Điện Biên Phủ - dấu son rực rỡ của lịch sử quân sự Việt Nam (Bài 1) - Thời sự 05g30 05/05/2019

(VOH) - Vào thời điểm này, cách đây 65 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp đã bước vào giai đoạn khốc liệt.

Tuy quân đội Việt Minh giữ thế chủ động trên chiến trường, nhưng hai bên vẫn cần một trận quyết chiến để phân chia thắng bại. Và trận quyết chiến đó đã diễn ra tại cánh đồng Mường Thanh – Điện Biên Phủ.

Ngày 7/5/1954 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới; tạo ra bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; buộc chúng phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Đây cũng là sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019), mời quý vị nghe bài 1 của loạt bài “Điện Biên Phủ - dấu son rực rỡ của lịch sử quân sự Việt Nam” do Phóng viên Quỳnh Anh thực hiện, với nhan đề “Quyết định khó khăn nhất”.

-----

Bài 1: Quyết định khó khăn nhất

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, điều quan trọng trước hết là xác định chính xác phương châm tác chiến làm cơ sở cho việc hạ quyết tâm chiến đấu. Với phương châm ban đầu “đánh nhanh, thắng nhanh” có ưu điểm là tạo bất ngờ, giữ được quyết tâm và bảo đảm hậu cần tốt hơn, tuy nhiên, việc xác định phương châm tác chiến cho một chiến dịch quan trọng mang tầm vóc trận quyết chiến, chiến lược đòi hỏi Bộ Tổng Tư lệnh và Tư lệnh chiến trường phải cân nhắc, tính toán và quyết định chính xác.

Đánh nhanh – giải quyết nhanh, hầu hết những chiến dịch tấn công phòng ngự bậc cao trong lịch sử quân sự hiện đại được giải quyết theo phương châm này. Thế nhưng, áp dụng phương châm này trong điều kiện tại Việt Nam lại nảy sinh những vấn đề mà người chỉ huy không thể không cân nhắc, trong đó có vấn đề liên quan đến số lượng đạn pháo.

Để đánh nhanh, giải quyết nhanh thì pháo binh – hỏa lực chủ yếu của chiến trường – phải hùng hậu cả về số lượng pháo và đạn pháo. Trong chiến dịch tấn công vào sào huyệt của phát xít Đức, một điểm trên phòng tuyến, Liên Xô đã dùng đến 370 ngàn viên đạn pháo.

Trong khi đó, lượng dự trữ đạn pháo 105 ly trước giờ nổ súng của quân ta chỉ hơn 15 ngàn viên, riêng trận mở màn sẽ sử dụng 2.000 viên. Hai ngàn viên trong trận mở màn trong con số 15 ngàn viên – khả năng chế áp số đạn pháo này không nằm ngoài dự tính của các chỉ huy quân Pháp. Nhiều chỉ huy của quân ta cũng nhận thức rõ điều này.

Ý chí chiến đấu, tinh thần đoàn kết ta có thừa, sẽ là sức mạnh tinh thần vô giá của quân ta, tuy nhiên từng ấy là chưa đủ để phủ nhận những hạn chế mà quân ta sẽ gặp phải khi mạo hiểm “Đánh nhanh, thắng nhanh” lúc này. 

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam lý giải thêm: "Về mặt quân sự, Pháp đã tính toán rằng chắc chắn để tiêu diệt Điện Biên thì Việt Minh với lực lượng quân sự, hậu cần như vậy sẽ không thể đánh kéo dài, không thể đánh lâu được mà phải quyết đấu trong thời gian ngắn. Như vậy với lực lượng pháo binh, không quân cộng với lực lượng bộ binh mà Pháp trực tiếp cài cắm vào Điện Biên Phủ thì sẽ nghiền nát được Việt Minh. Mà một khi một trận đánh thất bại thì sẽ kéo theo một loạt các trận đánh khác sẽ khó khăn. Đây là một điểm tính toán khá hợp lý của Pháp, mà nếu chúng ta thực hiện “đánh nhanh, thắng nhanh” thì sẽ đúng vào ý đồ của chúng".

Bằng con mắt của một vị Tổng chỉ huy đã đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp có “quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời cầm quân” của mình. Phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” trong 3 đêm 2 ngày được chuyển sang phương án “đánh chắc, tiến chắc”. Cuộc họp Đảng ủy diễn ra vài giờ ngay trước giờ nổ súng để thống nhất phương án mới gây bất ngờ cho những người tham gia, ngoại trừ Đoàn cố vấn Trung Quốc đã được bàn bạc từ trước.

Đại tá Nguyễn Bội Giong – cựu chiến binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chuyên viên cao cấp của Bộ Tổng tham mưu về tổng kết chiến tranh nhớ lại: “Đánh nhanh, thắng nhanh” tức là trong 2 ngày 3 đêm phải giải quyết xong và hướng đánh chính là từ hướng Tây. Tuy nhiên khi ta hạ quyết tâm thì sau 11 ngày, địch biết sẽ có trận đánh lớn vào tập đoàn cứ điểm này nên chúng ráo riết phòng thủ, củng cố thêm hướng Tây. Do đó Đại tướng quyết định không đánh nữa, các đơn vị bộ binh trở về vị trí tập kết, còn pháo binh, cao xạ thì giữ nguyên vị trí đó làm công sự thật chắc, sẽ có lệnh tiếp.

