Ấn Độ chuyển trọng tâm chiến lược sang Đông Nam Á

(VOH) - Tờ The Hindu đưa tin, ngày 16/6, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt Ấn Độ - ASEAN (SAIFMM) đã khai mạc tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ.

Hội nghị lần này được giới chức Ấn Độ quảng bá rộng rãi. Các nhà phân tích cho rằng Ấn Độ đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng của mình trong khu vực bằng cách tăng cường các mối liên hệ về kinh tế với ASEAN.

Theo tin từ truyền thông Ấn Độ, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt Ấn Độ - ASEAN lần này do Ấn Độ và Singapore đồng chủ trì, sẽ diễn ra trong 2 ngày. 

Ngày 16/6, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết, Ấn Độ và các nước ASEAN đang phải đối mặt với các vấn đề về an ninh lương thực và năng lượng do xung đột giữa Nga và Ukraine, giá cả các mặt hàng như phân bón biến động dữ dội, chuỗi cung ứng và chuỗi hậu cần toàn cầu có nguy cơ bị “đứt gãy” do các yếu tố địa chính trị.

Ngoại trưởng các nước ASEAN và Ấn Độ chụp ảnh chung tại Hội nghị Đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ - ASEAN ở New Delhi ngày 16/6/2022. (Ảnh: TTXVN)
Ngoại trưởng các nước ASEAN và Ấn Độ chụp ảnh chung tại Hội nghị Đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ - ASEAN ở New Delhi ngày 16/6/2022. (Ảnh: TTXVN)

Ông Jaishankar nhấn mạnh, Ấn Độ ủng hộ một "ASEAN mạnh mẽ, thống nhất và thịnh vượng, công nhận đầy đủ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cho rằng, cuộc cạnh tranh chiến lược hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có tác động trực tiếp đến toàn bộ khu vực châu Á. Ông kêu gọi "duy trì hòa bình và ổn định làm nền tảng cho sự tăng trưởng, phát triển và thịnh vượng".

Theo tờ The Print (Ấn Độ), hội nghị lần này nhằm đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa Ấn Độ và ASEAN.

Ngoại trưởng Jaishankar cho rằng, khi quan hệ Ấn Độ - ASEAN bước sang thập kỷ thứ tư, hai bên cần phải thích ứng với tình hình phát triển hiện nay trên thế giới. Theo ông, Ấn Độ và ASEAN cần kết nối với nhau tốt hơn để cùng đối phó với những thách thức như toàn cầu hóa.

Theo hãng tin AP, nền tảng của mối quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN là sự cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực.

Truyền thông đưa tin, cuộc họp trên giữa Ấn Độ và ASEAN chỉ là một cuộc họp thường lệ nhưng lại được giới chức Ấn Độ đẩy mạnh tuyên truyền và quảng bá như một "cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt", cho thấy Ấn Độ rất coi trọng mối quan hệ với ASEAN. Cuộc họp lần này diễn ra 3 tuần sau hội nghị thượng đỉnh của Nhóm Đối thoại An ninh "Bộ tứ" (gồm Australia, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ) ở Tokyo.

Tại cuộc họp đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) với các thành viên ban đầu gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc và một số nước ASEAN như Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Brunei.

Nhà nghiên cứu Manoj Joshi tại Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát (ORF) của Ấn Độ cho rằng, các quốc gia đều đang cố gắng thu hút ASEAN vì khối này nằm ở trung tâm của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và các nước ASEAN là rất quan trọng nếu bạn muốn tham gia vào việc hoạch định chính sách của khu vực. "Về điều này, Ấn Độ cũng không ngoại lệ", ông Manoj Joshi nói.

Ông cũng cho rằng các nước ASEAN rất thực tế. "Với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, họ muốn đạt được sự cân bằng chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Một nguồn tin nói với phóng viên tờ Global Times rằng việc Ấn Độ tăng cường quan hệ với ASEAN là một động thái ngoại giao trong khuôn khổ "Chính sách hướng Đông" của nước này nhằm tăng cường sự ảnh hưởng rộng rãi của họ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.