Giải thích ý nghĩa thành ngữ “trọng nghĩa khinh tài” là gì?

VOH - Câu “trọng nghĩa khinh tài” mang nghĩa xây dựng một mẫu người sẵn sàng bỏ qua cám dỗ vật chất để hướng đến sự cao đẹp hơn. Cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về ý nghĩa của câu nói này nhé.

Từ xưa người Việt Nam đã có câu “trọng nghĩa khinh tài”, nó được dùng để răng dạy con cháu về việc xem trọng đạo lý và lễ nghĩa, không nên quá xem trọng tài vật ngoài thân. 

Thế nhưng cho đến hiện tại vẫn còn một số người hiểu sai về ý nghĩa của câu nói này. Vậy trọng nghĩa khinh tài là gì? Ý nghĩa của từng chữ ra sao? Cùng chúng tôi tìm hiểu ngay dưới đây nhé.

1. Trọng nghĩa khinh tài là gì?

“Trọng nghĩa khinh tài” là một câu thành ngữ được dùng thuần theo từ Hán Việt. Vì vậy, nhiều người thường gặp khó khăn trong việc nắm bắt được nội dung cốt lõi hay ý nghĩa của mỗi từ được nhắc đến trong câu thành ngữ đó. 

Ý nghĩa thành ngữ “trọng nghĩa khinh tài” là gì? 1

Không thể vì tiền bạc trước mắt mà bỏ qua việc làm chính nghĩa, đạo đức

Thậm chí còn có một số người cho rằng “khinh tài” trong câu tục ngữ này là chỉ đến tài năng của một người. Đây là một định nghĩa hoàn toàn sai lầm về câu tục ngữ trên.

Ý nghĩa thực sự của câu tục ngữ “trọng nghĩa khinh tài” là đem nghĩa (lễ nghĩa, đạo lý, chính nghĩa..) đối lập với tài (vật chất, tiền tài ngoài thân) để người đọc học cách xem trọng việc nghĩa và xem nhẹ của cải vật chất. Từ đó xây dựng lên mẫu người biết cách bỏ qua cám dỗ vật chất để hướng đến sự cao đẹp hơn trong cuộc sống. 

“Trọng nghĩa khinh tài” cũng là một lời nhắc nhở của cha ông đến với con cháu đời sau. Dẫu sau này có gặp phải bất kỳ khó khăn nào trên đường đời thì cũng không thể vì tiền bạc trước mắt mà bỏ qua việc làm chính nghĩa, đạo đức của một con người. Tiền bạc vốn chỉ là một vật ngoài thân, chỉ có chính nghĩa và đạo đức là được ghi nhớ và làm cho xã hội đẹp hơn.

Xem thêm: ‘Cần cù bù thông minh’ - đức tính tốt để thành công trong cuộc sống

2. “Trọng” và “khinh” trong câu tục ngữ được hiểu theo nghĩa nào?

“Trọng” trong câu “trọng nghĩa khinh tài” có rất nhiều nghĩa, trong đó ta có thể hiểu theo 2 nghĩa chính là: Nặng, coi là nặng và tôn quý, tôn kính. 

Ý nghĩa thành ngữ “trọng nghĩa khinh tài” là gì? 2
Trong câu “trọng nghĩa khinh tài” từ khinh được hiểu là xem nhẹ vật chất.

Theo nghĩa thứ nhất thì trọng chính là chỉ trọng lượng, sức nặng của một vật hay một việc nào đó. Lấy ví dụ cụ thể như: trọng trách là trách nhiệm nặng nề, trọng thương là bị thương rất nặng.

Về nghĩa thứ 2 thì trọng có nghĩa là tôn trọng, tôn kính, ví dụ như: “Cha mẹ tôi rất trọng bác ấy bởi bác luôn quên mình, chỉ nghĩ đến mọi người”. Và với câu thành ngữ “trọng nghĩa khinh tài” thì từ trọng được hiểu theo nghĩa thứ nhất là “nặng”.

Ngược lại với trọng chính là “khinh”, khinh ở đây chính là xem nhẹ, coi nhẹ một vật hoặc một việc nào đó. Ví dụ cụ thể như: khinh thân là xem cái thân của mình là nhẹ, khinh khí tức là khí nhẹ,.. 

