Mỗi trang hình ảnh là một câu chuyện kể!

(VOH) - Trong cuộc đời làm nghề, rất ít bác sĩ trong chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh cho ra mắt một quyển sách nói về nghề, về những ca bệnh thể hiện rõ ràng, đậm chất dưới góc nhìn siêu âm.

Bác sĩ Nguyễn Quang Thái Dương - Giảng viên Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh - Đại học Y dược TPHCM - Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Trưởng Đơn vị Can thiệp mạch tạng - Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố là người luôn ấp ủ ý tưởng này ngay từ khi ông bước chân vào Bệnh viện Đại học Y dược, tại căn phòng số 7.

Bộ sách Siêu âm Atlas là công trình đúc kết kinh nghiệm hơn 20 năm công tác trong chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, siêu âm chẩn đoán và siêu âm can thiệp của Bác sĩ Nguyễn Quang Thái Dương - một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực siêu âm, can thiệp mạch tạng ở miền Nam.

Xem thêm: “Siêu âm Atlas” - mỗi hình ảnh là một câu chuyện về bệnh nhân

Bộ sách gồm 4 tập với tổng cộng khoảng 2.000 trang. Trong đó, tập 1 gồm 427 trang in màu khổ lớn với gần 1.700 hình ảnh chọn lọc do chính tác giả thu thập và lưu trữ từ thực tế. Đây là một công trình khá đồ sộ về siêu âm các bệnh lý về gan, đường mật, sinh thiết gan và ung thư gan…

Bác sĩ Nguyễn Quang Thái Dương
BS. Nguyễn Quang Thái Dương siêu âm can thiệp cho người bệnh

Bác sĩ Thái Dương chia sẻ, ngày nay, việc ứng dụng siêu âm, chẩn đoán hình ảnh đã trở thành một “công cụ khám bệnh” rất lâm sàng, không thể thiếu bên cạnh kỹ thuật “nhìn, sờ, gõ, nghe”. Với những kinh nghiệm thực hành siêu âm chẩn đoán và siêu âm can thiệp hằng ngày bên người bệnh, đây quả là một sự tổng hợp, đúc kết độc đáo, hiếm có của một chuyên gia về chẩn đoán hình ảnh, siêu âm can thiệp tại TPHCM.

Phóng viên Nhất Hương phỏng vấn Bác sĩ Nguyễn Quang Thái Dương xung quanh bộ sách này.

* VOH: Bác sĩ chia sẻ về ý tưởng thực hiện bộ sách này?

- Bác sĩ Nguyễn Quang Thái Dương: Trong cuộc đời này mọi thứ đều có duyên của nó. Thực sự ai đi học chuyên ngành cũng ước mong cầm được quyển sách của riêng mình trên tay.

Tôi qua Mỹ từ năm 1998, thời đó kỹ thuật cũng chưa hiện đại như bây giờ, những máy siêu âm với màn hình độ phân giải chưa cao. Do vậy, muốn lục lại những ca lâm sàng mình phải vô phòng lab tìm. Rồi tranh thủ mọi lúc mọi nơi, tôi phải lôi ra từng phim để suy ngẫm thêm và cũng không có camera chụp lại như bây giờ.

Tôi nghĩ, bất cứ chuyên ngành nào nếu có một quyển sách như vậy thì sẽ mở mọi thứ trong đầu mình ra, để hấp thu những kiến thức đó. Thứ hai, tôi muốn chia sẻ rằng có những hình ảnh chắt lọc gắn với những câu chuyện, có những hình rất xấu nhưng rất có giá trị về y khoa chẩn đoán.

Hình ảnh bên y khoa có 2 giá trị phải lưu tâm. Một là giá trị thẩm mỹ : hình ảnh thật đẹp. Citi hay Mri mờ ảo có thể đưa ra hình ảnh 3D rất đẹp nhưng không có giá trị chẩn đoán.

