Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Bệnh béo phì là gì, nguy hiểm như thế nào?

(VOH) - Hiện nay, tình trạng béo phì đang ngày một gia tăng, nó thật sự đang trở thành nỗi quan ngại của ngành y học. Đặc biệt, tuổi của người bị thừa cân béo phì lại ngày càng trẻ hóa.

Bạn có biết, béo phì là một “chất xúc tác” gây ra hàng loạt những căn bệnh nguy hiểm và khó điều trị. Béo phì làm gián đoạn quá trình trao đổi chất, hormone trong cơ thể nên người béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người bình thường.

1. Bệnh béo phì là gì?

beo-phi-la-gi-nguy-hiem-nhu-the-nao-voh-1

Béo phì đang ngày càng gia tăng (Nguồn: Internet)

Béo phì là tình trạng chất béo lưu trữ trong cơ thể vượt quá mức cho phép. Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng của người bệnh mà còn làm gia tăng nguy cơ bệnh tật.

Nhiều người thường cho rằng béo phì và thừa cân là giống nhau, tuy nhiên béo phì và thừa cân là 2 khái niệm khác nhau. Thừa cân là tình trạng cân nặng tăng quá nhiều so với chiều cao, không chỉ do dư thừa chất béo mà còn có thể do nhiều cơ bắp hoặc nước trong cơ thể. Cả 2 tình trạng này đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

2. Khi nào được gọi là béo phì?

Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn 25 là thừa cân, nếu ở mức 30 hoặc cao hơn được gọi là béo phì và ở mức 40 hoặc cao hơn là béo phì nghiêm trọng.

Công thức tính BMI là: BMI = Cân nặng (kg)/ {chiều cao x 2} (m)

3. Béo phì có tác hại gì?

Cùng với việc làm mất đi vẻ thẩm mỹ, béo phì còn làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tật cao hơn người bình thường.

Các bệnh lý mà người béo phì có nguy cơ mắc phải gồm:

beo-phi-la-gi-nguy-hiem-nhu-the-nao-voh-2

Béo phì làm tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm (Nguồn: Internet)

3.1 Bệnh xương khớp

Người béo phì dễ bị thoái hóa khớp, loãng xương, đau nhức triền miên do trọng lượng cơ thể gây áp lực lên xương khớp. Khớp gối, cột sống tổn thương sớm trước khi về già. Những người béo phì cũng dễ mắc bệnh gout.

3.2 Bệnh tim mạch

Bệnh béo phì thường đi kèm với bệnh rối loạn lipid máu hay thường gọi là mỡ trong máu hoặc cholesterol cao. Khi cholesterol cao sẽ gây xơ hóa lòng mạch máu, tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Hơn nữa, ở những người béo phì, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể và lâu dài sẽ gây quá tải cho tim, dẫn đến nhiều bệnh về tim mạch.

3.3 Bệnh tiểu đường

Bệnh béo phì có liên quan mật thiết với bệnh tiểu đường tuýp 2 do gây đề kháng insulin ( hormon điều hòa đường huyết và đưa nhanh glucose vào tế bào để sử dụng) nên là nguyên nhân trực tiếp gây ra đái tháo đường týp 2 ở người béo phì.

3.4 Bệnh lý đường tiêu hóa

Do béo phì làm cho lượng mỡ dư bám vào các quai ruột gây táo bón, dễ sinh ra bệnh trĩ. Sự ứ đọng phân và các chất thải độc hại sinh ra trong quá trình chuyển hóa dễ sinh bệnh ung thư đại tràng. Lượng mỡ dư tích tụ ở gan gây bệnh gan nhiễm mỡ nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến bệnh xơ gan...

3.5 Suy giảm trí nhớ

Bệnh béo phì ở trẻ em thường khiến trẻ có chỉ số thông minh thấp hơn những trẻ có cân nặng bình thường. Người lớn bị béo phì có nguy cơ bị Alzheimer cao hơn so với người bình thường.

3.6 Bệnh đường hô hấp

Hoạt động của cơ hoành, khí phế quản của người béo phì thường hạn chế do “mỡ bám”, người béo phì thường bị rối loạn nhịp thở, đặc biệt là dễ ngáy, ngừng thở khi ngủ. Béo phì càng nặng thì tình trạng rối loạn nhịp thở càng nhiều.

3.7 Rối loạn nội tiết

Phụ nữ béo phì thường bị rối loạn kinh nguyệt, buồng trứng đa nang, khó có thai, nguy cơ vô sinh cao. Nếu có thai nguy cơ đẻ khó, con dễ bị rối loạn chuyển hóa. Nam giới béo phì thường yếu sinh lý, nguy cơ vô sinh.

4. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì

Một số yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì:

beo-phi-la-gi-nguy-hiem-nhu-the-nao-voh-3

Trẻ em cũng dễ bị béo phì (Nguồn: Internet)

  • Gen di truyền;
  • Lối sống gia đình;
  • Ít vận động;
  • Chế độ và thói quen ăn uống không lành mạnh;
  • Bỏ hút thuốc;
  • Thiếu ngủ;
  • Sử dụng một số loại thuốc nhất định;
  • Tuổi tác;

Bất cứ ai cũng có thể bị béo phì nếu không có một chế độ ăn và tập luyện phù hợp. Ngày nay, bệnh béo phì ở trẻ em cũng là một vấn đề đáng báo động do chế độ ăn uống không phù hợp.

5. Điều trị béo phì bằng cách nào?

beo-phi-la-gi-nguy-hiem-nhu-the-nao-voh-4

Chữa béo phì cần có chế độ ăn và tập luyện hợp lý (Nguồn: Internet)

Chế độ ăn kiêng, tập thể dục thể thao và phẫu thuật có thể được áp dụng để điều trị bệnh béo phì. Chuyên gia dinh dưỡng và các bác sĩ có thể giúp bạn lên kế hoạch với một chế độ ăn ít chất béo, ít calo phù hợp với sức khỏe. Thực đơn giảm cân cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ, trên cơ sở tăng cường chất xơ, uống nhiều nước... Ăn ngủ điều độ giúp tăng cường hoạt động hệ tiêu hóa, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, đồng thời hạn chế được việc cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu của cơ thể.

Tập thể dục là một cách hữu hiệu để điều chỉnh cân nặng an toàn. Một vài loại thuốc (thuốc kích thích) có thể làm giảm cân nhưng có thể gây ra tác dụng phụ, do đó bạn chỉ nên sử dụng thuốc dưới sự chỉ định và giám sát trực tiếp của bác sĩ.

Một số trường hợp béo phì nặng, không đáp ứng với các biện pháp trên, phẫu thuật làm hẹp dạ dày sẽ được đặt ra.

Điều trị béo phì là cách để bạn tự tin hơn, đồng thời phòng ngừa được nhiều bệnh lý nguy hiểm. Do đó, nếu chẳng may trọng lượng cơ thể đang ở ngưỡng "quá cân", hãy kiên trì áp dụng các phương pháp giảm cân ngay từ bây giờ.

Bình luận