Chờ...

Một thời kỳ mới cho Nhật Bản

(VOH) - Ngày 16/9, Quốc hội Nhật Bản đã chính thức phê chuẩn ông Suga Yoshihide làm Thủ tướng mới của Nhật Bản.

Trong phát biểu tuyên thệ nhậm chức, tân Thủ tướng Nhật Bản Suga cam kết tiếp tục các chính sách kinh tế Abenomics của người tiền nhiệm Shinzo Abe và tập trung vực dậy các vùng kinh tế, đồng thời khẳng định ưu tiên hàng đầu của ông tại thời điểm hiện nay là ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định chặng đường 1 năm cầm quyền của tân Thủ tướng Suga sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Tân Thủ tướng Yoshihide Suga
Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga.

Ngay trong chiến dịch tranh cử chức chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP), ông Suga đã cam kết sẽ tiếp tục các chính sách kinh tế Abenomics, trong đó có việc duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng, đồng thời duy trì chương trình kích cầu du lịch nội địa “Go To Travel” nhằm mang lại sức sống mới cho ngành du lịch, vốn đang gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19.

Tuy nhiên, điểm khác biệt trong chính sách kinh tế của Thủ tướng Suga (Suganomics) so với người tiền nhiệm có thể nằm ở chính sách tài khóa, bởi ông từng tuyên bố: "Tôi muốn tiếp tục Abenomics và nâng cao chính sách này”. Thay vì chính sách tăng cường chi tiêu công để kích thích tăng trưởng của người tiền nhiệm, ông Suga có thể sử dụng cách tiếp cận ôn hòa hơn, đó là kết hợp giữa chính sách tài khóa mở rộng và các cải cách chi tiêu. Cùng với vực dậy nền kinh tế, một trong những ưu tiên chính sách khác của Thủ tướng Sư-ga là khống chế dịch COVID-19. Ông chủ trương dùng mọi biện pháp có thể để khống chế dịch bệnh theo năng lực y tế của Nhật Bản.

Về khả năng sửa đổi Hiến pháp, Thủ tướng Suga chủ trương sẽ tìm cách sửa đổi văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất này trên cơ sở các đề xuất về sửa đổi Hiến pháp mà đảng Dân chủ Tự do LDP đã thông qua hồi năm 2018, trong đó có việc làm rõ sự tồn tại của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản  trong Điều 9 của Hiến pháp. Tân Thủ tướng Suga cam kết thúc đẩy các cải cách hành chính nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các bộ, ngành. Ông Suga đã đưa ra ý tưởng xóa bỏ sự phân chia theo chiều dọc giữa các bộ, ngành nhằm mang lại sức sống mới cho Nhật Bản. Bên cạnh đó, ông Suga dự định sẽ thiết lập một cơ quan thuộc chính phủ nhằm chỉ đạo thống nhất chính sách số hóa ở tất cả các bộ, ngành.

Về chính sách đối ngoại và an ninh, tân Thủ tướng Suga khẳng định sẽ tiếp tục các chính sách đối ngoại và an ninh của người tiền nhiệm. Cụ thể, ông Suga coi quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Cùng với đó, chính phủ mới sẽ tiếp tục thực hiện “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa” và nỗ lực hồi hương các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980.

Đối với mối quan hệ với Trung Quốc, tân Thủ tướng Suga chủ trương xây dựng quan hệ ổn định với Trung Quốc và các nước láng giềng. Với 8 năm đảm nhiệm cương vị Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản, Thủ tướng Suga coi trọng việc duy trì các mối quan hệ láng giềng và hợp tác khu vực Đông Á, và đây có thể được coi là điểm đột phá về các vấn đề đối ngoại của ông trong tương lai.

Liên quan tới chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhật Bản, ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 4/2020 nhưng đã bị hoãn vì dịch COVID-19, Thủ tướng Suga nêu rõ hiện vẫn chưa phải là thời điểm quyết định về lịch trình của chuyến thăm này vì Nhật Bản cần ưu tiên cho các biện pháp đối phó với virus SARS CoV-2. Nhiều khả năng Thủ tướng Suga sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước di chuyển cơ sở sản xuất về Nhật Bản hoặc sang Đông Nam Á nhằm giảm sự phụ thuộc quá mức vào nước láng giềng này. Trước đó, cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã chi 2,2 tỷ USD cho chương trình này giúp hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản.

Đối với khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, giới phân tích nhận định nhiều khả năng Thủ tướng Suga sẽ tiếp tục các nỗ lực tăng cường quan hệ với khu vực này như người tiền nhiệm. Ông Masataka Fujita, Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC) cho rằng: “Cho dù bất cứ ai trở thành thủ tướng mới ở Nhật Bản, quan hệ với ASEAN và Việt Nam sẽ không thay đổi bởi vì quan hệ của Nhật Bản với ASEAN và Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh mẽ như trước đây”.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định tân Thủ tướng Nhật Bản đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là kiểm soát dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế. Đây cũng là hai thách thức lớn nhất về đối nội của ông Suga, trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng âm trong ba quý liên tiếp và rơi vào suy thoái, giữa lúc dịch bệnh lại có dấu hiệu tái bùng phát. Bên cạnh đó, tân Thủ tướng Suga cũng phải đưa ra giải pháp thúc đẩy cải cách cơ cấu kinh tế, giảm thâm hụt tài chính, cải thiện xã hội già hóa và giảm tỷ lệ sinh. Về đối ngoại, thách thức lớn nhất của ông Suga là tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ ngoại giao, giữa một bên là đồng minh an ninh chiến lược Mỹ và bên kia là Trung Quốc, đối tác thương mại chủ chốt.

Thực tế cho thấy việc xử lý vấn đề địa lý và cân bằng địa chính trị là hai yếu tố chính ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Trong khi đó, sự gần gũi về địa lý giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng như cạnh tranh địa chính trị âm ỉ giữa hai cường quốc về chủ quyền biển Hoa Đông cùng với việc Trung Quốc trỗi dậy thay thế Nhật Bản trở thành nhân tố kinh tế có ảnh hưởng trên các diễn đàn toàn cầu khác nhau, khiến cho hai từ “Trung Quốc” luôn nằm trong ưu tiên chính sách đối ngoại của Nhật Bản.

Trong bối cảnh thời đại Abe Shinzo sắp kết thúc và tình hình an ninh Nhật Bản ngày càng bấp bênh hơn do đại dịch COVI19, việc xem xét phương hướng chính sách của Nhật Bản đối với Trung Quốc trong giai đoạn tới sẽ là ưu tiên đặt ra hiện nay. Abe Shinzo, Thủ tướng có thời gian cầm quyền lâu nhất của Nhật Bản và cũng là người có uy tín cao trong chính trường Nhật Bản nhờ chính sách đối ngoại táo bạo và năng động, đặc biệt với Trung Quốc. Vì thế, tân Thủ tướng Suga chắc chắn sẽ kế thừa các đường lối hiện tại của người tiền nhiệm đẻ lãnh đạo đất nước Nhật Bản bước sang một kỷ nguyên mới.

Xem thêm: