Lý giải nguyên nhân gây rát lưỡi

(VOH) - Rát lưỡi là một hiện tượng phổ biến mà hầu như ai cũng đã từng trải qua, nhất là trường hợp bị rát lưỡi sau khi ăn thơm (khóm). Vậy hiện tượng này là do đâu và có nguy hiểm không?

Những thông tin dưới đây sẽ cho bạn biết hiện tượng hiện tượng rát lưỡi là do đâu và nó cảnh báo điều gì về sức khỏe của bạn hiện tại?

1. Vì sao bị rát lưỡi?

Lưỡi là bộ phận rất nhạy cảm và dễ nhiễm trùng. Bề mặt của lưỡi gồm rất nhiều gai lưỡi chứa đầu mút thần kinh cảm giác vị giác và được bao phủ bởi niêm mạc lưỡi.

Phía trên niêm mạc lưỡi luôn có một lớp mỏng tế bào chết mà người ta gọi là bựa lưỡi. Lớp bựa trắng này giúp bảo vệ niêm mạc lưỡi. Nếu các lớp bảo vệ niêm mạc lưỡi này bị giảm đi, bong tróc sẽ để lộ ra niêm mạc lưỡi màu đỏ bên dưới, để lộ đầu mút thần kinh cảm giác tiếp xúc trực tiếp với nước bọt.

ly-giai-nguyen-nhan-gay-rat-luoi-voh

Rát lưỡi xuất phát từ nhiều nguyên nhân (Nguồn: Internet)

Nước bọt cũng là một loại men tiêu hóa nên sẽ gây viêm loét thêm nơi lộ niêm mạc lưỡi, ảnh hưởng trực tiếp vào đầu mút thần kinh lưỡi sẽ gây ra các cảm giác nóng bỏng hay thường xuyên rát lưỡi, đặc biệt tình trạng rát lưỡi càng nặng hơn khi bạn ăn thức ăn cay, nóng, mặn, chua,…

Như vậy, việc làm giảm hoặc mất nhiều bựa lưỡi sẽ khiến bạn cảm thấy lưỡi bị rát và nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này chính là do:

  • Ăn nhiều thức ăn nóng, cay (ớt, tiêu), chua (dứa, chanh).
  • Cạo bựa lưỡi thường xuyên vì cho rằng đây là chất bẩn bám trên lưỡi.
  • Ngậm muối trong miệng thường xuyên.

Những hành động này đều gây tổn thương lớp bảo vệ niêm mạc lưỡi và gây ra đau rát khó chịu.

Bên cạnh đó, tình trạng rát lưỡi cũng có thể báo hiệu lưỡi bạn đang bị viêm do nhiễm nấm, loét lưỡi do nóng trong người, loét lưỡi Apthae…hoặc rát lưỡi cũng có thể xảy ra do bạn vô tình cắn phải lưỡi.

2. Tại sao ăn thơm (khóm) lại rát lưỡi?

Thực tế, nhiều người không có thói quen cạo bựa lưỡi nhưng khi ăn thơm lại bị rát lưỡi. Vậy ăn thơm (khóm) bị rát lưỡi là vì sao?

Thơm (khóm) hay dứa là trái cây vừa ngon vừa giàu vitamin. Tuy nhiên, nhiều người khi ăn thơm với số lượng lớn sẽ có cảm giác bị rát lưỡi. Một số ý kiến cho rằng tình trạng rát lưỡi khi ăn thơm là do acid có trong trái thơm gây ra. Tuy nhiên lý do thực sự là do quả dứa có chứa chất bromelain - một hỗn hợp của các enzyme tiêu hóa, có nhiều lợi ích trong việc điều trị chống viêm nhiễm.

ly-giai-nguyen-nhan-gay-rat-luoi-voh

Chất gây rát lưỡi trong quả thơm có nhiều trong cùi (lõi) và vỏ của quả (Nguồn: Internet)

Enzyme bromelain nằm tập trung nhiều trong lõi và vỏ thơm. Chất này có lợi cho sức khỏe nhưng trong trường hợp tiếp xúc với lớp da nhạy cảm và xung quanh miệng làm phân hủy các protein gây ra cảm giác đau rát. Đây không phải là một vấn đề quá lớn vì không gây nguy hại đáng kể gì cho cơ thể.

Như vậy, ăn thơm bị rát lưỡi là do chất bromelain có trong thơm gây ra. Chất này có nhiều trong lõi và vỏ thơm, vì vậy mà nhiều người ăn thịt thơm không thị rát lưỡi nhưng khi ăn nhiều lõi thơm sẽ bị rát lưỡi.

3. Bị rát lưỡi nên làm gì?

Nếu bị rát lưỡi bạn nên chú ý thực hiện một số điều sau đây:

ly-giai-nguyen-nhan-gay-rat-luoi-voh

Không nên cạo bựa lưỡi thường xuyên (Nguồn: Internet)

  • Không nên cạo lưỡi thường xuyên, chỉ nên cạo lưỡi khi có yêu cầu của bác sĩ để điều trị bệnh nào đó ở lưỡi.
  • Khi ăn thơm (khóm) nên chọn thơm tươi, không dập nát. Khi gọt thơm phải bỏ hết lớp vỏ, cắt sâu cho hết mắt và rửa thơm với nước muối sau khi ăn. Ngoài ra, bạn chỉ nên ăn thịt thơm và hạn chế ăn lõi (cùi) thơm.
  • Hạn chế ăn thức ăn chua, cay, nóng, mặn.
  • Ăn nhiều trái cây, rau quả giàu vitamin C, vitamin PP.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày.
  • Nếu vô tình cắn vào lưỡi gây đau rát thì hãy ngậm viên đá để giảm đau lập tức, sau đó súc miệng bằng nước muối và thoa mật ong lên chỗ lưỡi bị cắn.

Nếu nhận thấy đau rát lưỡi thường xuyên và không có dấu hiệu giảm thì nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và chẩn đoán. Thăm khám sớm sẽ giúp bạn phát hiện sớm những căn bệnh ở lưỡi gây rát lưỡi và từ đó điều trị kịp thời.