô đơn" làng ma côn đồ không còn dấu vết

Một tháng cô đơn thôi đủ cho tôi héo úa cả tâm hồn

Hỡi trái đất đang còn khổ đau, đang còn như giọt lệ

Xin đừng gọi là giọt lệ của cô đơn.

Quả sầu riêng

Nhà ai vừa chín quả đầu

Đã nghe xóm trước vườn sau thơm lừng

Lá chiều cụp ngủ ung dung

Để cây thức giấc tưng bừng sớm mai

Ngọt thơm sau lớp vỏ gai

Quả ngon lớn mãi cho ai đẹp lòng

Mời cô, mời bác ăn cùng

Sầu riêng mà hoá vui chung trăm nhà.

Thơ Phạm Hổ viết cho thiếu nhi về động vật

Thế giới động vật qua thơ Phạm Hổ không chỉ miêu tả sinh động hình ảnh các con vật mà còn mang những phẩm chất, tính cách như con người. Nhờ vậy, thơ Phạm Hổ trở nên vô cùng sống động, gần gũi và dí dỏm.

“Đám đất phẳng phiu

Cỏ xanh xanh biếc

Nhảy vào đây chơi

Em vui phải biết!”

 

Bỗng bê “ối chết!”

Uống nước một hồi

Lên bờ nhìn lại

“Đúng ao bèo rồi!

Bò mẹ

Bò mẹ vừa đẻ con,

Chú bê vàng tí hon

Rúc đầu vào vú mẹ

Bú từng hồi rất ngon.

 

Bò mẹ quay nhìn con,

Đôi tai hơi động đậy,

Thấy ruồi trên lưng bê,

Đuôi bò mẹ phe phẩy.

 

Bê con lớn trông thấy,

Bò mẹ lại như gầy;

Em thương bò mẹ lắm

Cắt từng ôm cỏ đầy.

 

Nhìn bê nằm, mẹ liếm,

Em nghĩ, thấy vui vui:

Chỉ một bụng bò mẹ

Bao nhiêu bê ra đời…

Đàn gà mới nở

Lông vàng mát rượi

Mắt đẹp sáng ngời

Ơi! Chú gà ơi!

Ta yêu chú lắm!

 

Mẹ dang đôi cánh

Con biến vào trong

Mẹ ngẩng đầu trông

Bọn diều, bọn quạ

 

Bây giờ thong thả

Mẹ đi lên đầu

Đàn con bé xíu

Líu ríu chạy sau

 

Con mẹ đẹp sao

Những hòn tơ nhỏ

Chạy như lăn tròn

Trên sân, trên cỏ

 

Vườn trưa gió mát

Bướm bay rập rờn

Quanh đôi chân mẹ

Một rừng chân con.

Chú bò tìm bạn

Mặt trời rúc bụi tre

Buổi chiều về nghe mát

Bò ra sông uống nước

Thấy bóng mình, ngỡ ai

 

Bò chào: - “Kìa anh bạn!

Lại gặp anh ở đây!”

Nước đang nằm nhìn mây

Nghe bò, cười nhoẻn miệng

 

Bóng bò chợt tan biến

Bò tưởng bạn đi đâu

Cứ ngoái trước nhìn sau

“Ậm ò” tìm gọi mãi…

Bê đòi bú

- Nhanh cho con bú tí

Đói, đói rồi mẹ ơi!

- Gì mà nhặng lên thế?

Mới nhả vú đấy thôi!

- Nhả vú là đói rồi

Mẹ ơi, con bú tí!

Sáo đậu lưng trâu

Thách anh trâu đấy

Đánh được sáo đen?

Anh quật đuôi lên

Sáo sà xuống đất

 

Anh quay sừng húc

Sáo lại lên lưng

Sáo mổ tứ tung

Là anh thua nhé!

Sáo ăn na

Sáo mổ na ăn

Thả rơi mấy hột

Năm sau bay qua

Khóm na lên tốt

 

Rồi na ra quả

Sáo đậu cành rung

Sáo đâu có biết

Chính na sáo trồng!

tho-pham-ho-voh-4
Ảnh: Canva

Thỏ con và mặt trăng

Thỏ chạy, trăng chạy

Thỏ đứng, trăng dừng

Thỏ con ngẩng mặt

Nhìn trăng lạ lùng:

- “Trăng ơi! Có phải

Trăng cũng có chân?”

