Chờ...

Cổ mỹ từ là gì? Cổ mỹ từ và từ cổ liệu có giống nhau?

VOH - Với những từ ngữ có sắc thái cổ, ý nghĩa đẹp trong tiếng Việt cổ xưa thường được gọi với một cái tên chung, đó là “cổ mỹ từ”.

Dạo gần đây, lướt mạng xã hội chúng ta thường xuyên bắt gặp những hình ảnh, đoạn clip chia sẻ về “cổ mỹ từ”. Vậy cổ mỹ từ là gì, hãy cùng VOH tìm hiểu trong bài viết đây.

Cổ mỹ từ là gì?

Xét theo nghĩa của từ thì:

  • Cổ: Theo Từ điển Trần Văn Chánh “cổ” có nghĩa là cổ xưa, thời xưa, cũ. Từ điển Nguyễn Quốc Hùng cũng diễn giải với ý nghĩa tương tự, tức là xưa cũ, lâu đời.
  • Mỹ: Từ điển phổ thông dịch ý nghĩa từ “mỹ” chính là đẹp. Còn theo Từ điển Trần Văn Chánh thì có nghĩa là tốt, tốt đẹp.
  • Từ: có nghĩa là từ ngữ.

Như vậy, nhìn từ góc độ dịch nghĩa “cổ mỹ từ” là những từ có sắc thái cổ xưa, mang ý nghĩa rất đẹp.

voh-co-my-tu-la-gi
Cổ mỹ từ là những từ ngữ cổ xưa siêu đẹp

Ngoài ra, “Cổ mỹ từ” còn là tên gọi một tựa sách viết về những từ đẹp mà trong xã hội hiện đại ngày nay ít được dùng đến của tác giả Nguyễn Thùy Dung. Quyển sách được tác giả tìm tòi, chắc lọc qua những thi nhân Việt xưa, với mong muốn mang đến bạn đọc niềm hân hoan khi cảm thụ văn học trung đại cũng như những từ ngữ nhiều sắc thái biểu cảm trong tiếng Việt.

Vì sao gọi cổ mỹ từ là “kho báu bị lãng quên”

Trong dòng chảy văn hóa, từ ngữ là thành tố luôn biến đổi để thích ứng với từng giai đoạn thời đại. Theo thời gian, nhiều từ mới được sinh ra và trở nên phổ biến, nhanh chóng thay thế cho từ cũ.

Cứ ngỡ những từ ngữ xinh đẹp mỹ miều ấy sẽ đã bị lãng quên, thế nhưng nhờ sự phát triển của công nghệ đã giúp người trẻ có thêm nhiều cơ hội tìm về quá khứ, lật lại những trang sách, áng văn xưa để biết và hiểu cổ mỹ từ.

Như trong bài Chu trung ngẫu vịnh của Phan Huy Chú có câu: “Thương nhai bích giản thiên trùng lộ/Lưu thủy đào hoa nhị nguyệt thiên”. Ở đây từ “bích giản” chính là một cổ mỹ từ, trong đó: “bích” có nghĩa là màu xanh biếc và “giản” khe suối. “Bích giản” chính là khe suối biếc.

Quay lại với câu hai câu thơ của Phan Huy Chú, người ta lược dịch ý nghĩa rằng: “Ven bờ xanh khe suối biếc, đường xa nghìn trùng/ Nước chảy hoa đào trôi giữa tháng Hai”.

voh-co-my-tu-la-gi-1
Có rất nhiều cổ mỹ từ đã bị lãng quên ở hiện tại

Cổ mỹ từ có thể gọi là một “kho báu bị lãng quên” bởi khi tìm hiểu và nghiên cứu, ta sẽ thấy được đằng sau mặt chữ là cả một hệ thống văn hóa, thường thức của thời đại. “Tầm phương”, “lạc hà”, “thiên chương”, “hiểu phong”… là những từ chỉ cần đọc thôi cũng cảm nhận được sự mỹ cảm, lay động lòng người.

Ngoài ra, cái hay, đặc sắc của cổ mỹ từ còn bởi ý nghĩa. Dường như mỗi từ ngữ đều hàm chứa nhiều tầng nghĩa khác nhau. Đọc cổ mỹ từ, ta sẽ nhận ra giá trị nội sinh vốn thật gần gũi, đẹp đẽ, từ đó giúp khơi gợi thêm niềm cảm hứng, tư duy cởi mở và tình yêu với tiếng Việt.

“Cổ mỹ từ” và “từ cổ” giống hay khác nhau?

Nếu như “cổ mỹ từ” là tên gọi chung chỉ những từ ngữ có sắc thái cổ nom rất đẹp trong tiếng Việt thì “từ cổ” lại mang ý nghĩa bao hàm và rộng lớn hơn rất nhiều.

Cổ từ có thể hiểu là những từ ngữ được sử dụng vào thời xưa của dân tộc, có nguồn gốc bản xứ hoặc vay mượn từ một ngôn ngữ khác. Hiện nay, hầu như các từ cổ đều đã không còn được sử dụng trong tiếng Việt. Tuy nhiên, phần lớn chúng đều đã có từ tương ứng hoặc đồng nghĩa trong trạng thái từ vựng hiện tại.

voh-co-my-tu-la-gi-2
Cổ mỹ từ và từ cổ không giống nhau

Mức độ tiêu biến của từ cổ không đồng đều. Một số từ cổ dường như đã mất hẳn trong từ vựng hiện đại, có thể kể đến như: bui (chỉ); cốc (biết), mảng (nghe); chỉn (chỉ, vẫn)… Và một số từ cổ bị đẩy khỏi vị trí vốn có của chúng nhưng vẫn còn để lại dấu vết như: âu (lo âu); lác (lác đác); lệ (e lệ); giã (giã từ); han (hỏi han)…

Trên đây là một số thông tin về cổ mỹ từ cũng như sự khác nhau cơ bản giữ cổ mỹ từ và từ cổ. Ngày nay, tuy người ta đã rất ít dùng cổ mỹ từ trong đời sống, thế nhưng với văn chương, cổ mỹ từ vẫn là một điều gì đó rất đẹp và thơ, làm say đắm lòng người.

Theo dõi VOH - Sống đẹp để biết đâu là những cổ mỹ từ hay làm lay động lòng người nhé!