Chờ...

4 tác hại của nha đam dễ mắc phải bạn đừng chủ quan!

(VOH) - Nha đam (lô hội) mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe và sắc đẹp, thế nhưng nếu bạn không sử dụng đúng cách thì nguy cơ cao vẫn có thể mắc phải các tác hại của nha đam.

Nha đam từ lâu đã được xem như một loại ‘thần dược’ giúp chăm sóc sắc đẹp cho phụ nữ vừa đơn giản lại ít tốn kém. Không những thế, từ lâu nha đam đã được nhắc đến rất nhiều trong sách y học cổ truyền vì có tác dụng thanh nhiệt, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng. Tuy nhiên nếu bạn quá lạm dụng và dùng thiếu khoa học thì sẽ khó tránh khỏi những tác dụng phụ nguy hại với sức khỏe. 

1. Một số tác hại của nha đam cần lưu ý

Với những nghiên cứu chuyên sâu, người ta nhận thấy rằng nha đam có thể sản sinh ra 2 chất là gel và nhựa. Gel nha đam là chất thịt trong suốt trong lá nha đam, nhựa nha đam có màu vàng nhạt tiết ra từ dưới vỏ cây, song phần lớn chúng ta sẽ sử dụng phần gel. Theo đó các chuyên gia khuyến cao chỉ nên dùng tối đa 5 – 10g gel nha đam mỗi lần để phòng tránh tối đa một số tác hại sau: 

1.1 Gây dị ứng

Dùng gel nha đam trong thời gian dài có thể dẫn tới tình trạng dị ứng da mặt như: viêm, nổi mề đay và đỏ mi mắt. Đặc biệt, sau khi bôi gel nha đam và ra nắng có thể gây phát ban, kích ứng hoặc đỏ hoặc sẽ bị bỏng da.

5-tac-hai-cua-nha-dam-de-mac-phai-ban-dung-chu-quan-voh-0
Nguy cơ bị kích ứng, phát ban đỏ rất dễ xảy ra nếu sử dụng nha đam sai cách (Nguồn: Internet) 

1.2 Hạ đường huyết quá mức 

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt chất dễ hòa tan polysacharide được tìm thấy trong nha đam có đặc tính hạ nồng độ đường huyết trong máu. Chính vì lý do đó nếu sử dụng nước ép hay các món ăn từ nha đam quá liều lượng an toàn sẽ làm hạ đường huyết quá mức, gây nguy hiểm tính mạng, nhất là với đối tượng đang điều trị bệnh tiểu đường và có sử dụng thuốc hạ glucose. 

Xem thêm: Cách phát hiện bị hạ đường huyết và chế độ ăn uống để đường huyết ổn định trở lại

1.3 Rối loạn tiêu hóa

Một trong những tác dụng phụ thường gặp khi quá lạm dụng nha đam chính là bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài và mất cân bằng chất điện giải. 

Bên cạnh đó, nếu sử dụng aloin có trong nha đam ở liều cao còn gây ra cảm giác khó chịu ở dạ dày, khiến dạ dày bị co thắt quá mức, gây kích ứng ruột và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm đường ruột.

1.4 Không tốt cho phụ nữ mang thai 

Nha đam không phải là thực phẩm “thân thiện” với các mẹ bầu bởi aloin và anthraquinone do nha đam cung cấp được xem là nguyên nhân chính kích thích các cơn co thắt tử cung, gây ra các biến chứng như sảy thai, sinh non hay dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

Xem thêm: Bà bầu ăn nha đam được không?  Liệu có phải 'mát' quá hóa thành hại?

2. Hướng dẫn dùng nha đam đúng cách cần biết

Để không ‘lãng phí’ một dược liệu quý như nha đam cũng như đảm bảo an toàn cho sức khỏe, trong quá trình sử dụng bạn cần nắm rõ và thực hiện đúng các lưu ý sau: 

2.1 Làm sạch nha đam

Sau khi cắt các nhánh nha đam, hãy gọt sạch lớp vỏ xanh bên ngoài, nếu thấy có lớp nhựa vàng cũng nên nạo sạch. Đem ngâm phần gel nha đam với hỗn hợp nước chanh và muối trong khoảng 20 – 30 phút cho hết nhớt, rồi luộc sơ với nước sôi thêm 2 – 3 phút nữa mới có thể sử dụng. 

5-tac-hai-cua-nha-dam-de-mac-phai-ban-dung-chu-quan-voh-1
Nên thực hiện đúng công đoạn làm sạch nha đam (Nguồn: Internet)

2.2 Không dùng liên tục trong thời gian dài 

Dù tận dụng nha đam để chế biến món ăn hay làm đẹp bạn cũng không nên sử dụng liên tục trong thời gian dài. Lời khuyên là chỉ sử dụng 1 – 2 lần trong một tuần, sau khoảng 2 tuần thì tạm ngưng ít nhất 1 tuần rồi quay lại.  

2.3 Hạn chế sử dụng khi đang dùng thuốc đặc trị 

Một số hoạt chất trong nha đam có thể tương tác với các loại thuốc như Digoxin, thuốc trị đái tháo đường hay thuốc lợi tiểu. Vì thế trong quá trình điều trị bất cứ bệnh lý nào, tốt nhất hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng nha đam. 

Mong rằng lần tới khi sử dụng nha đam bạn sẽ không quên áp dụng những hướng dẫn dùng an toàn trên đây, để chủ động phòng tránh tối đa những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và sắc đẹp nhé.