Quyết định từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” đã thay đổi toàn bộ chiến dịch. Tất cả lực lượng được lệnh ngừng tiến công và trở về vị trí tập kết. Mọi khẩu pháo được cất công kéo lên trên đồi lại phải kéo ra. Những thay đổi trong chỉ huy chiến dịch đã tạo ra sự bất ngờ cho ngay cả đối với quân ta.

Đại tá Trần Xuân Hồng – nguyên Đại đội trưởng Đại đội 803, Trung đoàn pháo binh 45, Đại đoàn 351 trong chiến dịch Điện Biên Phủ cho hay: “Đại đội tôi đang vào chuẩn bị bắn thì được lệnh kéo ra. Lúc đó “quân lệnh như sơn” nên chúng tôi kéo ra, nhưng thật sự trong tâm cũng hơi nuối tiếc và bàng hoàng. Hay là dừng cuộc tấn công? Hay là chuyển sang hướng khác? Phán đoán của từng cá nhân là như thế”.

Ngay sau khi ra quyết định của mình, với trí tuệ sắc bén và kinh nghiệm của một vị tướng dày dạn trên trận mạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những chỉ đạo cụ thể để giữ vững lòng quân, không để xảy ra dao động ý chí chiến đấu trong bộ đội ta.

Đại tá Nguyễn Bội Giong – cựu chiến binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chuyên viên cao cấp của Bộ Tổng tham mưu về tổng kết chiến tranh kể lại: “Cơ quan chính trị mà đứng đầu là đồng chí Lê Liêm và tiếp tục có các đặc phái viên của đại đoàn được cử xuống giải thích thật sâu: Bác đã giao, Đảng giao, nhân dân tin cậy đưa lên đây lực lượng chủ yếu của mình thì nhất định thì phải đánh thắng chiến dịch này. Củng cố ngay quyết tâm cho mọi người. Khi đưa ra thì ở dưới từ chiến sĩ trở lên đều phấn khởi, tôi thấy tinh thần chiến đấu cao lắm. Cán bộ chiến sĩ rất tin ở Bộ chỉ huy chiến dịch, tin ở lãnh đạo của Bác Hồ, của Đảng và đặc biệt tin ở Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp”.

Sau bao gian lao vất vả, có cả những hy sinh để đưa pháo vào tới trận địa, tới ngày 13/3/1954, pháo binh Việt Nam bắn cấp tập vào các vị trí của Pháp, mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trận pháo kích kéo dài 30 phút đã tạo điều kiện để bộ binh phá toang cánh cửa thép ở phía Bắc tập đoàn.

Sau khi chuyển đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, quân ta cũng đã chuyển từ chiến thuật đánh dồn dập và liên tục sang đánh vây lấn, dùng hệ thống giao thông hào như một chiếc khiên bảo vệ bộ đội trước đạn pháo của kẻ thù, từng bước tiến vào lòng địch.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Không thể phủ nhận những yếu tố khách quan mang lại góp phần làm nên thành công chung thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự lãnh đạo, chỉ huy tài tình, sáng suốt của người cầm quân. Sau này, những nhà nghiên cứu lịch sử, người trong cuộc cũng phải thừa nhận, việc thay đổi phương châm là yếu tố quyết định dẫn tới thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Nếu ngày đó không hoãn ngày nổ súng, thay đổi phương châm thì cuộc chiến có lẽ sẽ kéo dài thêm 10 năm, 20 năm nữa.

Trong trận đánh này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào những thời điểm quan trọng đã có những quyết định quan trọng, vào những lúc cần thiết, ông đã có sự lãnh đạo cần thiết với vai trò “toàn quyền quyết định”. Và thực tế lịch sử đã chứng minh, hơn ai hết Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người mà một trận đánh quan trọng như ở Điện Biên Phủ cần phải có.  

Lòng chảo Mường Thanh – nơi địa đầu phía Tây Bắc Việt Nam vào năm 1954 đã diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi đây tướng Navarre coi là địa bàn lý tưởng để xây dựng căn cứ không quân, lục quân hiện đại, lớn bậc nhất Đông Dương thời bấy giờ. Vậy tại sao Điện Biên Phủ - một nơi hẻo lánh xa xôi lại trở thành điểm quyết chiến chiến lược của cả hai bên, đánh dấu một bước ngoặt chiến tranh mà sức ảnh hưởng của nó đã lan tỏa mạnh mẽ tới cuộc đấu tranh chính nghĩa, giành độc lập dân tộc của các nước thuộc địa trên toàn cầu.

Ngày 7/5/1954 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới; tạo ra bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. 

VOH

Bình luận

Đọc Báo