Bê hỏi mẹ

- Mẹ uống sữa lúc nào

Mà sữa đầy vú mẹ?

Còn con bú nhiều thế

Sữa lại chạy đi đâu?

Ơ kìa, mẹ không nói

Lại cứ cười là sao?

Đom đóm

- Anh đom đóm ơi!

Đèn anh xanh ngắt

Gió thổi không tắt

Anh xách đi đâu?

- Tôi ra đầu cầu

Cho cóc tối tối

Đi học bình dân

Rồi tôi đến trường

Làm đèn bạn học.

Ngỗng và vịt

Ngỗng không chịu học

Khoe biết chữ rồi

Vịt đưa sách ngược

Ngỗng cứ tưởng xuôi

Cứ giả đọc nhẩm

Làm vịt phì cười

Vịt khuyên một hồi:

- Ngỗng ơi! Học! Học!

Bướm em hỏi chị

- Chị ơi vì sao

Hoa hồng lại khóc?

- Không phải đâu em!

Đấy là hạt ngọc

Người gọi là sương

Sao đêm gửi xuống

Tặng cô hoa hồng…

Gấu đen

Gấu đen chụp ảnh

Gửi tặng bạn thân

Gấu trắng, thợ giỏi

“Tách” cái, chụp xong

Lúc nhận ảnh xem

Gấu đen trợn mắt:

- Sao mình bé choắt

Lại cụt cả chân?

Chụp chẳng nên thân

Này đây, trả cậu!

Thơ Phạm Hổ về thực vật đầy sinh động cho thiếu nhi

Nhà thơ Phạm Hổ không chỉ nổi tiếng với những bài thơ về thế giới động vật mà còn có nhiều tác phẩm về cây cối, hoa lá một cách sinh động, chân thực, giúp các em nhỏ khám phá thiên nhiên một cách thú vị và bổ ích.

Bắp cải xanh

Bắp cải xanh

Xanh mát mắt

Lá cải sắp

Sắp vòng tròn

Búp cải non

Nằm ngủ giữa.

Củ cà-rốt

Lá xanh

Củ đỏ

Lớn nhỏ

Bên nhau

Đất đội

Ngập đầu

Nhảy lên

Đẹp thật!

Tên em

Cà-rốt

Củ đỏ

Lá xanh...

Thị 

Lá xanh quả xanh

Lặng im trên cành

Lá xanh quả vàng

Chim chuyền rung rinh

 

Người qua nhìn lên

Thị thơm nhìn xuống

Thị muốn theo về

Chơi cùng trẻ xóm

 

Túi thị lủng lẳng

Bé xách trong tay

Có thị cạnh má

Bé càng ngủ say

 

Bà kể: “Thị này

Ngày xưa cô Tấm

Chui vào đây trốn

Đợi ngày gặp vua...”

Khế

Hoa từ cành cao

Rủ nhau xuống giếng

Tắm xong, hoa tím

Theo gầu nước lên

 

Ai nặn nên hình

Khế chia năm cánh?

Khế chín đầy cây

Vàng treo lóng lánh...

 

Con cua, con hến

Giữa ruộng, ven sông

Nấu chung sao khế

Cơm canh ngọt lòng.

Na

Na non xanh

Múi loắt choắt

Na mở mắt

Múi nở to

Na vào vò

Đua nhau chín.

 

Môi chúm chím

Hút múi na

Hạt nhả ra

Đen lay láy.

 

Ra tháng tư

Chín tháng bảy

Chào mào nhảy

Suốt mùa na.

 

Nay chợ gần

Mai chợ xa

Trẻ đón quà

Na nằm rổ.

 

Tay cháu nhỏ

Rửa sạch na

Sờ mặt bà

Còn thơm phức…

tho-pham-ho-voh-5
Ảnh: Canva

Ổi

Không có gió

Cành vẫn lay

Người hái ổi

Lẫn trong cây

 

Chìa bàn tay

Cho ổi xuống

Lòng lo lo

Không đón trúng

 

Ổi tặng bạn

Quả ổi ngon

Đã chín trắng

Lại mập tròn

 

Sống chung vườn

Bao dòng họ

Đây: ổi đào

Kia: ổi mỡ!

