Suy buồng trứng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

(VOH) – Có thể nói, suy buồng trứng đang trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều chị em phụ nữ, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe sinh sản của người phụ nữ.

Chúng ta biết rằng, buồng trứng là cơ quan chịu trách nhiệm về việc thụ tinh và sinh sản trong cơ thể người phụ nữ. Bên cạnh đó, buồng trứng còn có chức năng sản xuất các hormone sinh sản, đó là estrogen và progesterone.

Suy buồng trứng là gì?

Suy buồng trứng là tình trạng ngừng hoạt động các chức năng của buồng trứng ở phụ nữ sau tuổi dậy thì và trước 40 tuổi, nên đôi khi còn được là mãn kinh sớm.

Khi bị suy buồng trứng, người phụ nữ sẽ không thể thực hiện được chức năng sản xuất số lượng bình thường hormone estrogen, không thể tạo ra trứng và nuôi dưỡng trứng để duy trì hoạt động sinh sản.

suy-buong-trung-nguyen-nhan-trieu-chung-cach-dieu-tri-va-phong-ngua-voh

Suy buồng trứng là tình trạng ngừng hoạt động các chức năng của buồng trứng ở phụ nữ (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, phụ nữ bị suy buồng trứng sẽ ảnh hưởng đến khả năng “chuyện chăn gối” do hormone kích thích ham muốn không được sản sinh, và các nội tiết tố bị ảnh hưởng gây ra mất cân bằng bên trong cơ thể.

Nguyên nhân suy buồng trứng

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy buồng trứng. Nó có thể bắt nguồn từ các bệnh lý về di truyền, nhiễm sắc thể hay các bệnh lý tự miễn.... Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng, chính sự suy giảm hormone estrogen mới chính là nguyên nhân điển hình nhất gây suy buồng trứng.

Phụ nữ có chức năng buồng trứng bình thường, khi đến chu kỳ kinh nguyệt tuyến yên sẽ giải phóng hormone. Lúc này một số lượng nhỏ của trứng có chứa nang trong buồng trứng sẽ trường thành nhưng chỉ có 1 nang trứng đạt đến kỳ hạn mỗi tháng. Khi nang trưởng thành, nó sẽ tạo thành trứng. Sau đó, trứng sẽ đi vào ống dẫn trứng, nếu gặp tinh trùng trứng sẽ được thụ tinh và dẫn đến có thai.

Tuy nhiên, nếu phụ nữ bị suy buồng trứng sẽ có một lỗ hỏng xảy ra ở một trong 2 quá trình, đó là: Nang trứng bị suy giảm hoặc bị rối loạn chức năng nang.

Nguyên nhân nang trứng suy giảm

  • Khuyết tật nhiễm sắc thể (NST): Rối loạn di truyền có thể ảnh hưởng đến các chức năng bình thường của buồng trứng. Nếu bạn bị hội chứng Turner  sẽ có thể khiến NST bị khiếm khuyết và nó gây ra suy buồng trứng.
  • Chất độc: Thực hiện hóa trị và xạ trị có thể khiến buồng trứng bị suy giảm. Ngoài ra, các chất độc hại có trong khói thuốc lá, hóa chất, thuốc trừ sâu cũng đều có thể dẫn đến suy buồng trứng.

Xem thêm: Phát hiện và điều trị u bì buồng trứng sớm để tránh nguy cơ ung thư hóa

Nguyên nhân gây rối loạn chức năng năng

  • Bệnh tự miễn: Bình thường, hệ miễn dịch sẽ tạo ra kháng thể để chống lại mô buồng trứng làm tổn hại đến nang chứa trứng và làm hỏng trứng. Tuy nhiên, nếu các phản ứng miễn dịch không rõ ràng sẽ gây phản ứng ngược và kết quả có thể dẫn đến suy buồng trứng.
  • Yếu tố không xác định: Một số phụ nữ bị suy buồng trứng nhưng không thể xác định được nguyên nhân là do đâu.

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ thể làm gia tăng tình trạng suy buồng trứng ở phụ nữ, bao gồm:

  • Lạm dùng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá....
  • Viêm nhiễm bộ phận sinh dục từ các loại virus, vi khuẩn.
  • Đã từng cắt bỏ một bên buồng trứng hoặc vòi trứng.
  • Từng nạo phá thai.

Suy buồng trứng sớm có thai được không?

Thực tế, có khoảng 5 – 10% phụ nữ khi được chẩn đoán suy buồng trứng vẫn có thể có thai tự nhiên. Và khoảng 50% phụ nữ bị suy buồng trứng sớm vẫn có hoạt động buồng trứng, mặc dù chúng không liên tục và khó xác định rõ.

