Tiêm nhắc các mũi vắc xin giúp tăng cường kháng thể cho trẻ

(VOH) – Thời điểm giao mùa khiến thời tiết và khí hậu thay đổi thất thường, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Nếu không được tiêm nhắc, trẻ có nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm.

Đối với một số loại vắc xin, sau khi tiêm đủ liều cơ bản thì kháng thể chỉ có tác dụng bảo vệ cơ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Khi lượng kháng thể này giảm đi, cơ thể sẽ không được bảo vệ tối ưu trước sự tấn công của tác nhân gây bệnh nên rất dễ mắc bệnh nếu không được tiêm chủng nhắc lại. 

Độ bền vững của kháng thể phụ thuộc vào bản chất của vắc xin, công nghệ sản xuất, khả năng đáp ứng của cơ thể,... Do vậy, cần tiêm nhắc lại để hệ miễn dịch được tăng cường và kháng thể bảo vệ cơ thể được duy trì lâu dài nhằm tăng khả năng chống lại bệnh truyền nhiễm.

Việc tiêm các mũi vắc xin nhắc lại chỉ có hiệu quả đối với các loại vắc-xin tạo được trí nhớ miễn dịch qua các mũi tiêm trước đó. 

Về cơ bản, tính an toàn của các liều vắc xin tiêm nhắc lại hoặc tiêm bổ sung không khác biệt với các liều tiêm trước đó. Chỉ không tiêm nhắc lại nếu tiền sử mũi tiêm trước đó cùng thành phần vắc xin có phản ứng nặng, phản ứng sốc phản vệ.

Xem thêmTPHCM số ca tử vong vì sốt xuất huyết tăng thêm 3 trường hợp

Tiêm nhắc các mũi vắc xin giúp tăng cường kháng thể cho trẻ
Tiêm nhắc các mũi vắc xin giúp tăng cường kháng thể cho trẻ.

Các loại vắc xin và thời gian tiêm nhắc lại được khuyến cáo áp dụng như sau:

Vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván: Trẻ cần được tiêm nhắc lại lúc 18 tháng tuổi, sau đó nhắc lại lúc 4-6 tuổi, 10-13 tuổi hoặc muộn hơn; có thể nhắc lại mỗi 10 năm (nếu có nguy cơ cao).

Vắc xin phòng viêm não Nhật Bản bất hoạt: Cần tiêm nhắc mũi thứ 3 một năm sau khi tiêm mũi thứ 2. Sau đó nên tiêm nhắc lại mỗi 3 năm cho đến khi 15 tuổi.

Vắc xin phòng viêm não Nhật Bản: tiêm mũi nhắc lại sau 1-2 năm cho trẻ từ 9 tháng đến dưới 18 tuổi.

Vắc-xin phòng bại liệt uống: Có thể cho trẻ dưới 5 tuổi uống 2 liều bổ sung cách nhau 1 tháng nhằm nâng cao khả năng bảo vệ của cơ thể hoặc tiêm liều bại liệt IPV bổ sung lúc 5 tháng tuổi sau 3 liều OPV uống lúc 2,3,4 tháng tuổi theo chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Vắc xin phòng nhiễm khuẩn do Hib: Nên tiêm nhắc khi trẻ được 18 tháng tuổi.

Vắc xin phòng sởi, sởi - quai bị - rubella: Vắc xin phòng sởi đơn được tiêm liều 1 lúc trẻ 9 tháng tuổi, tiêm nhắc khi trẻ được 18 tháng tuổi bằng vắc xin sởi đơn giá hoặc vắc xin phối hợp 3 trong 1 ngừa bệnh sởi - quai bị - rubella. 

Vắc xin phòng cúm: Được tiêm nhắc hằng năm, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, huyết áp, hen phế quản, tiểu đường,...

Vắc xin phòng thương hàn: Tiêm nhắc lại mỗi 3 năm tại những vùng lưu hành virus thương hàn nặng hoặc có dịch, đặc biệt chú ý tiêm nhắc lại cho đối tượng trẻ em và người cao tuổi;

Vắc xin phòng tả (uống): Nên dùng hằng năm tại những vùng thường xuyên xảy ra dịch tả, đặc biệt là cho những đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm cao;

Vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu AC (Meningo AC): Tiêm nhắc lại mỗi 3 năm.

Vắc xin phòng phế cầu: Tiêm nhắc lại tùy theo độ tuổi tiêm mũi đầu tiên và vắc xin sử dụng

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh bại liệt chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi, cứ 1 trong 200 ca nhiễm bệnh sẽ dẫn đến liệt không hồi phục. Trong số những người bị liệt, 5-10% ca tử vong do cơ hô hấp ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) vừa thống kê số trẻ em bỏ lỡ những liều vắc xin quan trọng tăng gấp 4 lần ở Việt Nam vào năm 2021.