 

Đào: ruột hồng

Mỡ: ruột trắng

Đẹp dấu răng

Ai mới cắn

 

Bạn sơ tán

Về vui đông

Ổi trong vườn

Không chín kịp

 

Xong tối học

Ngủ bên nhau

Dơi vườn sau

Khua ổi rụng.

Vải

Tu hú kêu từ xa

Vải chín đỏ như hoa

Qua sông xanh, bãi mật

Vải chia đi trăm nhà...

 

Đây! giống vải quê ta:

Tròn xinh như trứng gà

Vỏ mỏng, lỏi lụa trắng

Mát tay người bóc ra

 

Chờ vải lúc còn hoa

Ngắm vải mỗi lần qua

Mười điểm đỏ trang vở

Vải càng ngon ngon là!

Dứa

Mỗi cây một quả

Lá gai xương cá

Con sóc đến mùa

Trộm tối, trộm trưa...

 

Đầu xanh mũ vua

Mình vàng áo giáp

Một trăm con mắt

Nhìn quanh bốn bề

 

Đồi nắng dứa về

Đẹp trên đất đỏ

Một quả sóc ăn

Thơm lừng trong gió.

Đu đủ

Thân đầy dấu lá

Cộng tỏa như dù

Ôm quanh cổ mẹ

Quả tròn chen nhau

 

Dù trời mưa lâu

Dù sương lạnh trắng

Quả vẫn chín vàng

Đẹp tươi như nắng

 

Thân già mốc trắng

Nuôi con lớn đều

Quả chín xa mẹ

Sữa còn mang theo.

Thơ Phạm Hổ viết cho thiếu nhi 4 câu, ngắn gọn

Sau đây là những bài thơ Phạm Hổ viết cho thiếu nhi ngắn gọn, phù hợp sắc màu tuổi thơ.

Soi gương

- Có ai đang khóc nhè

Mà soi gương không bố?

- Một đứa khóc đủ rồi

Soi chi thành hai đứa?

Kêu

Gâu! Gâu! Gâu! Chó hỏi

Ịt! Ụt! Ịt! Lợn đòi

Meo! Meo! Meo! Mèo trách

Bê! Bê! Bê! Dê cười...

Bàn chân của bé 

Bàn chân của bé

Đi dép đẹp thêm ra

Dép cũng vui thích lắm

Theo chân đi khắp nhà.

Mèo và tro bếp

Tro bếp làm đệm

Mèo ta khoanh tròn

Cả hai cùng ấm

Cùng ngủ thật ngon.

tho-pham-ho-voh-6
Ảnh: Canva

Miệng xinh

Các cháu chơi với bạn

Cãi nhau là hết vui

Miệng các cháu xinh thế

Chỉ nói điều hay thôi.

Ngựa con

Ngựa cha đi móng sắt

Bật lửa đá dưới chân

Ngựa con thấy kêu ầm:

- “Bố ơi! Chân bố cháy!”

Ngủ rồi

Mẹ gà hỏi con:

- Ngủ chưa đấy hả?

Cả đàn nhao nhao:

- Ngủ rồi đấy ạ!

Tre

Tre cho bóng dỡn

Trên lưng bò vàng

Bây giờ tre mệt

Bóng nằm ngủ ngon.

Thỏ dùng máy nói

- Thỏ đây! Ai nói đấy?

Mèo à? Mèo thế nào?

Mình không trông thấy cậu

Nhỡ đứa khác thì sao?

Trên đây là tuyển chọn những bài thơ hay nhất của Phạm Hổ mà VOH gửi đến bạn. Có thể nói, Phạm Hổ là một nghệ sĩ suốt đời vì thế hệ trẻ. Những tác phẩm của ông vẫn sẽ là người bạn tinh thần đồng hành với thiếu nhi Việt Nam theo năm tháng.

Đón đọc thêm nhiều tác giả cùng các bài thơ hay tại chuyên mục Sống đẹp của voh.com.vn.

Bình luận