Dấu hiệu suy buồng trứng

Các dấu hiệu suy buồng trứng thường sẽ tương tự như các triệu chứng của người phụ nữ đang ở tuổi mãn kinh. Các triệu chứng bạn có thể gặp phải bao gồm:

  • Rối loạn kinh nguyệt

Khi bị suy buồng trứng, bạn có thể sẽ gặp phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt trong thời gian dài. Đồng thời màu sắc kinh nguyệt cũng sẽ có sự thay đổi.

  • Giảm ham muốn tình dục

Khi hormone kích thích sự ham muốn bị suy giảm, bạn sẽ không còn ham muốn “chuyện chăn gối” và có xu hướng né tránh.

suy-buong-trung-nguyen-nhan-trieu-chung-cach-dieu-tri-va-phong-ngua-1-voh

Phụ nữ bị suy buồng trứng thường không còn ham muốn chyện vợ chồng (Nguồn: Internet)

  • Già nua

Mặc dù bạn còn rất trẻ nhưng da dẻ lại bị “xuống cấp” nhăn nheo, ngực chảy xệ.

  • Suy giảm trí nhớ

Thường xuyên bị quên trước quên sau, mất tập trung trong công việc.

  • Khô âm đạo

Âm đạo có thể bị khô và đau rát khi có “quan hệ tình dục”.

  • Chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ

Sự suy giảm hormone có thể khiến bạn thường xuyên bị chóng mắt, đau đầu mất ngủ và thậm chí bị buồn nôn.

Xem thêm: Buồng trứng đa nang - nguy cơ gây hiếm muộn ở phụ nữ

Biến chứng khi mắc bệnh suy buồng trứng

Suy giảm buồng trứng nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người phụ nữ. Những nguy cơ mà bạn phải đối mặt là:

  • Mất tự tin vào bản thân, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
  • “Chuyện chăn gối” không còn được như ý, khó đạt được khoái cảm khi giao hợp. Ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng.
  • Có nguy cơ bị loãng xương.
  • Suy giảm chức năng nội mô, tăng tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch, rối loạn chức năng nội mô và tử vong.
  • Chức năng sinh sản ở phụ nữ bị suy giảm đáng kể, đặc biệt có thể dẫn đến vô sinh.

Cách chẩn đoán mắc bệnh suy buồng trứng

Để chẩn đoán tình trạng suy buồng trứng, bác sĩ có thể hỏi về các dấu hiệu triệu chứng lâm sàng bạn đang gặp phải, chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng và tiền sử bệnh tật. Sau đó, bạn sẽ được thực hiện kiểm tra thể chất, bao gồm cả việc khám phụ khoa.

suy-buong-trung-nguyen-nhan-trieu-chung-cach-dieu-tri-va-phong-ngua-2-voh

Chẩn đoán suy buồng trứng bạn cần kiểm tra thể chất và khám phụ khoa (Nguồn: Internet)

Một số xét nghiệm có thể sẽ được tiến hành, đó là:

  • Xét nghiệm mang thai.
  • Kiểm tra hormone kích thích nang trứng.
  • Xét nghiệm Luteinizing hormone.
  • Xét nghiệm Estradiol huyết thanh.
  • Kiểm tra NST.

Suy buồng trứng có chữa được không?

Hiện nay có rất nhiều phương pháp có thể giúp điều trị tình trạng suy buồng trứng với mục đích là giải quyết các vấn đề phát sinh từ việc thiếu hụt estrogen. Thông thường, bạn sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc bổ sung nội tiết estrogen, tuy nhiên, liều lượng và cách dùng như thế nào thì bạn cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Phụ nữ bị suy buồng trứng muốn mang thai cần phải áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản chẳng hạn như: thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh ống nghiệm xin trứng....

Cách phòng ngừa suy buồng trứng

Để phòng ngừa tình trạng suy buồng trứng, bạn cần lưu ý những điều sau đây:

  • Tránh bị stress, căng thẳng, quá áp lực. Nên thư giãn và luôn để tinh thần được thoải mái.
  • Có thể cải thiện đời sống tình dục bằng cách áp dụng một số biện pháp giúp hỗ trợ và kích thích khi quan hệ như: sử dụng chất bôi trơn, thay đổi các tư thế khác nhau, ...
  • Khám sức khỏe phụ khoa định kỳ để sớm phát hiện bất thường và chủ động trong việc điều trị.

Suy buồng trứng nên ăn gì

Có rất nhiều thực phẩm có thể giúp bổ sung nội tiết tố nữ estrogen chẳng hạn như:

  • Đậu nành hay các chế phẩm từ đậu nành.
  • Đu đủ.
  • Quả anh đào.
  • Hạt mè.
  • Hạt lanh.

Nhìn chung, suy buồng trứng có thể ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản của người phụ nữ, vì thế nếu bạn nhận thấy có các dấu hiệu suy buồng trứng như rối loạn kinh nguyệt, chậm kinh hay bị rong kinh bất thường.... hãy đến các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và điều trị sớm, nhằm tránh gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản về sau.

Xem thêm: