Chờ...

Bị sỏi thận nên ăn gì và kiêng gì?

VOH - Người bị sỏi thận ngoài việc uống thuốc điều trị cần đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn uống để bệnh nhanh khỏi và khó tái phát. Vậy bị sỏi thận nên ăn gì và kiêng gì?

Sỏi thận là căn bệnh thuộc đường tiểu - sinh dục phổ biến thứ 3 sau các bệnh viêm nhiễm và tuyến tiền liệt.

Nguyên nhân gây bệnh là do rối loạn trao đổi chất khoáng không tan và tích tụ trong cơ thể, lâu dần hình thành sỏi.

Loại sỏi hay gặp nhất là sỏi canxi gồm canxi oxalat, canxi photphat và sỏi canxi oxalat photphat. Các loại sỏi ít gặp hơn là sỏi acid uric, sỏi cystin.

Ảnh minh họa – 22-09-2024

Ảnh minh họa: Internet

Bị sỏi thận nên ăn gì?

Thực phẩm giàu canxi

Có nhiều ý kiến cho rằng mắc bệnh sỏi thận nên hạn chế bổ sung canxi thì hoàn toàn không đúng.

Khi cơ thể thiếu hụt canxi sẽ dẫn đến tình trạng loãng xương và bắt buộc nó phải hấp thụ thêm oxalat. Điều này làm tình trạng sỏi thận trở nên nặng hơn.

Thế nên, hãy bổ sung một lượng canxi cần thiết cho cơ thể bằng cách nạp một số thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày như: Các loại hạt, phô mai, sữa chua, các loại họ đậu, cá hồi...

Thực phẩm giàu vitamin (vitamin A, vitamin D, vitamin B6)

Đây là các loại vitamin có lợi cho người bị sỏi thận, chẳng hạn như vitamin D sẽ giúp cho việc hấp thụ và chuyển hóa canxi tốt hơn, vitamin B6 có thể làm giảm khả năng hình thành oxalat, còn vitamin A sẽ có tác dụng điều hòa hệ thống bài tiết nước tiểu, hạn chế sự hình thành sỏi thận.

Bạn có thể bổ sung các loại vitamin này qua các thực phẩm thường ngày, ví dụ như vitamin D sẽ có nhiều trong lòng đỏ trứng gà, cá biển, sữa...

Vitamin A thì lại có nhiều trong các loại rau củ như khoai lang, diếp cá, cà rốt... Đồng thời trong các loại hạt, trái cây, cám và gạo nguyên cám thì cũng rất giàu vitamin B6.

Dựa vào đó có thể thay đổi thực đơn hàng ngày để làm phong phú thêm bữa ăn cho người bị sỏi thận.

Thực phẩm giàu chất xơ

Chất xơ là gợi ý chuẩn xác cho câu hỏi bị sỏi thận nên ăn gì. Chất xơ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa thức ăn và hệ bài tiết.

Theo thống kê, mỗi ngày phụ nữ cần bổ sung khoảng 25 gram chất xơ và nam giới cần đến 38 gram chất xơ để giúp cơ thể hấp thụ thức ăn tốt hơn.

Bạn có thể cung cấp chất xơ cho cơ thể qua các loại rau và trái cây như: Bơ, dâu, chuối, cà rốt, củ cải, atiso, đậu Hà Lan...

Bổ sung các loại trái cây

Các loại trái cây chứa nhiều vitamin C như cam, quýt... có tác dụng làm giảm khả năng hình thành oxalat có trong cơ thể.

Ngoài ra, chúng còn chứa một lượng lớn hoạt chất citrate, giúp hòa tan một số thành phần hình thành sỏi thận.

Bạn có thể bổ sung thêm các dưỡng chất thiết yếu khi uống thêm một số loại nước khác như:

- Nước chanh: Chứa nhiều vitamin C và chất citrate giúp hạn chế khả năng hình thành sỏi thận.

- Trà lựu: Có công dụng giảm hàm lượng axit và hỗ trợ thải độc qua đường bài tiết.

- Nước ép nho: Nho có chứa nhiều chất chống oxy hóa có tác dụng đào thải độc tố.

Bổ sung đủ nước

Các loại chất lỏng, đặc biệt là nước lọc và thực phẩm chứa nhiều nước rất tốt cho người bệnh sỏi thận.

Bởi nước sẽ góp phần hòa tan các khoáng chất và cặn bã tích tụ bên trong cơ thể. Sau đó hỗ trợ đào thải chúng ra ngoài dễ dàng qua hệ thống bài tiết.

Uống đủ lượng nước mà cơ thể cần mỗi ngày sẽ giúp làm giảm bớt nguy cơ bệnh sỏi thận. Đồng thời làm giảm thiểu tác hại của sỏi thận gây ra cho cơ thể.

Hơn nữa viên sỏi có kích thước nhỏ sẽ có thể dễ dàng bị bào mòn và biến mất. Hãy luôn duy trì uống đủ từ khoảng 2 đến 2,5 lít nước mỗi ngày để tốt cho sức khỏe và quá trình kiểm soát bệnh.

Bị sỏi thận nên kiêng gì?

Hạn chế muối, đường

Muối chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra sỏi thận, gây tích tụ các gốc oxalate, chính là tiền đề tạo ra sỏi thận và dễ dẫn đến tình trạng suy thận.

Người bệnh nên ăn tối đa 3gr muối/ngày, ăn nhạt, ít muối trong thức ăn sẽ giúp người bệnh đạt hiệu quả tốt trong quá trình điều trị và tránh gây biến chứng về sau.

Bánh kẹo, đồ ngọt, đường chứa fructose và sucrose rất cao, chính là yếu tố gây ra sỏi thận và dẫn đến tiểu đường. Nó còn có khả năng làm tăng gốc oxalate nên cần hạn chế tối đa đường trong chế độ ăn uống.

Thực phẩm nhiều kali

Lượng kali có trong máu làm tăng áp lực lên thận. Từ đó, quá trình đào thải tinh thể sỏi thận ra ngoài bị giảm đi. Nếu nhắc đến sỏi thận kiêng gì thì không thể thiếu thực phẩm nhiều kali. Người bệnh không nên ăn bơ, chuối, khoai...

Thực phẩm giàu đạm

Chất đạm có thể gây tích tụ acid uric trong máu, hình thành tinh thể muối urat, lắng đọng tại thận và tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

Vì vậy, người sỏi thận được khuyên chỉ nên ăn tối đa 200g thịt/ngày, ưu tiên các loại thịt nạc, ức gà, hạn chế sử dụng hải sản, tôm, cua...

Thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên xào

Thức ăn nhanh, hay nhiều dầu mỡ, đồ chiên xào sẽ chứa nhiều đạm, nhiều dầu sẽ gia tăng lượng muối vào cơ thể.

Các loại thực phẩm này chỉ khiến thận quá tải và làm tình trạng bệnh tiến triển xấu hơn. Nên chế biến thức ăn dạng luộc, hấp vừa tốt cho sức khỏe vừa hạn chế gia tăng sỏi thận.

Hạn chế nước ngọt, cà phê

Không uống nhiều nước ngọt, nước có ga, cà phê, trà quá đậm... vì những loại đồ uống này dễ làm kết tủa và hình thành sỏi thận.