10 sự kiện Thế giới nổi bật năm 2021

Năm 2021 khép lại với những sự kiện có ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình thế giới, làm thay đổi các mối quan hệ song phương, đa phương và gây biến động mạnh đến đời sống, kinh tế, chính trị toàn cầu.

Mời quý vị cùng Đài TNND TPHCM (VOH)  điểm lại 10 sự kiện nổi bật của thế giới trong năm qua.  

1. Đại dịch Covid-19 tiếp tục gây tác động toàn diện tới mọi mặt đời sống

Trong năm 2021, virus SARS-CoV-2 với các biến chủng mới tiếp tục tác động khắp các quốc gia như cơn sóng thần, gây tác động toàn diện tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Mỗi ngày, những ca nhiễm mới và tử vong vì căn bệnh này vẫn tiếp tục gia tăng. Tính đến tháng 12/2021, toàn thế giới đã có hơn 265 triệu người nhiễm và hơn 5 triệu người tử vong.

10-su-kien-the-gioi-noi-bat-nam-2021-voh.com.vn-anh1
Đại dịch Covid-19 tiếp tục gây tác động toàn diện tới mọi mặt đời sống. (Ảnh: EPA)

Kể từ khi Thế chiến lần thứ II kết thúc, đây là lần đầu tiên thế giới phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đến vậy. Đặc biệt, sự xuất hiện của biến thể Omicron ngay thời điểm cuối năm đã và đang báo hiệu cuộc chiến chống lại dịch bệnh còn nhiều gian nan phía trước.

2. Ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46

10-su-kien-the-gioi-noi-bat-nam-2021-voh.com.vn-anh2
Ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46. (Ảnh: BBC)

Trong phiên họp lưỡng viện Quốc hội Mỹ ngày 6/1 sau nhiều giờ trì hoãn vì bạo loạn, chính thức xác nhận ông Joe Biden, ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ giành được 306 phiếu đại cử tri, chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống. Về phần mình, ông Trump cuối cùng cũng ngầm thừa nhận mình đã thua. Ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46 và có buổi lễ nhậm chức đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chiến thắng của ông Joe Biden cũng đánh dấu lần đầu tiên nước Mỹ có 1 nữ Phó Tổng thống là bà Kamala Haris.

3. Mỹ rút quân khỏi Afghanistan

Sau sự kiện khủng bố 11/9, Mỹ đã đưa quân đến Afghanistan, có thời điểm số lượng binh sĩ Mỹ hiện diện tại đây lên tới 47.000 người. Cuộc chiến kéo dài 20 năm tại Afghanistan đã khiến hơn 2.200 binh lính Mỹ tử vong và tiêu tốn hàng ngàn tỷ đôla. Việc rút quân của Mỹ và NATO có thể châm ngòi cho một cuộc đua tranh chính trị trong khu vực, với nhiều bên khác nhau, từ Trung Quốc tới Thổ Nhĩ Kỳ, từ Nga tới Ấn Độ… tất cả đều tìm cách tận dụng khoảng trống quyền lực ngoại giao ở Kabul, một cục diện mới được xác lập với những biến số mới.

4. Hội nghị G7: Đạt nhiều đồng thuận quan trọng

Sau 3 ngày nhóm họp tại Vịnh Carbis, Cornwall, thành phố cảng bên bờ Đại Tây Dương miền Nam nước Anh, nguyên thủ các nước G7 cùng với 4 nước khách mời: Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nam Phi đã ra một bản tuyên bố chung dài 25 trang với các cam kết đầy tham vọng, bao trùm về ứng phó y tế với đại dịch Covid-19, phục hồi sau đại dịch gắn với môi trường, gửi đi các thông điệp mạnh mẽ, tích cực nhằm chung tay giải quyết nhanh chóng đại dịch và xây dựng thế giới trở lại tốt đẹp hơn. Lãnh đạo các nước G7 đã đạt được đồng thuận quan trọng về chia sẻ trách nhiệm với thế giới thông qua chiến lược phân phối vaccine.

5. Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua Nghị quyết chấm dứt cấm vận kinh tế với Cuba

Ngày 23/6, ĐHĐ LHQ đã họp thông qua Nghị quyết về “Sự cần thiết phải chấm dứt cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính đối với Cuba” (A/RES/75/290) với kết quả 184 phiếu thuận, 02 phiếu chống và 03 phiếu trắng. Đây là Nghị quyết do Cuba đề xuất từ năm 1992 và được ĐHĐ LHQ bỏ thông qua hằng năm với số phiếu thuận áp đảo. Hơn 20 nước, trong đó có đại diện 06 nhóm nước, gồm: châu Phi, Cộng đồng Caribbe, ASEAN, Nhóm G77+Trung Quốc, Phong trào Không Liên kết và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo đã phát biểu bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ việc thông qua Nghị quyết. Các nước nhấn mạnh, Mỹ cần dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba và cam kết tiếp tục cam kết tuân thủ các nguyên tắc, mục đích và tinh thần của Hiến chương LHQ.

6. Kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc năm 2021: Xác định các mục tiêu, định hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035

Từ ngày 4/3 đến 10/3/2021, Trung Quốc đã lần lượt tổ chức hai kỳ họp của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (gọi tắt là Lưỡng hội). Diễn ra theo thời gian như thông lệ hằng năm, Lưỡng hội Trung Quốc năm 2021 đã thông qua Nghị quyết về đề cương Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 14 (2021 - 2025) và tầm nhìn đến năm 2035bắt đầu hành trình mới xây dựng nhà nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa toàn diện. Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, sự phát triển của Trung Quốc sẽ tác động mạnh mẽ tới khu vực và thế giới.

7. Năm 2021, năm căng thẳng nhất tại eo biển Đài Loan

Năm 2021, Trung Quốc không ngừng gia tăng áp lực quân sự với Đài Loan. Theo dữ liệu của AFP, kể từ khi bộ Quốc Phòng Đài Loan hồi tháng 9/2020 quyết định cho công bố các vụ xâm nhập của chiến đấu cơ Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan, trong vòng 14 tháng tiếp theo, Bắc Kinh không ngừng gia tăng dọa dẫm Đài Bắc. Trong năm 2021, tổng cộng đã có gần 900 vụ xâm nhập. Hành động leo thang căng thẳng này của Bắc Kinh tại eo biển Đài Loan khiến các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản rất lo ngại.  

8. Quỹ tiền tệ quốc tế kêu gọi hành động nhằm ổn định nền kinh tế thế giới

Hội nghị mùa xuân do Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phối hợp tổ chức tại Washington (Mỹ) ngày 16/4. Theo đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế cam kết nỗ lực thúc đẩy để tăng cường khả năng phục hồi của ngành tài chính, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế toàn cầu, tăng cường hơn nữa chức năng giám sát, quản lý dòng vốn đang trở thành một nguy cơ cao gây khủng hoảng đối với một số thị trường mới nổi. Đồng thời, Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng kêu gọi các quốc gia tăng cường hợp tác để giải quyết các rủi ro từ khủng hoảng kinh tế trong các hệ thống tài chính.Quỹ Tiền tệ quốc tế khẳng định sẽ tiếp tục cung cấp chính sách hỗ trợ tài chính để giúp các nước khắc phục tình trạng tăng trưởng quá nóng.  

9. Giải Nobel 2021

10-su-kien-the-gioi-noi-bat-nam-2021-voh.com.vn-anh3
Hai đồng chủ nhân Giải Nobel Hòa bình năm 2021. (Ảnh: nobelprize.org)

Đại dịch COVID-19 khiến lễ trao giải thưởng Nobel phải điều chỉnh hình thức tổ chức trong 2 năm liên tiếp, song không thể thay đổi thời điểm công bố chủ nhân của các giải thưởng danh giá vốn rất được mong chờ.Năm 2021 là năm thứ hai liên tiếp kể từ năm 1944, lễ trao giải Nobel truyền thống ở Stockholm (Thụy Điển) không thể diễn ra do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo thông báo của Quỹ Nobel, những người đoạt giải sẽ được trao các huy chương và bằng khen ngay tại quê nhà của họ.

10. Bế mạc Olympic Tokyo 2020, chia tay kỳ Thế vận hội đặc biệt nhất lịch sử

10-su-kien-the-gioi-noi-bat-nam-2021-voh.com.vn-anh4
Olympic Tokyo 2020 - kỳ Thế vận hội đặc biệt nhất lịch sử.

Tối ngày 8/8, Lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020 đã diễn ra trên Sân vận động Quốc gia Nhật Bản, chính thức khép lại kỳ Thế vận hội đặc biệt nhất trong lịch sử sau 17 ngày tranh tài. Chủ đề của Lễ bế mạc Olympic 2020 là "Worlds We Share". Ban tổ chức muốn phản ánh tinh thần Olympic và "thể hiện ý tưởng rằng mỗi chúng ta đều sống trong thế giới của riêng mình". Chương trình bế mạc được đơn giản hóa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Số lượng người tham dự ít hơn do nhiều đoàn thể thao đã về nước sau khi thi đấu xong.