Đăng nhập

Để vinh quang không chỉ là bước khởi đầu

(VOH) - Những ngày qua, cảm xúc phấn khởi, ngất ngây hạnh phúc và tự hào vẫn vẹn nguyên với nhiều người hâm mộ Việt Nam, khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lập đại chiến công mang về chiếc HCV Olympic đầu tiên trong lịch sử thể thao nước nhà. Anh bước lên đỉnh cao Olympic bằng bản lĩnh và tinh thần thép, bằng động lực là niềm tự hào dân tộc mang theo làm hành trang khi đến Rio. Một tấm huy chương vượt ngưỡng làm cả thế giới bất ngờ và thán phục.

Các nhà lãnh đạo thể thao, giới truyền thông đã nhanh chóng đến chung vui và chúc mừng gia đình đại tá quân đội Xuân Vinh. Chiến tích hiển hách này cũng giúp xạ thủ quân đội vinh dự nhận được thư chúc mừng của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Mọi sự vinh danh đều hoàn toàn xứng đáng cho thành tích chưa từng có từ trước đến nay.

img thumbXem toàn màn hình

Nụ cười chiến thắng của xạ thủ số 1 Việt Nam - Ảnh: VNN

Còn nhớ, hồi đầu năm, thể thao Việt Nam cũng đã rưng rưng tự hào khi đội tuyển futsal quốc gia đã xuất thần lập chiến tích “đệ tứ anh hào” châu Á, và xuất sắc hơn nữa là đoạt vé tham dự World Cup futsal, giấc mơ cháy bỏng bao năm của người hâm mộ bóng đá. Nó chứng minh tiềm năng của bắn súng Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung hoàn toàn có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Có một điểm chung giữa những chiến tích này là điều thần kỳ được tạo nên từ rất nhiều khó khăn. Như futsal Việt Nam, ít nhiều chỉ mới phát triển ở dạng phong trào, nhưng từ muôn vàn khó khăn đã bước lên vũ đài thế giới.

Với bắn súng, câu chuyện tập bia giấy, súng không có đạn không còn mới, bởi kinh phí hạn hẹp. Ngay như Xuân Vinh thuộc diện đầu tư trọng điểm, nhưng điều kiện tập luyện còn hết sức hạn chế so với VĐV các nước. Rõ ràng, tiềm năng, kỳ vọng và khát khao chưa bao giờ thiếu, song điều kiện đầu tư của Việt Nam vẫn ở thế chông chênh, thiếu thốn và chắp vá.

Cần nói thêm, dù mang nhiều kỳ vọng, nhưng nếu đoàn thể thao Việt Nam trắng tay ở Rio kỳ này, như Olympic London 4 năm trước, có lẽ cũng không nhiều người bất ngờ. Song ngoài cả mong đợi, Xuân Vinh đã làm điều phi thường để bước lên đỉnh cao Olympic.

Trong niềm vui có lẽ không nên nói nhiều đến những hoài nghi. Song từ thực tế của thể thao Việt Nam từ trước đến nay, cần phải nhắc lại rằng, để ngọn lửa  tự hào mà Xuân Vinh vừa thắp lên tại Olympic có thể luôn được tiếp nối và rực sáng, chắc chắn cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa của ngành thể thao, cũng như sự chung tay của toàn xã hội.

Đã từng có những bài học, như khi Trần Hiếu Ngân đoạt HCB Sydney 2000. Tưởng như đó là cú hích để taekwondo phát triển mạnh mẽ, thế nhưng sau những bước tiến đáng mừng, chính tại Olympic lần này, taekwondo Việt Nam đã hụt hơi, không thể nào đoạt vé chính thức.

Hay như môn cử tạ, khi Hoàng Anh Tuấn đoạt HCB tại Olympic Bắc Kinh 2008, cử tạ Việt Nam được kế thừa với những Trần Lê Quốc Toàn, Nguyễn Trần Anh Tuấn, và đặc biệt là Thạch Kim Tuấn. Là niềm hy vọng lớn nhất giành huy chương Olympic của đoàn Việt Nam - hơn cả Xuân Vinh, thế nhưng cuối cùng Kim Tuấn lại thất bại. Đúng ra, thất bại không đáng trách, nhưng cái cách mà Kim Tuấn rời sân chơi Olympic cho thấy, thể thao Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Môn bơi lội tại Rio lần này cũng đặt nhiều kỳ vọng vào Ánh Viên, song cũng chỉ là sự nuối tiếc trong những ngày thi đấu vừa qua.

HCV Olympic của Hoàng Xuân Vinh đã đưa thể thao nước nhà lên tầm cao mới. Khi quốc kỳ Việt Nam tung bay và quốc ca Việt Nam vang vọng trên bầu trời Rio, chính là lời khẳng định Việt Nam hoàn toàn có đủ tiềm năng, đủ khả năng cạnh tranh sòng phẳng trong cuộc đua tranh cùng thế giới. Bước lên đỉnh cao đã khó, song để giữ vững và duy trì thành tích càng khó hơn bội lần. Mong rằng, tấm HCV lịch sử hôm nay chỉ là bước khởi đầu cho những vinh quang đỉnh cao của thể thao Việt Nam trên Đài quốc tế.

Bình luận