Ngoài nghĩa là xem nhẹ thì khinh còn được hiểu là sự bày tỏ thái độ không hài lòng với với điều gì đó. Chẳng hạn như là khinh thường, khinh miệt, khinh bỉ, khinh mạn. Trong câu “trọng nghĩa khinh tài” từ khinh được hiểu là xem nhẹ vật chất.

Xem thêm: Những câu thành ngữ dạy người ta cách ứng xử trong cuộc sống

3. “Nghĩa” và “tài” trong tục ngữ có phải chỉ về nghĩa khí và tài năng?

Từ “nghĩa” trong tiếng Việt có nội dung rất rộng và từ “nghĩa” trong “trọng nghĩa khinh tài” là: Một việc phải làm, một chủ trương đúng; sự hào hiệp,việc đúng, việc nên làm bởi hợp đạo lý. 

Những người theo học thuyết nho giáo ngày xưa cũng thường nói là con người nhất định phải có nhân và có nghĩa, cho dù là làm việc lớn hay việc nhỏ đều cần phải có nghĩa. Đây được xem là điều tối thiểu mà người nào cũng phải có.

Về nghĩa chữ “tài” trong “trọng nghĩa khinh tài” có rất rất nhiều người hiểu sai về điều nó muốn nhắc đến. Đúng theo nghĩa Hán Việt thì tài được hiểu là tài năng, năng lực cao hơn người khác. 

Nhưng bạn cần biết “tài” ở đây còn được hiểu là vật chất, tiền tài, của cải. Tùy theo tình huống và câu nói mà bạn có thể hiểu nghĩa của từ “tài” này theo nghĩa tài năng hay tiền bạc. Trong câu “trọng nghĩa khinh tài” thì chữ “tài” được nhắc đến ở đây là chỉ tiền bạc, của cải.

Xem thêm: Bài học sâu sắc và quý giá qua câu tục ngữ ‘Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại’

4. “Trọng nghĩa khinh tài” - bài học về sự cao đẹp trong cuộc sống

Tiền bạc, của cải, địa vị là những cám dỗ mạnh mẽ mà không phải ai cũng có đủ tỉnh táo để khước từ. Thậm chí một số người còn chấp nhận từ bỏ đạo đức, tình nghĩa, chuẩn mực cách sống để theo đuổi những thứ xa hoa, phù phím. Về lâu dài, bản tính đơn thuần của con người cũng sẽ bị tha hóa và phát triển theo chiều hướng xấu.

Ý nghĩa thành ngữ “trọng nghĩa khinh tài” là gì? 3
“Trọng nghĩa khinh tài” - bài học về sự cao đẹp trong cuộc sống

Tác hại của việc ham vinh hoa phú quý là vô tận, không chỉ suy đồi đạo đức, tình cảm gia đình, bạn bè rạn nứt mà bản chất xã hội cũng bị ảnh hưởng. Từ lâu cha ông ta đã sớm hiểu được vấn đề này nên truyền đạt lời răn dạy làm người thông qua câu tục ngữ “trọng nghĩa khinh tài”.

Như đã nói đến ở trên thì “trọng nghĩa khinh tài” chính là coi trọng những việc làm chính nghĩa, những việc có ý nghĩa lớn lao, cần thiết, cần phải làm. Đồng thời nên xem nhẹ tài lợi trước mắt, tiền bạc vốn dĩ là phù du không nên quá xem trọng tiền bạc.

Câu tục ngữ này đã đem cái nghĩa cao quý ấy đối lập với cái tài tầm thường để người đọc hiểu và học cách coi trọng đạo nghĩa cũng như xem nhẹ tiền tài. Có thể nói mục đích cuối cùng của câu thành ngữ này là xây dựng nên một người biết bỏ qua cám dỗ vật chất để hướng đến sự cao đẹp hơn trong cuộc sống và xã hội.

Xem thêm: Trong cuộc sống đừng để ‘Cái khó bó cái khôn’

Hy vọng với những kiến thức vừa chia sẻ sẽ giúp bạn phần nào hiểu được ý nghĩa của câu thành ngữ “trọng nghĩa khinh tài”. Đồng thời học cách vượt qua cám dỗ tiền tài để xây dựng một cuộc sống cao đẹp hơn.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet