Khai thác tiền sử được biết anh mua rượu về uống, 1 tiếng sau thì cảm thấy khô, nóng rát cổ họng, nhức đầu, tối sầm mặt lại, bị ngất xỉu ngoài đường được người dân đưa vào cấp cứu. Bằng kinh nghiệm lâm sàng, các bác sỹ nghi ngờ bệnh nhân bị ngộ độc Methanol và nhanh chóng được làm xét nghiệm máu.Bác sỹ tiến hành song song vừa xét nghiệm định lượng nồng độ Methanol vừa dựa vào các dấu hiệu cận lâm sàng khác, khai thác tiền sử nghiện rượu của bệnh nhân để xử trí sớm theo phác đồ điều trị ngộ độc Methanol.
Người bệnh đã được xử trí cấp cứu, loại bỏ độc chất và xử dụng chất đối kháng đặc hiệu là Ethanol. Kết quả xét nghiệm nồng độ Methanol trong máu ban đầu của bệnh nhân lên đến 125,2 mg/dL trong khi chỉ số người bình thường = 0. Người bệnh được truyền Ethanol vào dạ dày để ngăn chặn chuyển hóa hấp thu ngộ độc đồng thời được lọc máu ngắt quãng. Sau một ngày điều trị, tình trạng người bệnh tỉnh, các chỉ số sức khỏe cải thiện rõ rệt, không còn tình trạng toan máu. Hiện tại người bệnh vẫn phải lọc máu ngắt quãng, tiếp tục theo dõi kết quả các chỉ số xét nghiệm và sẽ được xuất viện trọng một vài ngày tới.
Thạc sĩ. Bác sĩ Hoàng Tiến Nam – Bác sĩ điều trị khoa Hồi sức tích cực - chống độc cho biết thêm, nam bệnh nhân này bị ngộ độc Methanol nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời do toan máu nặng suy đa cơ quan, ngưng tim dẫn đến nguy cơ tử vong cao hoặc nếu qua cơn nguy kịch cứu được tính mạng thì để lại các biến chứng mờ mắt. Methanol như chúng ta biết hay thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau như làm sơn, dung môi..., tuy nhiên chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như Ethanol. Ngộ độc rượu từ Ethanol thường nhẹ hơn, chỉ có các triệu chứng như say rượu nhưng ngộ độc rượu do Methanol thì thường nặng hơn do bị pha cồn công nghiệp vào đồ uống. Chính vì vậy để tránh tình trạng ngộ độc Methanol thì không nên uống rượu bia, các chất kích thích hoặc sử dụng các loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được cấp phép lưu hành.