Giá thép thế giới đi xuống
Giá thép ngày 24/3 giao tháng 5/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 43 nhân dân tệ xuống mức 4.673 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h30 (giờ Việt Nam).
Giá quặng sắt hồi phục sau đợt bán tháo kéo dài 2 ngày trước đó do lo ngại về việc ngành thép sẽ giảm công suất sản xuất.
Quặng sắt giao tháng 5 trên sàn Đại Liên phiên vừa qua tăng 2% lên 1.039,5 CNY/tấn, trong khi kỳ hạn tháng 4 trên sàn Singapore tăng 2,4% lên 154,75 USD/tấn.
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Sự gián đoạn thời tiết ở Đức đã ảnh hưởng đến sản lượng thép thô của quốc gia này trong tháng 2/2021, S&P Global Platts đưa tin.
Theo dữ liệu do Liên đoàn Thép Đức WV Stahl công bố ngày 22/3, sản lượng thép trong tháng trước đã giảm 10% so với ghi nhận cùng kỳ năm ngoái.
Việc sản lượng giảm xuống 3,1 triệu tấn vào tháng 2 đã chấm dứt chuỗi ngày nỗ lực gia tăng sản lượng của các nhà máy thép Đức khi chứng kiến nhu cầu tăng trở lại vào giữa năm 2020.
WV Stahl cho biết, sự phục hồi sản xuất trong ngành thép của Đức vẫn không ổn định.
Sản lượng thép thô hiện giảm ở hầu hết các nhà máy. Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng tại các lò cao giảm 9,9% xuống 2,1 triệu tấn và sản lượng tại các lò điện hồ quang giảm 11,3% xuống 991.000 tấn.
Tương tự, sản lượng gang giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 1,9 triệu tấn, sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) cũng giảm 5,9% xuống 2,8 triệu tấn.
Trong tháng 2 vừa qua, nhà sản xuất thép Salzgitter của Đức đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng trong sản xuất. Ảnh hưởng nghiêm trọng của thời tiết đã khiến các đường ray bị tắc nghẽn, việc giao hàng bằng xe tải tạm thời bị cấm và giao thông đường thủy cũng bị gián đoạn.
Một người tham gia thị trường cho biết: “Đó là hai tuần mà các nhà máy phải hoạt động ở mức tối thiểu vì các nguyên liệu như khí đốt không thể được giao để đáp ứng cho quá trình sản xuất”.
Điều này đã kéo dài tình trạng tồn đọng hàng hóa và khiến nó ngày càng tồi tệ hơn.
Thông thường, các nhà máy có thể tìm cách bù đắp cho các vấn đề về hiệu suất, nhưng vì tình trạng thiếu nguyên liệu tiếp tục gia tăng nên điều đó trở nên bất khả thi.
Thị trường thép tháng 2/2021: Tăng trưởng tích cực cả về sản lượng và tiêu thụ
Đầu năm 2021, thị trường thép trong nước vẫn tiếp tục tăng trưởng tích cực so với năm trước cả về sản lượng và tiêu thụ bất chấp sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn.
Theo số liệu từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thô tháng 2/2021 đạt 1.467.391 tấn, giảm 15,3% so với tháng trước, nhưng tăng 9,4% so với cùng kỳ. Giá thép trong nước tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Trong tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thép của Việt Nam đạt gần 968.000 tấn, tăng 2,72% so với tháng trước và tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020 về sản lượng xuất khẩu. Trị giá xuất khẩu đạt 623 triệu USD tăng 9,68% so với tháng 12/2020 nhưng tăng hơn 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Sản lượng thép thô thế giới trong tháng 1 đạt 162,9 triệu tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Đa số nước sản xuất thép thô lớn đều ghi nhận tăng trưởng trong tháng 1, trong đó Trung Quốc, nước sản xuất thép thô lớn nhất thế giới, ghi nhận sản lượng 90,2 triệu tấn trong tháng 1, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng chỉ có sản lượng thép thô tại Nhật Bản và Mỹ lại giảm lần lượt 3,9% và 9,9% với 7,9 triệu tấn và 6,9 triệu tấn.
Thị trường thép toàn cầu đầu năm tăng giá phản ánh sự lạc quan rằng năm 2021 sẽ mang lại sự phục hồi mạnh mẽ cho các nền kinh tế thế giới, nhưng sự không chắc chắn đáng kể vẫn còn bởi các quốc gia đang ở các giai đoạn khác nhau của quá trình kiểm soát đại dịch COVID-19.
Giá thép tại thị trường Trung Quốc trong tháng liên tục tăng mạnh do vào mùa xây dựng và lo ngại sản lượng giảm do chính sách bảo vệ môi trường. Giá thép tăng kéo giá các nguyên liệu sản xuất thép tăng theo.