Nhưng có những hình rất xấu, nhìn vô không ai tưởng tượng được nhưng dưới cặp mắt chuyên môn thì nó lột tả được bệnh học. Nhìn vào đám trắng đen hỗn độn đó cho tôi chẩn đoán rất chính xác, độ đặc hiệu cao nhất.

Mùa dịch vừa rồi, tôi cũng có thời gian hơi rộng để sắp xếp, tổ chức lại cho đứa con tinh thần “Siêu âm Atlas” ra đời.

* VOH: Tại buổi lễ ra mắt sách “Siêu âm Atlas”, bác sĩ Dương rằng mỗi hình ảnh trong tập “Siêu âm Atlas” là một câu chuyện của bệnh nhân, là câu chuyện đời của họ. Vui có, buồn có! Có khi nào từ những câu chuyện đó bác sĩ đúc kết cho mình bài học giá trị trong quá trình làm nghề?

- Bác sĩ Nguyễn Quang Thái Dương: Có chứ! Đi dạy cho đến hôm nay, tôi thấy cuộc đời khi thất bại hay thành công đều xây dựng cho mình một nhân cách sống, một triết lý sống. Điều đó rất quan trọng.

Giỏi một chút hay thành công một ca cũng không quan trọng bằng sự định hình của mình, hình thành cái nhìn của mình về cuộc sống, bệnh nhân. Chắc chắn, nhờ điều đó mà độ "tinh" trong truyền đạt cho sinh viên sẽ lớn hơn nhiều theo năm tháng.

Thứ hai là mỗi hình của quyển Atlas gắn liền với một câu chuyện nên chắc chắn bức tranh sẽ rất sinh động. Sinh động về bệnh sử của bệnh nhân, sự thành công, thất bại hay sự sai lầm chính mình và kể cả khả năng tiếp cận kỹ thuật trên một căn bệnh giống nhau, nó thay đổi rất nhiều nhưng chất lượng sống sẽ tích tụ theo thời gian, nó đã đi vào máu của tôi.

Tôi tự hào rằng những chất liệu trong đây là của mình, người thật, việc thật gắn liền với những câu chuyện nên thông điệp truyền đạt rất lớn. Tôi thấy phải có tâm huyết, phải có yêu thương thổi vào đây thì quyển sách mới có linh hồn trong đó.

* VOH: Tập sách “Siêu âm Atlas” giống như là luồng gió mát tưới tẩm vào không gian chẩn đoán hình ảnh mà lâu nay chúng ta thấy ít có sự ra mắt chắt chiu thành một tập học như vậy. Đó là một thực tiễn sống động mà các bạn bác sĩ trong tương lai có thể học tập rất nhiều. Thông điệp mà bác sĩ muốn gửi gắm nhất qua “Siêu âm Atlas” là gì?

- Bác sĩ Nguyễn Quang Thái Dương: Câu hỏi này cũng liên quan đến triết lý sống. Thật ra trong công việc nào mỗi người cũng có một vai, cứ sống trọn trái tim và năng lực của mình nhưng nên nhớ cái gì cũng cần sự miệt mài, cần cù.

Tôi cũng dạy con mình cũng như thế. Cái gì cũng phải cần cù, siêng năng, làm việc từ chuyện nhỏ chuyện lớn phải sắp xếp khoa học. Đương nhiên, cuộc đời ai cũng có một cơ duyên, một cây tốt mấy cũng cần có một môi trường. Mở rộng hơn - tôi là đàn anh, phải mở rộng vòng tay, lớp người trên mở rộng vòng tay thì lớp trẻ mới phát triển được.

Tôi cũng trải qua nhiều chuyện không vui nhưng không nghĩ về nó quá nhiều. Cánh cửa này đóng lại thì có cánh cửa khác mở ra, vấn đề còn lại là phải hết mình, hết lòng. Còn mọi thứ cứ để nó diễn ra hết sức tự nhiên.

* VOH: Cảm ơn bác sĩ!