1. Nguyên nhân gây viêm gan B
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm với tác nhân gây bệnh chính là virus HBV hay còn gọi với tên thông thường là virus viêm gan B.
Viêm gan B có thể lây truyền qua những con đường sau đây:
Viêm gan B do virus viêm gan B gây ra (Nguồn: Internet)
1.1 Lây truyền qua đường máu
Viêm gan B có thể lây truyền từ người sang người qua việc tiếp xúc với máu của người nhiễm bệnh. Các hình thức lây truyền thường là vết thương hở; dùng chung kim tiêm, ống chích y tế; dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu,…
1.2 Lây từ mẹ sang con
Khi thai phụ bị nhiễm virus viêm gan B thì khả năng lây nhiễm viêm gan B cho thai nhi là rất cao.
1.3 Lây qua đường tình dục
Khi sinh hoạt tình dục không an toàn với người bị viêm gan B, bạn sẽ có nguy cơ bị nhiễm virus viêm gan B cao.
2. Dấu hiệu của viêm gan B
Triệu chứng viêm gan B không rõ ràng nên người bệnh rất khó nhận biết. Tuy nhiên, dù không có triệu chứng gì nhưng virus viêm gan B vẫn có thể gây tổn hại nặng nề đến gan, sau một thời gian sẽ phát triển âm ỉ.
Sau khi virus làm tổn hại đến gan, người bệnh sẽ gặp phải những triệu chứng sau đây:
2.1 Đối với viêm gan siêu vi B cấp tính
Viêm gan B cấp được hiểu là khi các biểu hiện triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, sự tồn tại của virus diễn ra và kết thúc trong vòng 6 tháng kể từ khi phơi nhiễm với virus. Dấu hiệu của bệnh viêm gan B giai đoạn này gồm có:
- Sốt nhẹ;
- Mệt mỏi, chán ăn;
- Đau vùng gan;
- Nổi mề đay, phát ban;
- Viêm khớp;
- Vàng da, vàng mắt, gan to gây đau,…
Khi bệnh diễn tiến nặng hơn có thể dẫn đến suy gan cấp với các biểu hiện như:
- Rối loạn đông máu;
- Xuất huyết da niêm mạc;
- Xuất huyết tiêu hóa;
- Hôn mê.
Thông thường, triệu chứng viêm gan B sẽ giảm dần trong 1 – 2 tháng. Một số bệnh nhân có thể bị vàng da kéo dài nhưng không quá 6 tháng.
Vàng da có thể là dấu hiệu của viêm gan B (Nguồn: Internet)
2.2 Đối với viêm gan siêu vi B mạn tính
Viêm gan B mạn tính có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, sự tồn tại của virus diễn ra và kéo dài trong 6 tháng hoặc lâu hơn. Khi đó, virus không bị đào thải mà tiếp tục sống trong cơ thể bệnh nhân.
Triệu chứng bệnh viêm gan B mãn tính gồm có:
- Mệt mỏi, chán ăn, ăn uống kém;
- Vàng da nhẹ.
Sau nhiều năm, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng của xơ gan như:
- Phù chân;
- Báng bụng;
- Xuất huyết da niêm mạc bất thường…
Hoặc bệnh có thể diễn tiến thành ung thư gan.
Viêm gan B cấp tính thường không cần điều trị theo phác đồ nào, vì đến 95% người trưởng thành hồi phục sau thời gian tự phát. Điều quan trọng là những người tiếp xúc với bệnh nhân viêm gan B cấp nên có xét nghiệm phơi nhiễm và tiêm vắc xin chủng ngừa kịp thời.
Khi bệnh phát triển thành viêm gan B mạn thì cần xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị sớm nhằm giảm nguy cơ mắc các bệnh về gan như xơ gan, ung thư gan và ngăn chặn khả năng lây lan cho người khác.
3. Xét nghiệm bệnh gan ở đâu?
Vì biểu hiện của viêm gan B chưa thật sự rõ ràng nên người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán. Thông thường, người bệnh cần làm một số xét nghiệm sau đây:
- Xét nghiệm máu.
- Siêu âm ổ bụng.
- Chụp X-quang.
- Soi phúc mạc.
- Sinh thiết gan.
Hầu hết các bệnh viện đa khoa của tỉnh, thành đều có thực hiện xét nghiệm bệnh gan. Vì vậy, nếu nghi ngờ có dấu hiệu của viêm gan B thì bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và làm các xét nghiệm.
Nếu bạn ở khu vực TPHCM có thể đến một số bệnh viện lớn sau đây để làm xét nghiệm bệnh gan:
- Khoa Nghiên cứu và điều trị viêm gan - Bệnh viện Chợ Rẫy
Địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TP.HCM
- Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM
Địa chỉ: số 764 Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, TP.HCM
- Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Địa chỉ: 215 Hồng Bàng, 11, Quận 5, TP.HCM
3.1 Nên tiêm phòng viêm gan B khi nào?
Tiêm vắc xin là cách để phòng ngừa viêm gan B hiệu quả (Nguồn: Internet)
Tiêm vắc xin viêm gan B là biện pháp phòng ngừa viêm gan B hiệu quả. Vậy nên tiêm vắc xin viêm gan B khi nào?
WHO khuyến cáo cần tiêm liều vắc xin viêm gan B đầu tiên càng sớm càng tốt trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và các mũi tiếp theo lúc 2, 3 và 4 tháng. Tiêm vắc xin viêm gan B có tác dụng tạo ra kháng thể bảo vệ ở hơn 95% trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh niên. Hiệu quả bảo vệ cao, kéo dài ít nhất 20 năm và có thể là suốt đời nếu nồng độ kháng thể kháng virus được tạo ra sau chích ngừa lớn > 1000 IU/L.