Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hóc xương cũng nguy hiểm chết người

(VOH) - Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Cao Minh Thức, bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), hóc dị vật đường ăn là một tình huống phổ biến, thường gặp nhất là hóc xương cá, gà, vịt… Những trường hợp nhẹ, xương có thể tự trôi xuống cổ họng nhưng với trường hợp hóc xương lớn thì đây lại là tai nạn thực sự nguy hiểm.

Dị vật nếu mắc ở cổ đến ngày thứ hai có thể gây ra áp xe cạnh cổ, áp xe trung thất do thủng thực quản, thậm chí thủng động mạch chủ, dẫn đến tử vong – bác sĩ Thức cho biết thêm.

Chiếc xương cá đôi khi cũng có thể gây nguy hiểm cho trẻ (Ảnh: enkivillage)

Xử lý khi trẻ bị hóc xương

Nếu bị hóc xương nhẹ, bé sẽ có cảm giác nuốt vướng, đau. Nếu xác định được trẻ bị hóc xương nhỏ, mềm, cha mẹ có thể sử dụng một vài mẹo đơn giản sau đây để khiến xương trôi xuống cổ:

  • Cho trẻ ngậm miếng vỏ cam hoặc miếng chanh nhỏ trong miệng một lúc, sau đó nuốt. Vỏ cam hoặc miếng chanh sẽ giúp xương cá bị mềm và tan vào nước bọt.
  • Cho trẻ ngậm viên vitamin C trong vài phút xương sẽ mềm và trôi xuống, không còn tạo cảm giác khó chịu nữa.
  • Cho trẻ ăn một miếng kẹo dẻo. Kẹo dẻo có kết cấu xốp dày, khi nhai trở thành nếp. Nhai sơ và nuốt, xương cá sẽ trôi xuống cùng với kẹo.
  • Cho trẻ nhai vài miếng bánh mì, đến khi bánh mì đủ ẩm thì nuốt để bánh mì có thể kéo xương xuống cổ họng mà không nghẹn.

Trong trường hợp làm các mẹo này mà bé vẫn cảm thấy khó chịu hay trẻ bị hóc xương gà, vịt, kèm nôn ói, không ăn uống được - đó là khi trẻ cần chăm sóc y tế chuyên nghiệp để có thể gắp xương ra khỏi cổ.

Lúc này, cha mẹ và người thân của bé hãy trấn an trẻ, không để trẻ cào cấu, la khóc; tuyệt đối không lấy tay móc họng bé để tránh cổ họng bị trầy xước hoặc xương cắm sâu hơn.

Cách tốt nhất là cha mẹ đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được gắp dị vật ra càng sớm càng tốt. Nếu để lâu ở nhà, hậu quả và biến chứng sẽ rất nặng.

Phòng tránh hóc xương ở trẻ nhỏ

Mỗi bậc cha mẹ, khi sinh con ra là mang theo bao lo lắng như sợ con chấn thương, bệnh tật, sợ con bị bắt nạt, và đủ thứ lo lắng khác ngay cả khi đứa trẻ đã trưởng thành. Điều mà các bậc cha mẹ cần làm là đối mặt với tất cả và chuẩn bị cho tất cả mọi thứ có thể xảy ra bằng cách đọc sách, học cách để sơ cứu cho trẻ khi bỏng tay, đứt tay, té bưu đầu, thậm chí là sơ cứu chuyên nghiệp hơn khi trẻ bị hóc dị vật đường thở, sặc nước hay hóc xương…

Cha mẹ cần gỡ xương kĩ trước khi cho trẻ ăn cá (Ảnh: whattoexpect)

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bảo bọc con quá chặt chẽ để phòng tránh tất cả hiểm họa xung quanh, kể cả việc tránh cho trẻ tập ăn thịt gà, vịt, cá… Tuy nhiên, đây là những thức ăn rất tốt cho sự phát triển của trẻ và trẻ cần được ăn và hướng dẫn cách ăn, cách nhằn xương…

Các bậc cha mẹ chỉ chú ý hơn khi chế biến thức ăn cho trẻ ở lứa tuổi tập ăn. Cụ thể:

  • Không cho trẻ ăn thịt lẫn xương mà nên lọc thịt riêng, xương riêng.
  • Nếu cho trẻ ăn cá, nên gỡ kỹ xương.
  • Nên ăn chậm, nhai kỹ, tránh các trường hợp phải ăn vội vàng.
Bình luận