Tiêu điểm: Nhân Humanity

Trung Quốc xóa 1,4 triệu bài đăng thông tin sai lệch

VOH - Khoảng 1,4 triệu bài đăng trên mạng xã hội Trung Quốc đã bị xóa sau cuộc điều tra kéo dài 2 tháng về thông tin sai lệch, trục lợi bất hợp pháp và mạo danh quan chức nhà nước…

Ngày 26/5, Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết đã đóng 67.000 tài khoản mạng xã hội và xóa hàng trăm nghìn bài đăng trong khoảng thời gian từ ngày 10/3 đến ngày 22/5 như một phần của chiến dịch “cải chính” rộng lớn hơn.

Kể từ năm 2021, Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào hàng tỷ tài khoản mạng xã hội nhằm “làm sạch” không gian mạng và giúp chính quyền kiểm soát dễ dàng hơn.

Cuộc “đàn áp” mới nhất nhắm vào các tài khoản trên các mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc là WeChat, Douyin và Weibo – thuộc danh mục “tự truyền thông”. Đây là một thuật ngữ dùng để chỉ các tài khoản xuất bản tin tức nhưng không do chính phủ điều hành hoặc được nhà nước phê duyệt.

WeChat, Douyin và Weibo
Cuộc “đàn áp” mới nhất nhắm vào các tài khoản trên các mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc là WeChat, Douyin và Weibo

Quốc gia này thường xuyên bắt giữ các công dân và kiểm duyệt tài khoản xuất bản hoặc chia sẻ thông tin được coi là nhạy cảm hoặc chỉ trích Đảng Cộng sản, chính phủ, quân đội, đặc biệt là khi những thông tin đó được lan truyền rộng rãi.

Trong số 67.000 tài khoản đã bị đóng vĩnh viễn, gần 8.000 tài khoản đã bị gỡ vì “lan truyền tin giả, tin đồn và thông tin có hại” - theo CAC.

Khoảng 930.000 tài khoản khác nhận các hình phạt nhẹ hơn, từ việc xóa tất cả người theo dõi đến đình chỉ hoặc hủy bỏ các đặc quyền kiếm lợi nhuận.

Trong một chiến dịch khác, cơ quan quản lý gần đây đã đóng hơn 100.000 tài khoản bị cáo buộc xuyên tạc tin tức và các cơ quan truyền thông để chống lại sự gia tăng của tin tức giả mạo trực tuyến được hỗ trợ bởi các công nghệ AI.

CAC cho biết, chiến dịch mới nhất của họ nhắm mục tiêu vào gần 13.000 tài khoản quân sự giả mạo, với những cái tên như “Bộ tư lệnh Hồng quân Trung Quốc”, “Lực lượng chống khủng bố Trung Quốc” và “Lực lượng tên lửa chiến lược”.

Khoảng 25.000 tài khoản khác rơi vào "tầm ngắm" do mạo danh các tổ chức cộng đồng, chẳng hạn như các trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh.

Gần 187.000 người đã bị trừng phạt vì mạo danh các doanh nghiệp truyền thông tin tức, trong khi hơn 430.000 người bị cáo buộc cung cấp dịch vụ tư vấn hoặc giáo dục chuyên nghiệp mà không có bằng cấp chuyên môn liên quan.

Khoảng 45.000 tài khoản đã bị đóng vì “thổi phồng các vấn đề nóng, theo đuổi ảnh hưởng và kiếm tiền bất hợp pháp”.

Cơ quan quản lý cho biết, họ đã “tích cực phối hợp với công an, giám sát thị trường và các bộ phận khác, để giáng một đòn nặng nề và chấn chỉnh 'tự truyền thông' bất hợp pháp”.

Đồng thời, đơn vị này cũng kêu gọi cư dân mạng tích cực tham gia giám sát và báo cáo (hoạt động 'tự truyền thông' bất hợp pháp), cung cấp manh mối... và cùng duy trì một không gian mạng trong sạch.

Bình luận