Vì sao Mỹ mở Đại sứ quán ở quần đảo Solomon?

(VOH) - Ngoại trưởng Antony Blinken vừa thông báo về việc Mỹ mở đại sứ quán ở Honiara thuộc Quần đảo Solomon.

Việc này được cho là nhằm đối phó nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc (TQ) tại khu vực Thái Bình Dương.

Theo thông báo của ông Antony Blinken,  Mỹ mở đại sứ quán ở Quần đảo Solomon chưa đầy 1 năm sau khi công bố ý định này.

Động thái khẳng định cam kết của Mỹ đối với quan hệ với Quần đảo Solomon và quan hệ đối tác giữa hai nước ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Vì sao Mỹ mở Đại sứ quán ở quần đảo Solomon? 1
Thủ đô Honiara thuộc quần đảo Solomon.

Mỹ muốn tăng cường quan hệ đối tác với Quần đảo Solomon trong một số lĩnh vực bao gồm phát triển kinh tế, chống đại dịch Covid-19, và ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu.

"Việc mở đại sứ quán dựa trên nỗ lực của Mỹ nhằm bố trí thêm nhân viên ngoại giao khắp khu vực, và gắn kết hơn nữa với các nước láng giềng Thái Bình Dương, kết nối các chương trình và nguồn lực của Mỹ với dự án tại khu vực, cũng như tăng cường quan hệ ngoại giao nhân dân” - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói.

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo tới chính phủ Quần đảo Solomon rằng đại sứ quán nước này chính thức mở cửa từ ngày 27/1.

Năm 2022,quần đảo Solomon ký hiệp ước hợp tác an ninh với Trung Quốc. Đây được xem là bước tiến lớn đối với Trung Quốc ở Thái Bình Dương - nơi quần đảo Solomon có vị trí chiến lược.

Thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Honiara sẽ cho phép tàu hải quân Trung Quốc neo đậu tại khu vực, cách bờ biển Australia khoảng 2.000 km. Trung Quốc có thể triển khai quân đội tới quần đảo Solomon nếu nơi đây xảy ra bất ổn.

Trong bối cảnh đó, Solomon phải đối mặt với áp lực từ các đồng minh truyền thống, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, New Zealand và đặc biệt là Australia trong việc hủy bỏ thỏa thuận.