Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.
Khó không chỉ chuyện cấp cứu được tính từ phút, nhiêu khê hơn nhiều là bệnh không hẳn lúc nào cũng có triệu chứng báo động đủ sớm để bệnh nhân kịp thời gõ cửa thầy thuốc trước khi quá muộn. Chính vì thế nên biết ai thuộc nhóm “khách hàng thân thiết” của phòng cấp cứu.
“Họa” vì thuyên tắt mạch vành thường không “vô đơn chí”. Trái lại, bệnh rõ ràng hay gõ cửa các miếng “mồi ngon’ dưới đây:
- Đã bị cao huyết áp nhưng xao lãng chuyện uống thuốc
- Ngược lại, thường có huyết áp “là đà ngọn cỏ” nhưng vẫn kiêng khem ác liệt vì sợ … mập
- Có thói quen ăn trưa quá nhanh và quá no
- Trái lại, thường quá đói vào buổi chiều vì nhịn bữa ăn trưa
- Đổ nhiều mồ hôi trong giờ làm việc nhưng quên uống nước
- Mắc bệnh tiểu đường hay bệnh tuyến giáp nhưng không điều trị đến nơi đến chốn
- Đã được phát hiện thiếu máu cơ tim thông qua điện tâm đồ và xét nghiệm sinh hóa nhưng không chịu điều chỉnh nếp sinh hoạt và điều trị đến nơi đến chốn
- Rối loạn kinh nguyệt với kỳ kinh có khuynh hướng kép dài không dưới 5 ngày
- Quen dùng thuốc an thần, trấn kinh, giảm đau,… cho dù bệnh không nặng đến độ phải dùng ngay thuốc mạnh.
Lưu ý các triệu chứng
Nhồi máu cơ tim không bao giờ là chuyện nhỏ. Đối tượng có một trong các triệu chứng dưới đây nên nhanh chân gõ cửa thầy thuốc vì thà hố vẫn tốt hơn trở tay không kịp:
- Cảm giác khó chịu như nhức đầu, chóng mặt, ù tai xảy ra quá thường trong thời gian gần đây.
- Đã từng có cảm giác đau nhói ngực lan ra cánh tay trái hay tê rần vùng hàm dưới
- Cảm thấy khó chịu trong lồng ngực lúc đang uống nước đá.
- Mắt bỗng tối xầm dù chỉ thoáng qua không đầy một giây trong lúc dang nắng.
- Huyết áp tăng đột ngột mỗi lần quên uống thuốc tim mạch.
Nhồi máu cơ tim không bao giờ là chuyện nhỏ
Tốt nhất vẫn là phòng bệnh
Phòng cháy bao giờ cũng đơn giản hơn chữa cháy. Đã vậy cấp cứu nhồi máu cơ tim chẳng khác nào cháy nhà tranh trong ngõ hẽm cụt xe, chữa lửa vào không được! Đừng quên nhồi máu cơ tim là lý do khiến bệnh tim mạch đứng đầu trên bảng tỷ lệ tử vong.
Đáng nói là phía sau căn bệnh này hầu như bao giờ cũng có bàn tay phá hoại ngấm ngầm của cuộc sống quá căng thẳng. Không lạ gì nếu thầy thuốc chuyên khoa tim mạch ở Hoa Kỳ, nơi chắc chắn không thiếu thuốc đặc hiệu, đang khuyên người dân bên đó phòng bệnh bằng cách tập… thiền! Nếu có cách nào để dẫn truyền thần kinh của con tim đã mệt nhoài tuy phải thay đổi theo nhịp sinh học nhưng đừng thái quá thì đó là một trong các biện pháp đơn giản để phòng ngừa hậu quả nghiêm trọng.
Cố bác sĩ kiêm nghệ sĩ Trương Thìn có một bản nhạc với tựa đề rất hay: “Chậm lại đi em”. Đáng tiếc cho người bệnh tim cũng như cho người chưa bệnh tim vì nhiều khi chỉ cần chậm lại ít phút đã đủ để khỏi gặp thầy thuốc phòng cấp cứu. Đừng quên ngày nào cũng có đến 1.440 phút! Ấy vậy mà ít ai chịu tốn ít phút. Đó là chưa kể đến những giây phút đợi chờ có khi tưởng chừng đăng đẳng như thiên thu.