Xin đừng để các em đơn độc trong cuộc chiến chống trầm cảm

(VOH) - Thông tin về các học sinh tự kết liễu cuộc sống trong thời gian qua gióng lên hồi chuông cảnh báo về sức khoẻ tâm thần trong giới trẻ.

Buồn chuyện gia đình, áp lực học tập, không được đáp ứng một yêu cầu nào đó... đều có thể là lý do cho những sự việc đau lòng. Đáng nói là nhiều biểu hiện của tình trạng trầm cảm trong lứa tuổi học đường thường bị bỏ qua do đánh đồng với những biến đổi tâm sinh lý lứa tuổi.

Để hạn chế những vụ việc này, xã hội cần có sự thay đổi trong nhìn nhận về vấn đề sức khoẻ tâm thần. VOH phỏng vấn bà Nguyễn Hồng Nhã, Tâm lý gia lâm sàng, Khoa Tâm thể, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức.

Xin đừng để các em đơn độc trong cuộc chiến chống trầm cảm 1
Bà Nguyễn Hồng Nhã, Tâm lý gia lâm sàn, Khoa Tâm thể, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức.

*VOH: Thưa bà, tình trạng trầm cảm đặc biệt trong giới trẻ, gần đây có dấu hiệu gia tăng khi thông tin về các vụ việc học sinh tự tử xuất hiện nhiều hơn trên các mặt báo. Bà nhìn nhận như thế nào về thực trạng trầm cảm trong giới trẻ?

Bà Nguyễn Hồng Nhã: Cần phải khách quan để thấy rằng dân số tăng, số lượng bệnh nhân ở hầu hết bệnh lý cũng đều tăng theo, không riêng gì bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tốc độ phát triển của cuộc sống hiện đại kéo theo những áp lực của cuộc sống, những rối loạn về sức khoẻ tâm thần không ngừng gia tăng.

Suốt thời gian dài qua, chung ta thường nghĩ trầm cảm chỉ xảy ra ở người lớn. Còn các bạn trẻ, thanh thiếu niên dễ bị nhầm lẫn triệu chứng trầm cảm của họ với tâm trạng buồn vui thất thường hay phản ứng của tuổi mới lớn.

Trong hai thập kỷ trở lại đây, qua các nghiên cứu lâm sàng cho thấy, trầm cảm là vấn đề sức khoẻ tâm thần ở tuổi thanh thiếu niên trên toàn thế giới. Tỷ lệ này cao hơn ở các nước thu nhập trung bình thấp và gia tăng theo từng năm.

Hơn một nửa số ca tự tử ở độ tuổi thanh thiếu niên được báo cáo mắc chứng rối loạn trầm cảm tại thời điểm tự sát.

Một nghiên cứu gần đây tại Cần Thơ, thực hiện trên 1.161 học sinh Trung học cơ sở cho thấy, 41% các em có triệu chứng của trầm cảm. Những thông tin gần đây trên báo đài cho chúng ta cảm thấy sự việc xảy ra đột ngột, nhưng thực ra đó đều là kết quả của sự tích tụ lâu dài những bất ổn trong đời sống tinh thần.

Nhưng có thể những người xung quanh cha mẹ, bạn bè... chưa kịp nhận ra.

*VOH: Nguyên nhân và hậu quả của tình trạng trầm cảm?

Bà Nguyễn Hồng Nhã: Có rất nhiều nguyên nhân. Ở đối tượng thanh thiếu niên thường rất dễ nhìn thấy nguyên nhân từ căng thẳng học tập, căng thẳng trong các mối quan hệ xã hội gồm các mối quan hệ bạn bè, quan hệ với thầy cô, những người mình thích, mình yêu quý.

Những căng thằng này cũng có thể đẩy đến tình trạng trầm cảm. Hoặc chủ thể phải trải qua sự kiện gây sang chấn tâm lý, ví dụ: tang chế, đổ vỡ gia đình, bị bắt nạt, bị bạo hành.

Nguyên nhân cũng có thể thấy ở những gia đình có tài chính bấp bênh, có sự không ổn định, có sự thay đổi chỗ ở quá nhiều, cuộc sống nhiều biến động.

Một nguyên nhân nữa dù muốn dù không cũng không thể loại trừ là yếu tố di truyền.

Hậu quả, dĩ nhiên không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn cả lên gia đình và xã hội. Nhưng cần nói rõ, hậu quả sẽ có khi chúng ta không điều trị. Rất may mắn, trầm cảm ở thanh thiếu niên đáp ứng rất tốt với điều trị.

Ở phương diện cá nhân, trầm cảm sẽ làm giảm sức mạnh của hệ miễn dịch.

Lúc đó sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tín hoặc các rối loạn bệnh lý khác. Ngoài ra, chứng trầm cảm có thể đẩy thanh thiếu niên đến hành vi liều lĩnh, tình huống rủi ro. Ví dụ: lái xe sau khi uống rượu bia, quan hệ tình dục không an toàn.

Mức độ nặng, họ có thể làm giảm đau khổ nội tâm bằng cách tự làm đau thực thể hoặc trầm trọng hơn là tự sát.  

*VOH: Lời khuyên cho gia đình khi phát hiện tình trạng trầm cảm ở con em, hoặc giúp cá nhân thoát khỏi tình trạng này?

Bà Nguyễn Hồng Nhã: Nếu xung quanh ta nhìn thấy 1 bạn, 1 em, 1 cháu của mình mà hơn 2 tuần lễ qua rồi có vẻ mệt mỏi, thiếu năng lượng, giảm hứng thú trong tất cả hoạt động, giảm sự tập trung chú ý, hay cáu gắt. Đặc biệt ở tuổi thanh thiếu niên biểu hiện là hay cáu gắt hay tức giận khi mắc chứng rối loạn trầm cảm. Có sự rối loạn về hành vi (ví dụ hơi quá khích, hay chống đối ... ở mức độ gia tăng và đột ngột), hoặc có sự rối loạn về ăn uống, về giấc ngủ. 

Trường hợp khác có những than vãn như đau đầu, đau cơ, đau lưng ... nhưng đi khám sẽ thấy không có gì bất thường. Trầm trọng hơn nếu mình thấy cô bé, cậu bé có than vãn, có suy nghĩ liên quan sự chết, sự chán chường cuộc sống, muốn đi tìm một thế giới mới.

Nhiều khi thấy trên facebook sẽ nhắn lại tôi muốn đi đâu đó thật xa ... thì mình phải cẩn trọng. Bởi vì đôi khi đó cần được hiểu như một lời cầu cứu, một lời kêu gọi sự quan tâm chú ý.

Khi có sự hoài nghi liệu người này có rối loạn trầm cảm hay không, nếu ở trường học, mình có thể hướng dẫn bạn đến y tế học đường. Cha mẹ ông bà thấy con em có những dấu hiệu thì hãy đưa con em đến thăm khám chuyên khoa với một bác sĩ tâm thần hoặc một tâm lý gia lâm sàng.

Thực ra trầm cảm không phải là yếu đuối, cũng không phải là thứ gì đó có thể vượt qua bằng ý chí.

Chúng ta cần có sự hỗ trợ từ nhà chuyên môn, từ hệ thống mạng lưới, gia đình nhà trường xã hội.

Trong vai trò là cha mẹ, ông bà, thầy cô và những người bạn, chúng ta hãy chủ động nâng cao nhận thức của mình về lĩnh vực sức khoẻ tâm thần, cụ thể về rối loạn trầm cảm.

Xin đừng để các em đơn độc trong cuộc chiến chống trầm cảm của chính mình.

*VOH: Cám ơn bà!